03/12/2022 10:54 GMT+7

'Ai cũng chọn thực phẩm sạch nhưng vẫn cân nhắc túi tiền'

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - 'Thu nhập của người dân hiện nay vẫn còn hạn chế, ai cũng muốn chọn thực phẩm sạch nhưng vẫn cân nhắc túi tiền. Tuy nhiên muốn thực phẩm rẻ nhất thì không thể đảm bảo chất lượng như mong muốn', bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Ai cũng chọn thực phẩm sạch nhưng vẫn cân nhắc túi tiền - Ảnh 1.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Ngày 3-12, tại Lâm Đồng diễn ra Hội nghị sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm đảm bảo an toàn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TP.HCM và 15 tỉnh, thành giai đoạn 2021-2025, do Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức.

Trường học, bếp ăn tập thể ở TP.HCM phải lấy nguồn tươi sống nằm trong chuỗi thực phẩm an toàn, chứ không phải sản phẩm có xuất xứ rõ ràng và chứng minh bằng hóa đơn là được. Đây là vấn đề dài hơi nhưng đã tính toán".

Bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM .

"Có tham gia chuỗi nghĩa là đã có thực phẩm VietGAP"

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, TP.HCM là đầu mối lưu thông và tiêu thụ lớn thực phẩm nhưng sản xuất nông nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau.

Hiệu quả đề án xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn để cung ứng cho người dân TP đánh giá trên bốn tiêu chí: thanh tra - kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm; số lượng lẫn quy mô phải ít dần để an toàn hơn; kết quả kiểm nghiệm, quản lý bằng kỹ thuật, chứ không bằng niềm tin, đây là tiêu chí tuyệt đối và làm sao để tăng lượng thực phẩm sạch.

Thống kê hết tháng 11, có 586 cơ sở tham gia đề án chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 736 giấy chứng nhận. Theo bà Lan, ban khuyến khích để doanh nghiệp, cá nhân tham gia chuỗi thực phẩm an toàn này, sạch từ trang trại đến bàn ăn.

"Chúng tôi đã liên hệ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành, tập huấn kiến thức cho nông dân. Có VietGAP chưa cần tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, nhưng có tham gia chuỗi nghĩa là đã có thực phẩm VietGAP. Cái thứ hai là khâu thẩm định cấp phép, đi đến thực tế. Cuối cùng khâu quan trọng là đầu ra nhưng hết sức khó khăn", bà Lan nói.

Vấn đề an toàn thực phẩm được quan tâm hàng đầu nhưng ở TP vẫn còn khó khăn, bà Lan cho rằng cái khó ở dạng chợ vỉa hè, chợ cóc, chợ tạm nở rộ nhiều.

Xây dựng 210 chuỗi nông sản cho người "anh cả" TP.HCM

Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm giữa TP.HCM với 15 các tỉnh, thành là các cơ sở kinh doanh tại thành phố đạt chứng nhận an toàn. Đặc biệt cung cấp vào bếp ăn trường học, hệ thống kinh doanh hiện đại và mở rộng đến chợ đầu mối, chợ truyền thống để kiểm soát tương tự như cơ sở đạt chuỗi thực phẩm an toàn.

Hiện nay, tỉ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO...) cung cấp cho TP.HCM, gồm thịt đạt hơn 321 tấn/năm (chiếm hơn 98% nhu cầu tiêu thụ của người dân TP.HCM); trứng gia cầm đạt hơn 59%; rau, củ, quả là hơn 272 tấn/năm; sản phẩm thủy sản hơn 25 tấn/năm.

Ai cũng chọn thực phẩm sạch nhưng vẫn cân nhắc túi tiền - Ảnh 4.

Thực phẩm sạch tham gia chuỗi cung ứng an toàn để cung cấp cho người dân TP.HCM - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Với chuỗi sản phẩm thực vật, ông Nguyễn Văn Sơn - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng - cho rằng tỉnh sản xuất và cung cấp khoảng 70% rau cho TP.HCM, xây dựng được 210 chuỗi nông sản cho người "anh cả" TP.HCM nhưng vẫn lo lắng là làm sao cung ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng ở thành phố.

Còn với chuỗi sản phẩm động vật, ông Nguyễn Văn Thắng - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai - thông tin tỉnh đang cung ứng khoảng 50% cho TP.HCM, nguồn cung luôn dồi dào và truy xuất nguồn gốc an toàn theo chuẩn của chuỗi.

"Mình đang lừa người tiêu dùng"

Ai cũng chọn thực phẩm sạch nhưng vẫn cân nhắc túi tiền - Ảnh 5.

Ông Trần Huy Đường, nông dân tại tỉnh Lâm Đồng chia sẻ những bức xúc về thực phẩm sạch - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Trong phần thảo luận, ông Trần Huy Đường giới thiệu là nông dân trồng rau, hoa. Mỗi tuần, sản phẩm của ông xuất đi Singapore, Hàn Quốc khoảng 1-2 container, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhưng trước câu chuyện thực phẩm an toàn, ông cho rằng tất cả đang… lừa người tiêu dùng.

"Trong chuyện minh bạch, người tiêu dùng Việt Nam phải làm và có quyền được hưởng, không phải chỉ xuất đi nước ngoài mới làm điều này. Coi trọng người nước ngoài, người Việt sao cũng được, không nên như vậy", ông Đường nói thêm.

Ông cho rằng để như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói, kinh tế nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp là hàng hóa có luật, có quy cách dán nhãn bao bì, tem mác. "Hiện nay sản phẩm nông dân chúng tôi bán ra có phần bị thay nhãn. Các anh có kiểm tra không, vấn đề này cần được mổ xẻ", ông Đường hoài nghi.

Để người tiêu dùng không tiếp tục "hứng chịu" những gian lận thương mại, ông Đường đề xuất: "Không kiểm tra định kỳ mà kiểm tra đột xuất, phạt thật mạnh những doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm, để sản phẩm những nông dân làm thật được vào chuỗi siêu thị.

Những siêu thị ở đây (siêu thị tham gia hội nghị - PV) tôi không vào được vì đã có khách hàng rồi. Ông nào làm không được thì loại và đó là cơ hội cho chúng tôi vào".

Tương tự, ông Nguyễn Đông Hải - tổng giám đốc Công ty TNHH VietFam - đồng tâm tư: "Chúng ta mập mờ và lừa người tiêu dùng. Nhiều nhà phân phối nhắm mắt bỏ qua, không chịu trách nhiệm".

Trước những tâm tư này, bà Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận thực tế biết hàng trôi nổi không an toàn nhưng người tiêu dùng vẫn mua vì khó khăn lớn nhất là thu nhập và vì lợi nhuận.

"VietGAP có giá trị nào đó mới giả mạo. Người dân cũng có niềm tin nên phẫn nộ khi biết mình bị lừa. Bên cạnh sự cố phải khắc phục, nhân đó chúng ta tuyên truyền các sản phẩm tốt hơn, đặc biệt các sản phẩm xuất khẩu, chuẩn GlobalGAP… Nên phối hợp các giải pháp kiểm soát khác trong việc kiểm tra sản phẩm nông nghiệp để cho ra an toàn khâu cuối cùng", bà Lan nói.

Theo số liệu từ đề tài liên kết vùng để cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố do Trường đại học Kinh tế TP.HCM và Sở Công Thương thực hiện, nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm trung bình hằng năm của thành phố như sau:

Gạo khoảng 825.000 tấn/năm; thịt các loại 330.000 tấn/năm; thủy sản các loại trên 450.000 tấn/năm; rau, củ, quả các loại 1,8-1,9 triệu tấn/năm; trứng gia cầm 900 triệu quả/năm.

An toàn thực phẩm trong trường học: An toàn thực phẩm trong trường học: 'Bếp ăn tại trường là mô hình lý tưởng'

TTO - Theo Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM, trên địa bàn TP hiện có 1.834 cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể (trường tổ chức nấu) và 487 trường sử dụng suất ăn công nghiệp (đặt mua suất ăn của các đơn vị bên ngoài).

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên