Lý do: cô mắc bệnh rụng tóc, cô mắc cỡ... Và hơn mười ngày rồi nhưng tôi không thể nào quên bài báo “Vừa học vừa lo... sập phòng” đọc trên Tuổi Trẻ Online ngày 27-9-2011. Bài báo kể chuyện “Trường tiểu học Bình Thạnh, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được xây dựng cách nay trên 30 năm.
Phóng to |
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Bình Thạnh (Cai Lậy, Tiền Giang) phải núp dưới gầm bàn mỗi khi trời mưa để được an toàn - Ảnh: T.Bắc |
Hiện tại nhiều bức tường đã nứt trơ cả gạch. Còn nhìn lên nóc nhà thì đòn tay, rui, mè bị mục, mối mọt gặm nát bét, mái ngói nằm lung tung, nhiều chỗ nhìn thấy cả bầu trời”. Rằng do sợ hiểm nguy, mỗi khi mưa bắt đầu giội xuống, cô giáo Nguyễn Thị Vũ ra lệnh các em thu dọn tập vở rồi chui xuống gầm bàn. Rằng thấy các em chui xuống gầm bàn, cô Vũ rất áy náy nhưng “chỉ có cách đó mới đảm bảo an toàn cho các em”.
Tôi nhìn hoài bức ảnh có chú thích: “Theo hướng dẫn của cô giáo, học sinh lớp 1 Trường tiểu học Bình Thạnh phải núp dưới gầm bàn mỗi khi trời mưa để được an toàn” mà không biết mình muốn cười hay muốn khóc.
Tác giả bài viết thuật lại lời phụ huynh Lê Thị Ngọt, nói chị có con học ở phòng học xuống cấp này nên mỗi khi thấy trời mưa là chị phải chạy đến trường xem các cháu thế nào. “Chị kể có hôm đang mưa lớn, tất cả học sinh đang chui dưới gầm bàn thì chị cũng... chui xuống gầm ôm con cho đỡ lo...”. Nhắm mắt hình dung “đoạn phim” bằng chữ kia, tôi, một lần nữa, không biết mình muốn cười hay muốn khóc.
Thật khó tin đây là cảnh giáo dục của thời đại chúng ta, thế kỷ 21, ở một ngôi trường không sâu, xa, hẻo lánh. Và không chỉ một lớp. Theo ông Lê Như Thụy - hiệu trưởng ngôi trường kể trên, có hơn 100 học sinh phải học trong hoàn cảnh như vậy.
Cấp trên của ông Thụy, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cai Lậy Ngô Minh Chung, cho biết mới đây ở Trường THCS Võ Việt Tân đã có một học sinh bị thương vì bêtông ở lớp học rớt trúng đầu. Cấp trên của ông Chung, ông Trần Văn Trí - phó giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, ước tính toàn tỉnh Tiền Giang có tới 800 phòng học xuống cấp trầm trọng. Sở biết nhưng lực bất tòng tâm.
Thật ra đây không phải lần đầu tiên chúng ta nghe thấy bi kịch học hành của thế hệ “tương lai đất nước”. Chỉ cần vào Google đánh hai từ “trường sập”, chúng ta sẽ lượm ra hằng hà cảnh tượng thương tâm dù đã được diễn đạt bằng câu chữ khách quan: “Trên trần của lớp học chằng néo đầy gỗ tạp để chống sập”, “Những hàng cột phía trước bong tróc ximăng trơ ra những thanh sắt. Thầy cô lo sợ khi mưa dông, ngôi trường này sẽ sập bất cứ lúc nào”...
Và không chỉ đọc, nếu có dịp ngược xuôi đất nước, chúng ta rất dễ dàng gặp các hình ảnh mà các phóng viên đã nói, đành phải nói bởi không lặng im được nữa.
Tôi sống ở TP.HCM, quê ngoại ở Tiền Giang, mẹ lập nghiệp ở Cần Thơ, do vậy thường có dịp lướt theo lộ trình liên tỉnh, để thấy tận mắt hàng loạt ngôi trường mà nên thơ phượng đỏ không che nổi sự tiêu điều. Tiêu điều đến vô lý. Nó buộc chúng ta phải tự hỏi: cái gì đang thiếu - lực hay tâm?
Nhìn lại bức ảnh chân thật mà cứ như hư cấu, đọc lại câu nói của thầy Võ Cao Thi - giáo viên lớp 4 Trường tiểu học Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè): “Mỗi khi trời mưa tôi phải quan sát mái nhà. Nếu thấy chỗ nào lung lay thì yêu cầu học sinh tránh xa hoặc chui xuống gầm bàn trốn”, thốt nhiên tôi nhớ hình ảnh con gái mình mỗi khi có tiếng chuông.
Xin lỗi các cô trò trong bức ảnh và bên ngoài bức ảnh, khi cái ám ảnh cá nhân quá sâu khiến tôi tự động đồng hóa hình ảnh chui xuống gầm bàn với sự mắc cỡ, sự chạy trốn cái xấu. Và khi tự thể tất cho ám ảnh chủ quan - nhưng thành thật - của mình, cái đầu chủ quan trong tôi cũng tự động đặt ra câu hỏi: ai thật sự “chui xuống gầm bàn” trong thảm trạng chui xuống gầm bàn của thế hệ “tương lai đất nước”?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận