12/05/2011 04:12 GMT+7

Al Qaeda 2.0

HẠNH NGUYÊN tổng hợp
HẠNH NGUYÊN tổng hợp

TT - Ngay khi nước Mỹ ăn mừng, thì nói như Praveen Swami, người phụ trách chuyên mục Bình luận chính trị của tờ The Daily Telegraph (Anh), không có nhiều lý do để mà vui sướng.

Thực tế, như Praveen chỉ ra, là một thập kỷ sau sự kiện 11-9, phong trào thánh chiến đang mạnh hơn bao giờ hết. Như học giả C.Christina Fair nhận định, bản thân Bin Laden đã hiện lên như một nhân vật có tính chất biểu tượng đủ để gợi nên rất nhiều trí tưởng tượng mang màu sắc anh hùng.

tWynTtsb.jpgPhóng to
Phó thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri, người được cho là sẽ lên thay thế Osama Bin Laden - Ảnh: AFP

Súng và bom không đủ

Năm 2001, vào đêm 11-9, Al Qaeda chỉ có một nhóm chưa tới 200 người, 120 trong số đó là đơn vị chiến đấu. Có thể 1.000 người đã “tốt nghiệp” từ các căn cứ huấn luyện ở Afghanistan, nhưng họ đã chia nhỏ vì những bất đồng tư tưởng. Giờ đây, các tổ chức thánh chiến đã kết nối với tư tưởng của Al Qaeda để khuếch trương ảnh hưởng từ đông Trung Quốc và Trung Á tới những khu vực xa xôi như Bắc Phi.

Dù người Mỹ đã giết chết được Bin Laden, nhưng cuộc chiến chống Al Qaeda còn lâu mới kết thúc. “Thắng Al Qaeda, dựa vào kinh nghiệm mười năm nay, thì cần các chiến lược chính trị dính kết chứ không chỉ có súng và bom”. Chuyên gia về chống khủng bố của Đức Guido Steinberg trong bài phỏng vấn trên Spiegel nhận định với thực tế, tổ chức này không có vai trò gì trong các cuộc lật đổ chính quyền gần đây ở thế giới Ả Rập.

Khi Bin Laden chết thì ảnh hưởng tới khu vực còn ít hơn. Nhưng Ai Cập và Tunisia đều là những nơi có lợi ích của Mỹ, ngay cả khi những lợi ích này được canh gác cẩn trọng thì vẫn là những mục tiêu trong tầm ngắm báo thù, đặc biệt ở Yemen, nơi tổ chức này có lực lượng mạnh. Các chi nhánh Al Qaeda có các hoạt động độc lập ở Iraq, Yemen hay Algeria. Đây là những mối đe dọa mà phương Tây sẽ phải đối mặt ngay cả sau ngày 1-5-2011.

Với sự hiện diện của mình, Bin Laden đã khích lệ phong trào thánh chiến. Nay nhân vật đó không còn nữa. Phía bắc của Abbottabad nơi Osama Bin Laden ở là thị trấn Muzaffarabad, lãnh thổ tuyển mộ và huấn luyện cho các nhóm như Lashkar-e-Taiba, nơi cung cấp tài chính cho phong trào thánh chiến hai thập kỷ qua tại khu vực Kashmir tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ. Phía nam và tây là khu vực đất thấp, nơi các nhóm như Jaish-e-Muhammad có các căn cứ huấn luyện và các khu vực bán tự trị của bộ lạc. Cơ quan tình báo Anh đã gọi đây là “nhà ga trung tâm” của các lực lượng vũ trang thế giới.

Đây cũng là nơi Taliban ở Pakistan, Uzbekistan và các nước Trung Á khác, do các thủ lĩnh bộ lạc và giáo sĩ Jalaluddin Haqqani, một số nhóm Ả Rập khác cùng những tình nguyện viên châu Âu hoạt động. Dù những nhóm này không có quan hệ chính thức với Al Qaeda, nhưng có những dấu hiệu cho thấy họ quan tâm tới các vụ tấn công quốc tế và lịch trình hoạt động trên quy mô toàn cầu mà Bin Laden đã tiên phong.

Tác giả Peter Beinart viết trên Daily Beast, cái chết của Bin Laden không phải là kết thúc cuộc chiến chống khủng bố. Các nhóm khủng bố ngầm vẫn tiếp tục đe dọa, với khả năng chặn dòng chảy thương mại hay dịch chuyển của con người trên khắp thế giới, với các loại vũ khí.

Ai sẽ “nối nghiệp”?

Theo Time, “di sản” Bin Laden sẽ còn tiếp tục ở Đông Nam Á. Nhà báo Maria Ressa của Philippines, chuyên gia về Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á, nhận định trong những năm 1990, Philippines là nơi mà Bin Laden đã cử người tới vào năm 1988, tạo nhiều quỹ từ thiện và hỗ trợ người Hồi giáo ở Philippines và một số quỹ từ thiện sau đó bị phát hiện có liên quan tới Al Qaeda. Ở Indonesia, có hơn 600 thành viên của tổ chức Jemaah Islamiah (JI) và các nhóm chi nhánh đã bị bắt từ năm 2002, 500 người đã bị khởi tố.

Bà Maria cho rằng Al Qaeda chính là virus có sức phục hồi mạnh vì chỉ lây lan trong gia đình hay bạn bè.

“Tuyên bố” của lực lượng được coi là “Al Qaeda” trên một website đã “khẳng định” cái chết của Osama Bin Laden sẽ dẫn tới các cuộc tấn công khủng bố vào các lợi ích của Mỹ ở khắp nơi trên thế giới, và Al Qaeda đang chọn người kế nhiệm Bin Laden.

Người có nhiều khả năng kế nhiệm nhất là Ayman al-Zawahiri, người Ai Cập, là nhân vật số 2 sau Bin Laden trong Al Qaeda. Theo luật của Al Qaeda mà quân đội Mỹ thu thập được ở Afghanistan, các nhà phân tích cho rằng có thể Al Qaeda sẽ chọn để công bố thăng chức cho al-Zawahiri thông qua một tuyên bố bằng văn bản chứ không bằng video để đảm bảo an toàn.

Dù Bin Laden là “biểu tượng” của tổ chức khủng bố, nhưng cũng không nên đánh giá thấp al-Zawahiri, người được biết đến với sự ma ranh và tầm nhìn chiến lược. Trên chiến trường Iraq, al-Zawahiri đã khuyên Abu Musab al-Zarqawi “giảm tông” bạo lực, khi cho rằng điều này có thể gây ra hiệu ứng ngược với Al Qaeda ở Iraq.

Nếu al-Zawahiri làm lãnh đạo, ai sẽ làm phó? Xét về kinh nghiệm, ứng viên hàng đầu sẽ là Saif al-Adel, cựu trung úy quân đội Ai Cập và là thành viên lâu năm của Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập của al-Zawahiri. Saif al-Adel - tức “thanh kiếm công lý“ - được tin là đã được chọn để chỉ huy các hoạt động chống lại phương Tây. Nhân vật “đại diện thế hệ trẻ”này sẽ tìm cách chỉ huy cuộc chiến kéo dài.

Từ lâu được biết đến với tư cách là chuyên gia huấn luyện chế tạo bom của Al Qaeda, al-Adel phản đối cuộc tấn công vào nước Mỹ năm 2001. Nhân vật này được cho là đã trở lại các khu vực bộ lạc ở Pakistan năm 2010, sau một thời gian bị quản thúc tại gia ở Iran.

Ứng viên khác là Abu Yahya al-Libi, người Libya, đã trốn khỏi căn cứ không quân Bagram năm 2005. Những năm gần đây al-Libi đã nổi lên như một tuyên truyền viên, nhà tư tưởng đắc lực của Al Qaeda và cho ra nhiều video tuyển mộ binh lính. Nhưng “chú ngựa ô” của cuộc đua vào chức phó tướng có thể là Ilyas Kashmiri, người Pakistan, gần đây đã vào hàng ngũ lãnh đạo của Al Qaeda. Kashmiri hiện chỉ huy lữ đoàn 313 của Al Qaeda, lực lượng đóng tại các khu vực bộ lạc ở Pakistan. Nhân vật này đã đe dọa tổ chức các cuộc tấn công ở nước ngoài tương tự như vụ khách sạn Mumbai cuối năm 2009, làm hơn 200 người vô tội thiệt mạng.

Theo CNN, giáo sĩ Mỹ Anwar al-Awlaki khó có khả năng được đưa lên làm lãnh đạo của Al Qaeda “trung ương” vì đóng tại Yemen chứ không phải Pakistan. Ngày 6-5 vừa qua, Mỹ đã bắn một quả tên lửa nhằm vào mục tiêu được cho là Awlaki ở tại đông nam Yemen nhưng không giết được đối phương.

Nhưng vấn đề quan trọng hiện nay là sự “nối nghiệp” của al-Zawahiri và những phó tướng (nếu có) sẽ là bao lâu. “Kho báu” mà Chính phủ Mỹ “khoe” khi đột kích nhà Osama Bin Laden ở Pakistan hôm 1-5 có thể cung cấp cho tình báo Mỹ những dấu vết quan trọng để lần ra nơi ẩn náu của al - Zawahiri. Theo các quan chức phương Tây, thông tin tình báo cho thấy Bin Laden và al-Zawahiri vẫn tiếp tục giao tiếp những năm gần đây và nhiều khả năng ở gần nhau.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Trầy trật 15 năm săn lùng Bin Lađen Kỳ 2: “Cuộc chiến” của Obama Kỳ 3: Bin Laden chết, thế giới đổi thay?

__________

Bin Laden bị giết ngay trước mặt vợ con, không có vũ khí. Giới làm luật trên thế giới đang chia rẽ xung quanh tính hợp pháp của chuyện này. Và liệu đây có phải là một ám ảnh về sự “chính danh” cho tương lai nước Mỹ?

Kỳ tới: Dấu hỏi công lý

HẠNH NGUYÊN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên