23/05/2015 11:04 GMT+7

​Án dân sự đang “đốt” tiền của nhà nước

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đã nói như vậy về việc tòa phải giải quyết quá nhiều vụ việc dân sự, với thủ tục nhiêu khê, trong khi thủ tục hòa giải chưa được tận dụng để giải quyết các tranh chấp dân sự.

Tại buổi góp ý cho dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) diễn ra sáng nay (23-5),đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng dự thảo bộ luật chỉ mới đi vào tiểu tiết chứ chưa căn bản.

Dẫn chứng cho ví von án dân sự đang “đốt” tiền của nhà nước, ông Đương cho biết mỗi năm tòa thụ lý gần 100.000 vụ việc dân sự, chủ yếu là liên quan đến bất động sản. Có nhiều vụ lòng vòng 10 năm, 20 năm mà công lý vẫn không đạt được.

Điều mấu chốt dẫn đến việc “đốt” thời gian, công sức, tiền của của nhà nước lẫn xã hội trong các vụ việc dân sự theo ông Đương là hầu hết các tranh chấp dân sự ở Việt Nam đều phải giải quyết bằng con đường tòa án.

“Có khi vì mấy đồng bạc mà phải mở cả phiên tòa. Không phải cứ mọi tranh chấp đưa ra tòa là đều hay cả. Chúng ta phải tận dụng hòa giải giữa đôi bên để đúng với tiêu chí “việc dân sự cốt ở đôi bên” mà cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đã nói ở Quốc hội từ nhiều khóa trước” - ông Đương bày tỏ.

Điểm tiếp theo làm cho các vụ án dân sự mất thời gian là luật hiện hành cho phép tòa làm thay quá nhiều việc, “từ xác minh giấy từ, thu thập chứng cứ, xét xử, tòa làm tất” - ông Đỗ Văn Đương phân tích. Chính điều này đã dẫn tới việc tréo ngoe là nhiều đương sự không tin tòa sơ thẩm, thậm chí là phúc thẩm mà chờ đến giám đốc thẩm mới đưa chứng cứ ra.

“Tôi đề nghị tất cả các chứng cứ phải đưa ra từ cấp sơ thẩm, các chứng cứ đưa sau không có giá trị, trừ khi có lý do khách quan chưa thể cung cấp.” - Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Sai chính tả, sai phép cộng trừ nhân chia... cũng có thể dẫn tới hủy án

Chia sẻ vấn đề này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh - Phó chánh án TAND TP.HCM cũng nói các tòa rất đau đầu với một ngàn lẻ một lý do hủy án khi xét xử các vụ việc dân sự. Bởi chỉ cần sai chính tả, sai phép cộng trừ nhân chia... cũng có thể dẫn tới hủy án. Trong khi đây chỉ là những sai sót do quá trình thao tác chứ không ảnh hưởng đến bản chất vụ việc.

Về vướng mắc trong vấn đề hòa giải các vụ việc có tài sản nhà nước, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho biết luật quy định đối với các vụ việc tranh chấp dân sự có tài sản nhà nước thì không hòa giải. Nhưng thực tế hiện nay nhiều ngân hàng thương mại, công ty cổ phần có cổ đông là nhà nước, rất khó minh định.

Ông Ánh nói quy định này đã làm khó cho tòa khi bắt buộc phải mở phiên tòa để giải quyết, trong khi việc dân sự về nguyên tắc cần tôn trọng thỏa thuận giữa các bên.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh dẫn chứng nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, về nguyên tắc thì tiền BHXH là tiền nhà nước, do đó bắt buộc phải mở phiên tòa để xét xử. Trong khi doanh nghiệp lại không muốn ra tòa vì sợ ảnh hưởng uy tín và sẵn sàng bảo đảm trả nợ đủ tiền BHXH nhưng vẫn khó được chấp nhận.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên