08/11/2015 07:49 GMT+7

Án có hiệu lực vẫn chưa thi hành

ÁI NHÂN ghi (luunhan@tuoitre.com.vn)
ÁI NHÂN ghi (luunhan@tuoitre.com.vn)

TT - Bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM buộc UBND Q.9 phải điều chỉnh các quyết định để bồi thường bổ sung nhưng hơn một năm qua vẫn chưa được thi hành.

Bà Huỳnh Thị Phụng - Ảnh: Ái Nhân
Bà Huỳnh Thị Phụng - Ảnh: Ái Nhân
Nghe đọc bài báo này

Đó là trường hợp của bà Huỳnh Thị Phụng (64 tuổi, ngụ 566 xa lộ Hà Nội, khu phố 1, P.Phước Long A, Q.9, TP.HCM). Bà Phụng kể:

“Tháng 1-2009, thực hiện thu hồi đất phục vụ dự án mở rộng xa lộ Hà Nội của UBND TP.HCM, UBND Q.9 ra quyết định thu hồi hơn 1.350m2 đất của tôi theo hai quyết định vào tháng 1 và tháng 4-2012.

Trong số đó có 353m2 đất do UBND Q.9 cho rằng đất lấn chiếm nên không đền bù. Không đồng ý, tôi liên tục khiếu nại nhưng không có kết quả, tôi đã khởi kiện ra TAND Q.9 gồm nhiều nội dung, trong đó có yêu cầu UBND Q.9 bồi thường phần đất trên.

TAND Q.9 xử sơ thẩm bác các yêu cầu của tôi. Tháng 10-2014, TAND TP xử phúc thẩm đã xác định diện tích đất trên không phải là đất lấn chiếm mà là đất phi nông nghiệp, đã được sử dụng ổn định từ năm 1975.

Căn cứ theo quy định, TAND TP cho rằng tôi đã sử dụng đất ổn định trước ngày 15-10-1993 (Luật đất đai có hiệu lực - PV), dù không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đất được sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải bồi thường theo đúng diện tích thực tế đang sử dụng.

TAND TP đã ra bản án ngày 21-10-2014 sửa án sơ thẩm, tuyên buộc UBND Q.9 phải điều chỉnh các quyết định trước đó để bồi thường bổ sung cho tôi diện tích đất trên theo đúng quy định pháp luật.

Tôi đã nhiều lần yêu cầu phía UBND Q.9 thi hành bản án nhưng chưa được thi hành. Bất ngờ đến ngày 24-9-2015, tôi nhận được quyết định của chủ tịch UBND Q.9 cưỡng chế thu hồi toàn bộ diện tích đất của tôi.

Tôi khiếu nại đến UBND Q.9 thì ngày 1-10-2015, ông Nguyễn Văn Thành - phó chủ tịch UBND Q.9 - cho biết UBND Q.9 đã có đơn đề nghị viện trưởng Viện KSND tối cao kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND TP.

Đồng thời khẳng định sẽ xem xét giải quyết trường hợp của tôi sau khi có kết luận của Viện KSND tối cao và TAND tối cao.

Để có kết quả như bản án phúc thẩm tuyên, tôi phải mất rất nhiều thời gian, công sức để theo đuổi. Trong khi bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay, tôi chưa kịp mừng thì UBND Q.9 lại ra quyết định cưỡng chế”.

Tương tự trường hợp bà Huỳnh Thị Phụng là trường hợp ông Võ Văn Ba (85 tuổi, ngụ 546 xa lộ Hà Nội, khu phố 1, P.Phước Long A, Q.9). Năm 2012, UBND Q.9 thu hồi hơn 1.700m2 tại địa chỉ trên cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, trong đó có hơn 650m2 đất.

UBND Q.9 cho rằng đất đó có nguồn gốc lấn chiếm nên không bồi thường, sau đó UBND Q.9 đã ra quyết định hỗ trợ bổ sung cho diện tích đất trên theo giá đất nông nghiệp. Ông Ba khởi kiện.

Tại bản án phúc thẩm, TAND TP đã sửa án sơ thẩm của TAND Q.9 vì cho rằng việc UBND Q.9 hỗ trợ theo giá đất nông nghiệp với phần diện tích trên mà không tính bồi thường là không đúng.

Bản án tuyên buộc UBND Q.9 phải điều chỉnh các quyết định trước đó để bồi thường theo đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, bản án chưa được thi hành thì tháng 9-2015, chủ tịch UBND Q.9 ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất của ông Ba.

Rà soát lại để giải quyết

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thành cho biết với trường hợp khiếu nại của người dân chưa thi hành bản án, quận đã chỉ đạo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng rà soát lại nguồn gốc đất đai để giải quyết theo quy định pháp luật. 

Bà Đặng Thị Hồng Liên - chủ tịch UBND Q.9 - cũng cho biết trong khi chờ quận giải quyết thì người dân vẫn phải chấp hành quyết định hành chính về thu hồi đất theo quy định pháp luật.

Phải thi hành bản án có hiệu lực

Theo luật sư Phạm Tấn Thuấn - Đoàn luật sư TP.HCM, UBND Q.9 lấy lý do đã có văn bản đề nghị kháng nghị để bắt người dân phải đợi là trái quy định pháp luật.

Bộ luật tố tụng dân sự 2004 quy định quyết định, bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật (bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án) thì các bên liên quan phải thi hành ngay.

Đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì quyền yêu cầu xem xét lại chỉ thuộc về cơ quan có thẩm quyền và kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Bên thua kiện (UBND Q.9) chỉ có quyền đưa đơn đề nghị kháng nghị, còn chấp nhận để kháng nghị hay không là thuộc cơ quan có thẩm quyền.

Nếu cơ quan có thẩm quyền có đơn kháng nghị kèm theo đó là quyết định tạm đình chỉ thi hành án thì việc thi hành bản án sẽ bị tạm đình chỉ theo quy định Luật thi hành án.

Còn nếu chưa có đơn kháng nghị dẫn đến chưa có quyết định tạm đình chỉ thi hành án thì việc thi hành án vẫn được tiến hành như bình thường.

ÁI NHÂN ghi (luunhan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên