10/07/2019 10:06 GMT+7

Ai phớt lờ 'vũ khí sinh học'?

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Khởi phát từ gần 100 năm trước tại đất nước Kenya xa xôi, virút gây dịch tả heo châu Phi (ASF) được ví như một loại "vũ khí sinh học" bởi sự tồn tại dai dẳng và mức độ lây lan chóng mặt.

Ai phớt lờ vũ khí sinh học? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tiêu hủy ổ dịch tả heo châu Phi - Ảnh: THÀNH NAM

Ở nước ta, khi virút gây dịch tả heo châu Phi mới chỉ là nguy cơ nằm ở bên kia biên giới Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Cục Thú y liên tục có công điện khẩn tập trung các biện pháp ngăn chặn ASF xâm nhập.

Khi dịch tả heo bùng phát, người đứng đầu Chính phủ có ngay chỉ thị yêu cầu 8 bộ vào cuộc cùng xây dựng "hàng rào" chống dịch, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống ASF, qua đó khẳng định: "Phòng chống ASF là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp địa phương".

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", hàng loạt "hàng rào" nhiều lớp được dựng lên nhằm ngăn chặn dịch, thế nhưng ASF vẫn xâm nhập, ngày càng bùng phát trên diện rộng.

Từ ổ dịch đầu tiên ở Hưng Yên, chỉ trong vòng 5 tháng đã có đến 62/63 tỉnh, thành (trừ Ninh Thuận) công bố có dịch. Một con số mà theo các chuyên gia đánh giá là "tỉ lệ nghịch" với sự đầu tư tiền bạc, công sức và kỳ vọng đặt ra.

Ai phớt lờ vũ khí sinh học? - Ảnh 2.

Lập hàng rào kiểm soát nhằm ngăn dịch heo châu Phi - Ảnh: TTO

Vậy đâu là nguyên nhân? Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp cấp bách chống dịch mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thẳng thắn nhìn nhận các biện pháp phòng chống dịch chưa hiệu quả, nhiều địa phương coi nhẹ, thậm chí có cán bộ lơ là chống dịch.

Thế mới có chuyện "lạ" hàng chục tấn xác heo chết do ASF được thả trôi sông ở Bắc Giang, rồi heo ASF từ Bắc Ninh được cấp giấy kiểm dịch để "lọt" vào Quảng Nam tiêu thụ. 

Và mới hôm 8-7 dư luận vô cùng bức xúc trước hành vi phớt lờ dịch bệnh của một cán bộ thú y tỉnh Đồng Nai khi cấp giấy kiểm dịch "lụi" cho lô heo nhiễm ASF.

Đồng Nai xưa nay vốn là thủ phủ của ngành chăn nuôi heo cả nước, là nơi phát sinh dịch ASF từ khá sớm. Hơn ai hết cán bộ thú y phải hiểu rõ sự nguy hiểm của nguồn heo xuất phát từ vùng dịch, đằng này lại ngang nhiên hợp thức hóa heo bệnh thành heo sạch. Đây chính là mầm mống, "nguyên nhân của mọi nguyên nhân" khiến dịch ASF không thể bị chặn đứng, mà "càng chống càng bùng phát".

Việc làm này là một tội ác. Bởi dù vô tình hay cố ý, gieo rắc dịch bệnh đang tiếp tay đe dọa ngành chăn nuôi heo cả nước, đẩy cuộc sống của người chăn nuôi càng trở nên khốn khó. Kéo theo đó là hàng loạt thiệt hại "dây chuyền" ở rất nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Theo Cục Thú y, chỉ tính đến đầu tháng 6-2019 cả nước buộc phải tiêu hủy đàn heo trên 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130.000 tấn, thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tỉ đồng bao gồm chi phí hỗ trợ tiêu hủy, hóa chất sát trùng...

Không thể biết chính xác lúc nào "cơn ác mộng" ASF mới chấm dứt, và càng chưa thể lường hết được thiệt hại do ASF gây ra. Nhưng từ ASF có thể được nhìn nhận như một "phép thử" cực mạnh để cơ quan quản lý nhìn thẳng vào hệ thống kiểm soát dịch bệnh vốn không mấy chặt chẽ bấy lâu nay.

Cán bộ Thú y cấp giấy kiểm dịch ‘lụi’ cho lô heo nhiễm dịch tả châu Phi Cán bộ Thú y cấp giấy kiểm dịch ‘lụi’ cho lô heo nhiễm dịch tả châu Phi

TTO - Một lô heo gồm 14 con xuất phát từ vùng dịch tả heo châu Phi được cán bộ Thú y tỉnh Đồng Nai cấp "lụi" giấy chứng nhận kiểm dịch. Kết quả xét nghiệm lô heo này đều dính dịch tả heo châu Phi.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên