24/11/2003 09:12 GMT+7

Ăn cắp phỗng tượng

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Có không ít phỗng tượng ở hai huyện Vĩnh Lộc và Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã bị kẻ gian đánh cắp và đi vào quên lãng. Mới đây nạn truy quét phỗng tượng lại diễn ra giữa ban ngày với hành vi trắng trợn, tàn bạo hơn. Những tác phẩm mỹ thuật bằng gỗ hoặc đá hàm chứa ý nghĩa xã hội sâu sắc một thời này đang dần bị xóa sạch.

J4dbYSTn.jpgPhóng to
Một trong chín tượng phỗng bằng gỗ mít ở ghè Vẹt còn sót lại
TT - Có không ít phỗng tượng ở hai huyện Vĩnh Lộc và Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã bị kẻ gian đánh cắp và đi vào quên lãng. Mới đây nạn truy quét phỗng tượng lại diễn ra giữa ban ngày với hành vi trắng trợn, tàn bạo hơn. Những tác phẩm mỹ thuật bằng gỗ hoặc đá hàm chứa ý nghĩa xã hội sâu sắc một thời này đang dần bị xóa sạch.

Ông Nguyễn Văn Cành, một người dân xóm Đình, làng Đa Bút, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, năm nay đã 74 tuổi, bức xúc kể: “Trưa 27-8-2003, tôi đang làm cỏ lúa dưới ruộng thì thấy ba thanh niên phóng xe máy đến vườn tượng của phủ Trịnh, nơi có tượng mười võ quan đứng canh miếu thờ bà Hoàng Thị Ngọc Diễm - vợ chúa Trịnh Tùng. Một gã cởi quần bò quấn vào đầu ông phỗng để hai gã khác dùng búa tạ đập đứt đầu cho êm tiếng rồi vù xe máy chở đi”.

Ông Cành chỉ tay vào giữa những tượng võ quan bị vỡ đôi, ngậm ngùi: “Các ông phỗng, bà phỗng là những người được thuê làm mọi việc hạ đẳng trong dinh quan, phủ chúa. Khi các ông quan ông chúa chết thì tượng cũng được dựng bên mồ hoặc trong nhà thờ để tiếp tục đứng, hầu, bảo vệ. Bao đời nay từ tỉnh, huyện đến xã không có ai trông coi vườn tượng độc đáo này nên mới xảy ra sự việc như thế. Trông rất thảm và tiếc!”.

Theo dân làng Đa Bút, bọn buôn bán cổ vật chuyên nghiệp nghi trong đầu ông phỗng có giấu gia phả khu vườn tượng nên mới liều lĩnh phá phách cả những nơi ghè, am, miếu thờ. Sự thể chưa rõ thì sau đó một ngôi mộ chìm khuất dưới cỏ hàng trăm năm nay không ai để ý, cách vườn tượng chưa đầy 100m, bị đào tung lên. Không biết kẻ cắp lấy được những gì, chỉ thấy hàng chục mét lụa kéo lên từ ngôi mộ trải khắp đồi. Đó chính là ngôi mộ của bà Hoàng Thị Ngọc Diễm. Sau vụ tai tiếng này, Phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc mới thuê một cụ già bảo vệ di tích quốc gia phủ Trịnh với mức lương 100.000 đồng/tháng!

Tôi theo ông Cành rẽ sang ghè Vẹt thờ 12 đời chúa Trịnh (từ Trịnh Tùng đến Trịnh Bồng) - di tích lịch sử cấp quốc gia tại xã Vĩnh Hùng, thì các long ngai, cổ vật cũng chẳng còn gì. Di tích có bảy phỗng ông và hai phỗng bà được làm bằng gỗ mít đứng khoanh tay, ưỡn bụng chầu trước bàn thờ các chúa nhưng nay kẻ cắp đã lấy trộm bảy phỗng ông và một phỗng bà.

I1rSrQAl.jpgPhóng to

Phỗng tượng bằng đá ở vườn tượng phủ Trịnh bị đập vỡ đầu và hai cánh tay

Ông từ Lê Văn Hồng, 76 tuổi, là đời thứ ba đang giữ ghè làng này, than: “Tám tượng phỗng đều mất trong đêm mồng 7 tết năm ngoái. Không biết chúng từ đâu đến, có bao nhiêu tên mà khiêng nổi tám tượng phỗng, mỗi phỗng nặng 40kg. Sáng ra tôi đến quét ghè mới biết bọn nó cắt hết khóa các cửa chính để khiêng các phỗng đi”.

Cụ già Vượng, nguyên là ông từ của ghè làng, đứng tiếc ngơ ngẩn cái cửa tam quan bề thế và ngôi nhà chầu tám gian cổ kính là nơi hương khói linh thiêng của cả dân làng trong những ngày tết cổ truyền thờ thần thành hoàng Trịnh Gia - một võ tướng tài giỏi, giàu lòng yêu nước thương dân của Cao Biền - nhưng nay đã nhường chỗ cho con đường đi ra ruộng lúa.

Trung tá Nguyễn Liêm - trưởng phòng an ninh văn hóa tư tưởng Công an tỉnh Thanh Hóa - cho rằng nạn “chảy máu” các loại cổ vật ở tỉnh này đã nhức nhối từ lâu nhưng rộ nhất từ năm 2002 đến những tháng cuối năm 2003.

Hầu hết cổ vật trong đó có phỗng tượng bị các đối tượng ăn trộm đem về đào hố chôn giấu rồi móc nối đường dây vận chuyển ra ngoại tỉnh bán. Tình hình nhiễu loạn đến nỗi công an tỉnh phải chọn thời điểm, chọn vụ mất nghiêm trọng của di tích lớn để truy bắt. Vì vậy các vụ ăn cắp phỗng tượng nêu trên vẫn còn phải “nằm” chờ...(?).

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên