Close - bộ phim thắng giải thưởng lớn (Grand Pix) tại LHP Cannes 2022 và lọt top 5 phim quốc tế hay nhất tại Oscar 2023 - không cố (hoặc không thể) trả lời câu hỏi đó, mà chỉ cố gắng thăm dò nội tâm của nhân vật bằng sự thấu hiểu và khả năng phân tích tâm lý bậc thầy của một đạo diễn trẻ.
Bộ phim thứ hai của đạo diễn trẻ người Bỉ sinh năm 1991 Lukas Dhont khiến người xem bàng hoàng, với câu chuyện về sự tan vỡ tình bạn của hai đứa trẻ tuổi 13 khiến chúng vĩnh viễn đánh mất thời thơ ngây, theo hai cách khác nhau.
Close | Official Trailer HD | A24
Tội lỗi hồn nhiên và sự tan vỡ tàn khốc
Bộ phim mở đầu với những khuôn hình tuyệt đẹp, tươi sáng và đầy màu sắc khi mô tả tình bạn của hai cậu bé tuổi 13 Rémi (Gustav De Waele) và Léo (Eden Dambrine) ở một thị trấn bình yên của nước Bỉ.
Cả hai gắn bó với nhau đầy mật thiết, chia sẻ với nhau những hoạt động thể chất lẫn tinh thần với sự vui vẻ hồn nhiên của tuổi mới lớn. Bọn chúng đùa giỡn trên cánh đồng hoa của gia đình Léo, đạp xe trên đường làng.
Léo thậm chí còn bày tỏ sự ngưỡng mộ tài năng âm nhạc của Rémi khi cậu bạn thân tập chơi kèn clarinet hoặc độc tấu tại một buổi biểu diễn ở trường. Cậu cũng đến nhà Rémi để ăn uống, vui chơi và ngủ lại như gia đình của mình, được cha mẹ của Rémi yêu quý như con ruột.
Cả hai dường như không thể tách rời khỏi nhau với một tình bạn mãnh liệt nhưng dường như chưa có bất kỳ một dấu hiệu giới tính nào vượt qua tuổi hồn nhiên.
Một trong những cảnh đẹp nhất của phần đầu này là hình ảnh Léo và Sophie (mẹ của Rémi) cùng gối đầu lên người của Rémi giữa cánh đồng và cả ba đều nở nụ cười bừng sáng của hạnh phúc.
Thế nhưng tình bạn tuyệt đẹp của hai đứa trẻ ấy bỗng chốc bị thử thách khi bọn chúng bước vào năm học mới. Những đứa bạn ở trường của chúng, đặc biệt là những cô bạn gái hỏi cả hai có phải là một cặp không khi thấy bọn chúng dính với nhau như sam.
Cả Léo và Rémi đều bối rối trước sự trêu đùa hồn nhiên (và cả một chút ác ý) trước những đứa bạn cùng lớp, nhưng cách phản ứng của Léo có phần bột phát hơn. Cậu ra sức thanh minh, tức giận và sợ hãi trước những ánh mắt soi mói của đám bạn.
Và rồi Léo dần dần cách biệt với Rémi bằng cách tham gia đội tuyển khúc côn cầu trên băng với một đám bạn nam mới.
Sự gắn bó mật thiết của cả hai bỗng chốc lung lay chỉ vì những lời nói vô tâm. Léo ít đến nhà Rémi để ăn uống và ngủ lại hơn.
Thậm chí, khi Rémi nằm gối đầu lên người cậu trong một hoạt động dã ngoại của lớp, Léo có vẻ hốt hoảng, ái ngại nhìn xung quanh rồi giả vờ tìm cách đẩy đầu Rémi ra khỏi người mình.
Trước sự thay đổi của Léo, Rémi vô cùng bối rối và tổn thương. Và khác với Léo khi tìm cách kết nối với những người bạn mới qua một hoạt động thể chất, Rémi chịu đựng điều đó trong câm lặng.
Giọt nước chỉ thực sự tràn ly khi trong một lần đến nhà Rémi để ngủ lại, Léo trải một tấm nệm ra đất và nằm ở đó. Sự dồn nén được dịp bùng phát, Rémi tấn công Léo bằng những cú đấm và kết thúc bằng một giọt nước mắt chảy dài trên bàn ăn sáng. Cậu giải thích với bố mẹ rằng do đau bụng.
Sự bùng phát lần thứ hai của Rémi thậm chí còn dữ dội hơn khi cậu lao vào tấn công Léo trên sân khúc côn cầu chỉ vì một xích mích nhỏ mà không một lời giải thích.
Và sự bùng phát lần thứ ba - cũng là lần cuối cùng gây nên một cú sốc kinh hoàng cho tất cả, đặc biệt là Léo: Rémi tự sát trong một chuyến đi dã ngoại của lớp.
Chỉ bằng một phần ba thời lượng phim, Lukas Dhont đã kể một thảm kịch và sự tan vỡ tàn khốc của tình bạn bằng diễn xuất đáng kinh ngạc của hai diễn viên trẻ lần đầu đóng phim.
Ai là thủ phạm của bi kịch câm lặng và đầy thống khổ không thể diễn tả bằng lời của hai đứa trẻ tuổi 13 ngoài cái gọi là "tội lỗi hồn nhiên" của con người?
Vĩnh biệt thời thơ ngây
Cú sốc kinh hoàng đó đã để lại một dư chấn tâm lý lên tâm hồn của kẻ ở lại - Léo - với sự dằn vặt dữ dội của cậu bé, nhất là những ám ảnh tội lỗi khi cho rằng mình là nguyên nhân gây ra thảm kịch.
Ở nửa sau của bộ phim, đạo diễn tập trung vào nỗi buồn và sự vụn vỡ trong lòng Léo qua cách kể chuyện và nghệ thuật dựng phim tinh tế để khám phá nội tâm sâu kín của một đứa trẻ tuổi 13 qua những góc máy riêng tư kín đáo như một kẻ quan sát ở gần nhưng không dự phần.
Các cảnh phim dựng nối tiếp nhau giữa ngày và đêm. Nếu các cảnh ngày tập trung vào các hoạt động thể chất của Léo, đặc biệt là chơi khúc côn cầu trên sân băng với những người bạn mới để cố che giấu cảm xúc thì khi đêm xuống, khi không còn có thể làm gì để giải phóng năng lượng được nữa, chỉ còn lại nỗi buồn ngưng đọng trong đôi mắt mở lớn của cậu bé.
Máy quay thường giữ cố định và cận cảnh để đặc tả gương mặt và đôi mắt trống rỗng vụn vỡ của Léo với những câu hỏi đầy day dứt nhưng không lời giải đáp, như cách nó đã từng hỏi anh trai mình trong một đêm mất ngủ. Rémi có để lại điều gì không? Rémi có nghĩ đến nó không trong giây phút cuối cùng ấy?
Dằn vặt bởi cảm giác tội lỗi khôn nguôi, Léo tìm đến mẹ của Rémi để bộc bạch nỗi lòng mình như tìm một sự cứu chuộc...
Và cho dù đạo diễn có khép lại bộ phim với một cái kết phần nào xoa dịu tâm trạng, bộ phim đầy thấu hiểu này vẫn để lại một nỗi buồn vụn vỡ của một đứa trẻ tuổi 13 khiến nó vĩnh viễn đánh mất thời thơ ngây.
Ai có thể hiểu được sự tàn phá kinh khủng gì ở bên trong một đứa trẻ khiến nó phải chọn một cách từ giã cuộc đời cực đoan đến thế?
Và ai có thể hiểu hết được nỗi buồn, sự dằn vặt của một đứa trẻ tuổi 13 khi nó phải trưởng thành với một trái tim thương tổn?
Lukas Dhont cho thấy anh là một tài năng mới của điện ảnh thế giới khi chọn chủ đề tuổi mới lớn với những phân tích chấn thương tâm lý phức tạp của lứa tuổi này qua cấu trúc tường thuật khác lạ và ngôn ngữ điện ảnh tinh tế.
Trước Close, tác phẩm đầu tay Girl (2018) của anh giành tới bốn giải tại Cannes, trong đó có giải phim đầu tay và phim có yếu tố đồng tính (Queer Palm) xuất sắc nhất. Girl mô tả trải nghiệm tâm lý của một vũ công tuổi teen chuyển giới phải vật lộn với chứng phiền muộn giới tính của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận