Trong đề án triển khai cấp cứu ngoài bệnh viện (ngoại viện) tại TP.HCM theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn 2030 và tiếp theo vừa được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký phê duyệt, dư luận đặc biệt quan tâm đến loại hình cấp cứu bằng đường hàng không và ai sẽ được cấp cứu khi loại hình mới này được áp dụng.
Đề án của Sở Y tế TP.HCM đưa ra dựa vào đặc thù TP.HCM là nơi phát triển mạnh về du lịch y tế, cũng như tổ chức nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa, xã hội mang tầm quốc tế.
Việc TP.HCM triển khai loại hình cấp cứu đường không, theo Sở Y tế, sẽ đáp ứng chuyên nghiệp nhu cầu cấp cứu của người dân và phát triển hệ sinh thái y tế.
Những trường hợp bệnh nhân sẽ được cấp cứu bằng máy bay
Đặc biệt với vai trò hợp tác, liên kết y tế vùng giữa TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, TP.HCM với 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long... nhu cầu vận chuyển cấp cứu đường hàng không càng trở nên quan trọng.
Chẳng hạn như với những bệnh lý nguy kịch đòi hỏi thời gian vàng hoặc vận chuyển tạng ghép từ nơi hiến đến nơi tiếp nhận sẽ khả thi và hiệu quả hơn rất nhiều so với vận chuyển bằng đường bộ.
Để loại hình này đi vào hoạt động có hiệu quả, đề án cho biết sẽ thành lập tổ chuyên gia cấp cứu đường hàng không do Sở Y tế làm đầu mối, cùng đại diện các đơn vị gồm Công ty Trực thăng Miền Nam - Bình đoàn 18, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tổ chuyên gia này có nhiệm vụ hội chẩn, chỉ định vận chuyển người bệnh bằng đường hàng không. Nghiên cứu và tham mưu phát triển mô hình cấp cứu đường hàng không như đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực; thẩm định an toàn kỹ thuật cho việc cấp phép các bãi đáp trực thăng; bổ sung phương tiện cấp cứu đường hàng không; xây dựng, cập nhật quy chế phối hợp vận hành; tổ chức các hoạt động diễn tập; xây dựng cơ chế tài chính... theo lộ trình phù hợp.
Đề án cũng cho biết sẽ thành lập Trung tâm cấp cứu 115 đường hàng không trên cơ sở hạ tầng hiện có của Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng).
Đây là bệnh viện có bãi đáp trực thăng lớn và đã thực hiện nhiều ca vận chuyển cấp cứu bằng đường không từ các đảo vào đất liền thành công.
Và một trong các nhiệm vụ quan trọng mà đề án nêu ra là xây dựng, ban hành các tiêu chí điều kiện được cấp cứu ngoài bệnh viện bằng đường hàng không.
Theo đó, để được cấp cứu bằng đường hàng không là khi người bệnh trong tình trạng cấp cứu khẩn cấp, có biểu hiện đe dọa tính mạng trên các vùng biển, đảo, vùng sâu, vùng xa.
Hoặc bệnh lý vượt quá khả năng của cơ sở y tế đang điều trị, đòi hỏi phải chuyển ngay đến các bệnh viện tuyến sau mà các phương tiện cấp cứu đường bộ, đường thủy không thể đáp ứng kịp thời.
Xin chủ trương cấp cứu theo nhu cầu và đường bay cấp cứu
Việc phát triển loại hình cấp cứu bằng đường hàng không được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ 2023-2030) sẽ triển khai hoạt động cấp cứu đường hàng không trên cơ sở phối hợp, sử dụng bãi đáp trực thăng của Bệnh viện Quân y 175.
Giai đoạn này chủ yếu tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực cấp cứu đường hàng không có năng lực, đảm bảo các tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn bay khi hoạt động trên trực thăng vận chuyển cấp cứu. Ngoài ra sẽ xây dựng quy chế phối hợp trong công tác cấp cứu bằng đường hàng không.
Giai đoạn 2 (từ năm 2030 về sau) sẽ phối hợp với Công ty Trực thăng Miền Nam - Binh đoàn 18 mở rộng hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện bằng đường hàng không, khai thác hiệu quả các bãi đáp trực thăng hiện hữu tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Quốc phòng, Trung tâm Quản lý - Điều hành bay quốc gia, Quân chủng Phòng không - Không quân chủ trương cấp cứu ngoài bệnh viện bằng đường hàng không cho người dân có nhu cầu và thiết lập đường bay cấp cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận