21/12/2019 10:40 GMT+7

Ai sẽ là thủ lĩnh sinh viên TP.HCM năm nay?

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Tối mai 22-12, hành trình đi tìm thủ lĩnh sinh viên TP.HCM năm 2019 sẽ khép lại bằng trận tranh tài cuối cùng với năm gương mặt đã vượt qua gần 700 thí sinh khác từ khi khởi động hội thi.

Ai sẽ là thủ lĩnh sinh viên TP.HCM năm nay? - Ảnh 1.

5 “thủ lĩnh” vào chung kết (từ trái qua): Lê Thị Trúc Hà, Thái Trọng Nghĩa, Ngô Hoài Tây Phượng, Nguyễn Tuấn Đạt và Trương Đăng Quang - Ảnh: Q.L.

Ở mùa thi thứ năm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch góp mặt hai đại diện ở chung kết là Nguyễn Tuấn Đạt và Trương Đăng Quang. 

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có hai đại diện đều là nữ: Lê Thị Trúc Hà (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) và Ngô Hoài Tây Phượng (Trường ĐH Quốc tế). Ứng viên thủ lĩnh còn lại là Thái Trọng Nghĩa (Trường ĐH Mở TP.HCM).

“Hội thi không dừng lại là sân chơi mà giới thiệu một thế hệ cán bộ hội đủ năng lực, niềm tin, đại diện cho màu cờ sắc áo công tác hội sinh viên chúng ta đang theo đuổi.

Anh PHẠM KIỀU HƯNG (trưởng ban tổ chức hội thi)

Đã vượt chính mình

Hơn một tháng "cùng ăn, cùng ngủ" với hành trình đi tìm thủ lĩnh, Trọng Nghĩa tự nhận đã vượt qua chính bản thân, nhận ra rằng còn nhiều người xung quanh vẫn luôn đồng hành và ủng hộ bạn. Còn Trúc Hà nói đã thay đổi suy nghĩ về một người thủ lĩnh. 

"Thủ lĩnh không chỉ cần nhiệt huyết mà còn phải là người bạn chân thành nhất của sinh viên. Bạn chân thành mới thấu hiểu, biết bạn mình đang gặp phải vấn đề gì để có phương án thay đổi phù hợp nhất" - Hà giải thích.

Tuấn Đạt dùng khái niệm "tình yêu" để nói về "con người thủ lĩnh" trong mình. Anh chàng ví mọi người như những ngọn nến cháy và Đạt muốn trở thành tờ giấy thật lớn để có thể đủ sức cản hết những "cơn gió làm tắt nến". 

"Học được nhiều từ các bạn đến từ các trường, quan trọng là có cơ hội tự nhìn lại, hiểu giới hạn của bản thân và biết cách vượt qua, nhìn rõ hơn hình tượng thủ lĩnh mà mình muốn hướng đến" - Đạt chia sẻ cảm nghiệm sau hành trình đã qua.

Với Tây Phượng, hai năm trước bạn đã thi và đường đến danh hiệu thủ lĩnh khi ấy dừng lại ngay... vòng đầu tiên. Sự non trẻ, thiếu kinh nghiệm trận mạc là bài học đúc rút cho chính mình. Lần trở lại này, đi đến chặng thi cuối cùng với cô sinh viên năm cuối ấy là bước ngoặt đáng nhớ, giúp Phượng "nhận diện rõ sự thay đổi, trưởng thành của bản thân qua những năm tháng học tập và rèn luyện".

Còn Đăng Quang muốn cảm ơn hội thi khi cho bạn trải nghiệm rất mới, học thêm nhiều kỹ năng, kiến thức và cảm nhận độ trưởng thành, bản lĩnh hơn trong nhận thức và hành động của mình. "Tôi đặc biệt thích khi gặp được những người cùng chung nhiệt huyết, đam mê công tác hội sinh viên như mình mà chỉ đến hội thi mới có được điều này" - Quang bộc bạch.

Thao thức cùng sinh viên

Không chỉ là thi, từng vòng với các thử thách dành cho mỗi ứng viên cũng chính là lúc các bạn đang thực sự giải quyết các vấn đề hoàn toàn có thể gặp phải trong quá trình công tác. Tuấn Đạt cho rằng phong trào sinh viên không cần quá hào nhoáng, hô hào mãnh liệt, mà nên đi vào các hoạt động gần gũi, thiết thực, chạm đến vấn đề sinh viên quan tâm, giúp các bạn vận dụng kiến thức chuyên môn giải quyết yêu cầu thực tiễn, lúc ấy phong trào sẽ được ủng hộ.

Trúc Hà nghĩ sinh viên hôm nay sẽ chọn điều hấp dẫn, thời sự và phải "độc lạ". Tức là chỉ khi hoạt động của hội phù hợp nhu cầu sinh viên, cập nhật xu hướng, "bắt trend" và lạ hơn so với hoạt động của nhiều tổ chức khác mới đủ sức hút sinh viên. 

"Hoạt động luôn đi đôi với sinh viên trong nhu cầu, cùng xu hướng, thậm chí phải dẫn đầu xu hướng. Mà sáng tạo là thứ giúp một người thủ lĩnh trở nên khác biệt và không nhàm chán" - Hà phân tích.

Hoạt động hội không thể tách rời mà phải gắn chặt với đời sống hằng ngày, thậm chí hòa vào hoạt động thường ngày của sinh viên là suy nghĩ của Đăng Quang khi nói về thao thức của bản thân trong vai người cán bộ hội. Với Trọng Nghĩa, đó phải là câu trả lời cho những vấn đề sinh viên nào cũng cần: nhà trọ, chỗ làm, vui chơi... để sinh viên thấy hội không xa cách.

Riêng Tây Phượng, nữ thủ lĩnh kỳ vọng mỗi người khi tổ chức, thiết kế hoạt động, phong trào sinh viên cần nắm bắt và hiểu rõ nguyện vọng, mong muốn của sinh viên để ra những quyết định, thay đổi, cải tiến phù hợp. "Đáp ứng nhu cầu thôi chưa đủ, mà cần gợi sự tò mò để các bạn quan tâm tham gia" - Phượng nói.

Ai sẽ là thủ lĩnh?

Nói về "đối thủ" tại trận đấu cuối cùng, mỗi bạn có cho mình dự báo riêng. Cô em út Lê Thị Trúc Hà (sinh viên năm thứ nhất) cho rằng cơ hội chia đều cho cả năm bởi ai đi đến vòng cuối cùng đều đã nỗ lực, bản lĩnh và xứng đáng để trở thành "Thủ lĩnh sinh viên TP.HCM".

Ngô Hoài Tây Phượng hơi nghiêng về Trúc Hà với nhận định dù nhỏ nhất nhưng "cô em ấy cho thấy là một cô bé rất toàn diện về năng lực, tính cách, sức sáng tạo, khả năng giải quyết công việc", và Tây Phượng nói thật sự rất khâm phục người bạn này.

Dù đánh giá cao các bạn song Nguyễn Tuấn Đạt tự tin bản thân xứng đáng trở thành thủ lĩnh. Lý giải, Đạt nói ngoài câu chuyện của chính mình còn là câu chuyện của trường nên không tham gia vì bản thân mà là cuộc thi của cả những người đồng đội và sinh viên trường mình. "Tôi sẽ mang sự tự tin đó và bước đến vị trí cuối cùng ở trận chung kết" - Đạt bày tỏ.

Người bạn cùng trường với Đạt, Trương Đăng Quang nói cả năm bạn đều đã chiến thắng chính mình và chiến thắng trong lòng mọi người. Quang tin vào sự may mắn, xin không nhắc tên ai đó cho vị trí thủ lĩnh. Trong khi Thái Trọng Nghĩa xin "nợ" câu trả lời đến đêm chung kết vì "người xứng đáng nhất phải là người bản lĩnh nhất và hiểu sinh viên nhiều nhất có thể!".

Tìm chân dung thủ lĩnh học sinh TP.HCM Tìm chân dung thủ lĩnh học sinh TP.HCM

TTO - Sáu học sinh đang là cán bộ Đoàn các trường THPT sẽ cùng góp mặt trong trận tranh tài cuối cùng trước khi tìm ra 'Thủ lĩnh học sinh TP.HCM' hôm nay 1-12.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên