05/01/2024 12:48 GMT+7

Ám ảnh đột tử về đêm: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Giấc ngủ rất quan trọng, giúp cơ thể và tâm trí hồi phục, nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng cho ngày mới. Tuy nhiên, một số người có thể ra đi mãi mãi trong giấc ngủ, gây nên nỗi ám ảnh đột tử về đêm.

Một ca phẫu thuật tim, các vấn đề tim mạch như ngừng tim đột ngột, nhồi máu cơ tim... có nguy cơ dẫn đến đột tử khi ngủ - Ảnh minh họa

Một ca phẫu thuật tim, các vấn đề tim mạch như ngừng tim đột ngột, nhồi máu cơ tim... có nguy cơ dẫn đến đột tử khi ngủ - Ảnh minh họa

Mặc dù tỉ lệ này rất nhỏ và thường gặp nhiều ở những người có sẵn bệnh lý nền, tuy nhiên một số ít người trẻ, khỏe mạnh vẫn có thể bị đột tử về đêm. Điều này đã gây ra nỗi ám ảnh, lo lắng cho người thân và những người xung quanh. Vậy nguyên nhân do đâu?

8 nhóm nguyên nhân liên quan nguy cơ đột tử khi ngủ

- Ngưng tim đột ngột và các vấn đề tim mạch

Ngừng tim là khi tim đột ngột ngừng đập, nếu không được cấp cứu kịp thời ngay lập tức, người bệnh sẽ tử vong trong vài phút.

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong về đêm. Một nghiên cứu năm 2021 trên trang Heart Rhythms, khoảng 22% số ca đột tử do tim xảy ra trong khoảng thời gian từ 22 giờ tối đến 6 giờ sáng. Tình trạng này có thể do:

Nhồi máu cơ tim, xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn, mức độ từ nhẹ đến nặng, dẫn đến mô cơ tim bị tổn thương hoặc hoại tử. Từ đó làm suy yếu khả năng co bóp của tim và thiếu máu nuôi dưỡng các cơ quan như não, thận...

Trường hợp nhồi máu cơ tim nặng gây ra ngừng tim và giảm lượng máu đến phần não kiểm soát nhịp thở gây ra ngừng hô hấp. Một số vận động viên thể hình bị nhồi máu cơ tim vào ban đêm, có thể do ảnh hưởng của các chất họ sử dụng cùng với tình trạng mất nước và chế độ ăn nhiều calo.

Rối loạn nhịp tim, hệ thống dẫn truyền điện trong tim rất quan trọng, để kích hoạt các cơ tim co bóp một cách đồng bộ và nhịp nhàng. Khi có rối loạn sẽ gây ra chứng loạn nhịp tim. Một số dạng rối loạn nhịp nguy hiểm gây tử vong khi ngủ như: rối loạn nhịp thất (nhịp nhanh thất, vô tâm thu…) hoặc tim đập quá chậm mà ban đêm thường là thời điểm nhịp tim giảm xuống.

Ngoài ra, một số người trẻ có rối loạn nhịp mang tính chất di truyền như Hội chứng Brugada, QT kéo dài… Suy tim sung huyết có thể dẫn đến suy tim toàn bộ và trong trường hợp nghiêm trọng dẫn đến ngừng tim.

Đột tử do tim thường gặp ở những người có yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, xơ vữa động mạch, tiền sử mắc động mạch vành, suy tim hoặc tiền sử gia đình có nhiều người bị đột tử do rối loạn nhịp tim.

Đột quỵ: Cũng là một nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong giấc ngủ. Theo Hiệp hội Đột quỵ Anh, cứ 7 trường hợp thì có 1 trường hợp xảy ra khi ngủ.

Khi đột quỵ tác động vào thân não - nơi chứa trung tâm điều hòa hô hấp, tim mạch thì có thể gây rối loạn nhịp thở, ngưng tim và tử vong. Đột quỵ thường xảy ra ở người có yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, bị ngưng thở khi ngủ…

- Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA): Những người mắc OSA sẽ ngưng thở từ 5 - 30 lần trở lên mỗi giờ khi họ ngủ và có nguy cơ tử vong đột ngột do tim cao gấp 2,5 lần so với người bình thường trong khoảng thời gian từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng.

Theo Ủy ban Quốc gia về nghiên cứu rối loạn giấc ngủ Hoa Kỳ, mỗi năm có hơn 38.000 người chết vì bệnh tim phức tạp do ngưng thở khi ngủ. OSA thường gặp ở những người có bất thường về cấu trúc vùng hầu, họng, béo phì, sử dụng rượu hoặc thuốc an thần trước khi ngủ…

- Lạm dụng thuốc: Một số loại thuốc có khả năng gây ức chế hô hấp khi sử dụng quá liều hoặc kết hợp với thuốc chống trầm cảm khác hoặc kể cả rượu như: thuốc an thần (Zolpidem, benzodiazepin…), thuốc phiện (morphin, fetanyl…), cocain.

- Mắc bệnh lý về phổi gây thiếu oxy nhiều và tử vong khi ngủ như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, tắc động mạch phổi, hen phế quản…

- Nghẹt thở: Một số người bị nôn mửa trong cơn co giật hoặc sau khi uống quá nhiều rượu vào ban đêm và vô tình hít phải các chất nôn dẫn đến sặc dị vật và tử vong. Một số khác ngủ quên khi có thức ăn hoặc viên ngậm trị đau họng trong miệng và vô tình hít phải. Ở trẻ em dưới 1 tuổi có thể bị ngạt thở do gối hoặc ga trải giường.

- Ngộ độc khí CO: Sự tích tụ khí CO trong không khí, do lò sưởi, bếp củi, lò sưởi gas, máy phát điện hoặc các nguồn khói khác có thể gây tử vong khi ngủ.

- Rối loạn giấc ngủ: Những hành vi bất thường trong khi ngủ như người bị mộng du hoặc mắc chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM có thể vô tình làm bản thân bị thương như ngã, lang thang khi tham gia giao thông hoặc thậm chí bước ra khỏi cửa sổ khi đang ngủ và gây tử vong.

Cách phòng tránh chứng đột tử khi ngủ

Đột tử khi ngủ có thể xảy ra đột ngột, không dự báo được kể cả với người khỏe mạnh. Tuy nhiên chúng ta có thể đánh giá nguy cơ và chủ động ngăn chặn những yếu tố đã biết, sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mắc phải của bản thân. Bao gồm:

Hướng tới lối sống lành mạnh hơn: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo tập trung vào 8 điều thiết yếu sau: chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý; tập thể dục đều đặn; thói quen ngủ đủ giấc; cai thuốc lá; kiểm soát trọng lượng cơ thể; kiểm soát huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu.

Hạn chế tối đa sử dụng rượu bia, đặc biệt là trước khi đi ngủ.

Uống đủ nước và bổ sung chất điện giải trong chế độ ăn uống, không sử dụng than tổ ong, củi… đốt để sưởi ấm trong phòng kín, chuẩn bị pin dự phòng và thường xuyên kiểm tra.

Nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ, ngay cả việc ngủ ngáy to kèm theo tiếng thở hổn hển hay ngủ quá nhiều trên 9 tiếng cũng cần đi khám và điều trị.

Quản lý bệnh tim mạch bằng điều chỉnh lối sống và tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp có nguy cơ ngưng tim đột ngột (gia đình có người đột tử do rối loạn nhịp tim nguy hiểm), người bệnh cân nhắc lắp máy khử rung tim, người sống cùng cần được đào tạo nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm, biết cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản, gọi người hỗ trợ.

Nhiều người trung niên, người già có thói quen ngủ riêng phòng, điều này có thể dẫn đến việc chậm trễ hoặc không phát hiện được các tình huống nguy hiểm xảy ra. Những người trung niên nên ngủ chung phòng hoặc người thân bố trí giường ngủ hợp lý, giúp nhanh chóng phát hiện và gọi sự trợ giúp khi có bất thường xảy ra.

Khám sức khỏe định kỳ và khi có dấu hiệu bất thường nhằm phát hiện sớm các bệnh lý có thể mắc phải và điều chỉnh kịp thời.

Bệnh nhân ngủ ngồi 7 tháng liên tiếp do mắc hội chứng ngưng thở khi ngủBệnh nhân ngủ ngồi 7 tháng liên tiếp do mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ

Một bệnh nhân 70 tuổi phải ngủ ngồi 7 tháng liên tiếp do mắc hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên