31/12/2020 16:32 GMT+7

Ai nắm chắc 70% trong chuỗi là doanh nghiệp sở hữu nhiều giá trị nhất

T.T
T.T

Ông Nguyễn Xuân Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE cho rằng, trong toàn bộ chuỗi giá trị của doanh nghiệp, khâu sản xuất (từ nguyên vật liệu đến thành phẩm cuối cùng) chỉ chiếm khoảng 30%.

Ai nắm chắc 70% trong chuỗi là doanh nghiệp sở hữu nhiều giá trị nhất - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Phú - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE.

Và phần lớn giá trị nằm ở các khâu thiết kế, quản lý chất lượng sản phẩm, marketing và phân phối…

Ông Phú nêu quan điểm: "Bản chất các doanh nghiệp đều vận hành theo một chuỗi giá trị, từ nguyên vật liệu đầu vào, quá trình nghiên cứu phát triển, gia công sản xuất, quảng cáo marketing, phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng... Các doanh nghiệp cần hiểu chính xác về chuỗi giá trị và phần trăm đóng góp của từng phần trong chuỗi giá trị đó, để có định hướng phát triển doanh nghiệp phù hợp, từ đó tạo ra nhiều giá trị nhất cho doanh nghiệp và chính quốc gia đó".

Quốc gia nào sở hữu nhiều khúc giá trị lớn nhất (thương hiệu) sẽ là một quốc gia thịnh vượng. Từ đó, chúng ta cần hiểu chính xác về thương hiệu quốc gia Việt Nam để ủng hộ đúng đắn nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của đất nước. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển và bảo vệ thương hiệu của sản phẩm, doanh nghiệp, địa phương và quốc gia (ông Phú nói).

Hiện nay hầu hết các sản phẩm của Samsung khi xuất đi nước ngoài đều ghi xuất xứ "made in Vietnam". Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào được dán nhãn "Made in Vietnam" cũng được chứng nhận là có xuất xứ Việt Nam hay là thương hiệu Việt. Việc ghi "Made in Vietnam" chỉ thể hiện công đoạn sản xuất cuối cùng được thực hiện tại Việt Nam. Điều này cũng đúng nếu chiểu theo quy định về xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia.

Tương tự, trên thế giới ai cũng biết iPhone là thương hiệu của Mỹ mặc dù gán mác "Made in China". Không nói toàn bộ nhưng hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới đều nhập vật liệu, hoặc linh kiện, hoặc lắp ráp sản xuất tại một đất nước thứ 2, thứ 3 khác.

Lấy câu chuyện của SUNHOUSE làm ví dụ, thương hiệu này hiện đang sản xuất và kinh doanh rất nhiều mặt hàng gia dụng, họ đầu tư kỹ lưỡng cho khâu nghiên cứu và phát triển bằng thành lập trung tâm R&D.

Với việc sở hữu cụm 8 nhà máy chuyên môn, SUNHOUSE có thể tự chủ gần như hoàn toàn mọi công đoạn sản xuất các sản phẩm và nhóm sản phẩm khác nhau. Đặc biệt nhà máy mạch Narae Sunhouse System có tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến 7 triệu USD là bước đi quyết liệt của doanh nghiệp khi lấn sân các nhóm sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như Điều hòa, Bếp điện, Nồi cơm điện tử…

SUNHOUSE đồng thời tập trung vào quản lý chất lượng và nghiên cứu phát triển sản phẩm, bằng việc mời các chuyên gia đầu ngành Hàn Quốc về tư vấn và đầu tư hệ thống máy móc QA – QC tự động, tất cả cho thấy những tham vọng "ông lớn" ngành gia dụng. Đặc biệt trước xu thế chuyển dịch sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ, trong đó Việt Nam được xem là "bến đỗ" lý tưởng.

Ai nắm chắc 70% trong chuỗi là doanh nghiệp sở hữu nhiều giá trị nhất - Ảnh 2.

Việt Nam với nền kinh tế mở, đã có hơn 30 năm phát triển theo định hướng kinh tế thị trường và hội nhập khá thành công vào nền kinh tế thế giới. Được đánh giá là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới, với 29% lên đến 319 tỷ USD. Thứ hạng tăng 9 bậc (từ 42 lên 33) so với năm 2019. Theo báo cáo Thương hiệu quốc gia 2020 của Brand Finance.

Chương trình quốc gia của Việt Nam về thương hiệu cũng đã trải qua 17 năm. Mốc 10 năm tiếp theo cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương: "Để tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra trong thời kỳ mới, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, chúng ta cần nhìn nhận rõ những hạn chế về phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm. Chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm, có khát vọng, đam mê, sáng tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ thương hiệu quốc gia Việt Nam. Nếu vận dụng hiệu quả, thương hiệu quốc gia sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa".

Vẫn là câu chuyện thương hiệu, Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV, Ông Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, thương hiệu phải gắn với tầm nhìn. Toàn cầu hoá với mọi doanh nghiệp không thể có ngay lập tức và quan trọng là phải thích nghi với hệ sinh thái toàn cầu hoá. Ông cũng cho biết là nếu doanh nghiệp muốn học hỏi các thương hiệu đã thành công thì về cơ bản sẽ không học được gì.

Nguyên nhân vì mỗi quốc gia và doanh nghiệp đều có những đặc thù, bản sắc riêng. Vì thế, học hỏi kinh nghiệm tuy là điều cần thiết những mỗi doanh nghiệp đều phải xây dựng thương hiệu mang đặc thù, bản sắc riêng của mình.

T.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên