Các đội thi chế biến các món ăn trong vòng chung kết cuộc thi Chiếc thìa vàng 2015 - Ảnh: Quang Định |
Ông Lý Huy Sáng - phó tổng giám đốc Công ty Minh Long 1, đơn vị tổ chức - đã chia sẻ thêm về những điều đặc biệt chỉ có ở cuộc thi Chiếc thìa vàng năm nay, trong đó khả năng có thể truy cập, cập nhật thông tin, diễn biến cuộc thi qua các mạng xã hội.
* Vì sao ban tổ chức lại chọn mạng xã hội làm kênh truyền tải thông tin cuộc thi này?
- Hầu như ai cũng có thiết bị di động và thời gian gắn với thiết bị này nhiều hơn truyền hình, nhiều người đã xem YouTube và mạng xã hội là một kênh tìm kiếm thông tin và giải trí. Người dân hiện không còn phụ thuộc vào giờ phát sóng trên truyền hình của kênh truyền hình cố định.
Do đó chúng tôi quyết định đầu tư mạnh hơn cho mạng xã hội và YouTube để nhiều người có thể chủ động theo dõi từng vòng thi cũng như mọi hoạt động của cuộc thi Chiếc thìa vàng năm nay.
Đặc biệt, sẽ có một công ty đảm nhiệm các công việc cập nhật và chuyển tải thông tin lên các phương tiện truyền thông này.
* Thay vì chọn các khách sạn như mọi năm, cuộc thi Chiếc thìa vàng năm nay chỉ tập trung tại các nhà thi đấu và sân vận động, vì sao thưa ông?
- Việc tổ chức các vòng thi tại các khách sạn, với cách trang trí không thống nhất làm cho cuộc thi không chuyên nghiệp, không hấp dẫn người xem. Do vậy chúng tôi quyết định đổi mô hình thi sang phim trường với một chuẩn mực nhất định về hình ảnh, ánh sáng... để chuyển tải hình ảnh về cuộc thi tốt hơn đến người xem.
Đích đến của thí sinh không phải là thắng thua mà là trải nghiệm có được trong suốt hành trình của cuộc thi.
Việc tổ chức tại một vài điểm sẽ giúp các thí sinh có cơ hội giao lưu với nhau nhiều hơn, có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các đội thi khác, các thành viên ban giám khảo, chuyên gia ẩm thực...
* Những người quan tâm nhưng không có điều kiện tham gia trực tiếp có thể theo dõi và cập nhật thông tin của cuộc thi như thế nào ?
- Chúng tôi xây dựng một app (chương trình chạy trên các thiết bị di động) mang tên Chiếc thìa vàng cho cả iOS, Android, Windows Phone, đồng thời luôn cập nhật thông tin qua các thiết bị di động.
Chúng tôi cũng kỳ vọng sau này sẽ giúp người dùng đặt món ăn, đặt chỗ, đặt dịch vụ giao món ăn từ các nhà hàng sau khi khách đã xem và chọn món ăn từng được nhà hàng này mang đến dự thi Chiếc thìa vàng.
Cuốn sách Chiếc thìa vàng 2014 đang trong quá trình thử lại món ăn để chuẩn bị giới thiệu cho người đọc. Cuốn Chiếc thìa vàng 2013 song ngữ đã được dịch sang tiếng Anh và đang gửi sang Mỹ hiệu chỉnh cho đúng với các thuật ngữ chuyên môn ẩm thực trước khi xuất bản.
Tôi mong muốn cuốn sách này có thể trở thành cuốn sách gối đầu giường về món ăn VN cho các đầu bếp và người yêu thích nấu món ăn Việt vì đây là tác phẩm của hàng trăm tác giả là các đầu bếp chuyên nghiệp xây dựng nên.
* Như ông nói, rằng đích đến của thí sinh không phải là thắng thua mà là trải nghiệm, nhưng giải thưởng giá trị cao cũng tạo ra áp lực tâm lý “phải thắng” đối với các thí sinh?
- Theo tôi, cuộc thi cũng giống như một chuyến du lịch: trải nghiệm của bản thân trong cả quá trình mới là quan trọng chứ không phải việc đến được đích cuối cùng để chụp tấm hình hay khẳng định mình đã đến đây.
Do đó, tôi mong các thí sinh chia sẻ được thông điệp: những gì có được trong suốt cuộc thi mới mang lại giá trị và làm cho bản thân cảm thấy tự hào vì đã có được nó, dù mình không đạt giải thưởng cao nhưng mình đã hoàn thành được một chặng đường bằng những khả năng, nỗ lực của mình.
Vài nét về thành viên ban giám khảo Đầu bếp Eckart Witzigmann (sinh năm 1941 ở Áo) - thành viên ban giám khảo - được giới chuyên môn xếp vào hàng ngũ các đầu bếp nổi tiếng khi cuốn cẩm nang của nhà hàng Pháp Gault Millau trao tặng danh hiệu “Đầu bếp của thế kỷ” cho ông vào năm 1994. Trước đó, danh hiệu này mới được phong cho ba người là Paul Bocuse, Joel Robuchon và Fredi Girardet. Ông Eckart Witzigmann có 13 năm kinh nghiệm làm việc ở các nước trên thế giới trước khi đến Đức vào 1971. Năm 1979, ông Eckart Witzigmann là một trong hai người được nhận ba ngôi sao Michelin mà mọi đầu bếp đều ao ước. Đây cũng là người thầy của hàng loạt bếp trưởng nổi danh toàn cầu, thu hút các khách hàng VIP đến thưởng thức. Trong khi đó, á hậu Hoàng My - giám khảo khách mời - thì cho biết học nấu ăn từ mẹ và bác, những người có mở nhà hàng kinh doanh, bản thân cũng sưu tầm các món ăn từ sách báo. Kinh nghiệm nấu ăn của Hoàng My cũng được tích lũy thêm khi cùng đầu bếp Martin Yan (trong chương trình Yan Can Cook) đi dọc VN ghi hình, thử món ăn. My nói: "Tham gia cuộc thi với tư cách là giám khảo khách mời, tôi sẽ cung cấp một góc nhìn mới cho các thí sinh tham gia vòng chung kết. Các tiêu chí ưu tiên của tôi là đẹp mắt, mùi thơm, vị ngon và hợp vệ sinh, mang lại sức khỏe". |
Nhiều nét mới Chiếc thìa vàng với chủ đề “Hương vị quê nhà - Hành trình gia vị Việt” sẽ diễn ra tại ba địa điểm, gồm: TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Năm nay các thí sinh sẽ tranh tài trong các phim trường, được sử dụng bàn bếp mới và dụng cụ nhà bếp chuyên nghiệp. Thời gian thi cũng sẽ tăng thêm 20 phút thành 140 phút (so với 120 phút như trước). Mỗi đội dự thi sẽ hoàn tất thực đơn bốn món, gồm: món khai vị, món thủy hải sản, món thịt và món tráng miệng. Năm nay các đầu bếp dự thi buộc phải làm món tráng miệng tại chỗ thay vì được làm ở nhà như mọi năm. Tiền thưởng cho các đội dự thi năm nay cũng tăng. Theo đó, giải nhất mỗi vòng thi sơ tuyển sẽ nhận được 40 triệu đồng, đội về nhì là 30 triệu đồng. Giải nhất vòng bán kết là 50 triệu đồng và về nhì là 40 triệu đồng. Cuộc thi ở khu vực phía Nam diễn ra tại nhà thi đấu Nguyễn Du (TP.HCM) từ ngày 7 đến 9-6. Cụm miền Trung và Tây nguyên thi từ ngày 2 đến 4-8 tại Đà Nẵng. Hà Nội là điểm dừng chân của vòng sơ tuyển dành cho các đầu bếp khu vực phía Bắc từ ngày 27 đến 29-9. Hai vòng bán kết tại khu vực phía Bắc sẽ diễn ra vào các ngày 11 đến 12-10, bán kết phía Nam diễn ra các ngày 25 đến 27-10. Chung kết và lễ trao giải tổ chức vào ngày 6 đến 7-12 tại TP.HCM. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận