29/04/2010 04:00 GMT+7

Ai bảo vệ học sinh khuyết tật?

HẢI ÂU (haiautw3@...)
HẢI ÂU (haiautw3@...)

TT - Hàng loạt vụ học sinh đánh nhau thời gian qua đã làm nhức nhối tâm can của những người làm giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung. Tôi là một giáo viên nên cũng không tránh khỏi băn khoăn, nhưng tôi còn một nỗi lo lớn hơn vì học sinh của tôi là trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt (mọi người thường gọi là trẻ khuyết tật).

Bé T. học trò của tôi bị rối loạn tình cảm, rối loạn hành vi, ngôn ngữ, giao tiếp xã hội... (nhiều người lầm tưởng là tự kỷ). Bé được tôi can thiệp sớm và trị liệu các rối loạn đúng hướng ngay từ 2 tuổi rưỡi nên đã phát triển tốt và được đi học, hòa nhập ở trường công lập đúng độ tuổi.

Giờ bé đã học lớp 4, nhìn hình dáng bên ngoài, bé bình thường như bao bé khác, thậm chí có phần trắng trẻo cao to đẹp trai hơn hẳn, thoạt nhìn không ai biết bé là trẻ khuyết tật, quan sát lâu mới thấy bé vẫn còn gặp một ít khó khăn trong giao tiếp xã hội và hơi chậm trong các hoạt động hằng ngày. Từ khi bé đi học hòa nhập, tôi không còn trị liệu cho bé nữa.

Hôm rồi nhân sinh nhật bé, tôi gọi điện trò chuyện thì nghe bé than: “Cô ơi, bây giờ mỗi ngày đến trường không còn là một niềm vui nữa rồi...”. Người ngoài nghe thì có thể buồn cười vì bé nói giống hô khẩu hiệu quá, nhưng vì bé có khó khăn về ngôn ngữ nên nói được như thế là tốt rồi.

Bé cho biết lý do: “Các bạn đánh con, con sợ...” rồi bé đưa điện thoại cho mẹ, không muốn nói tiếp chuyện này. Thật ra những năm trước bé đi học cũng bị bạn ăn hiếp và mẹ bé chiều nào tan học cũng phải đem đồ chơi, bánh trái vô trường dụ các bạn chơi cùng con mình, nói chuyện với các bạn, mong bạn bè bớt ăn hiếp con một chút chứ không dám mơ bạn bè sẽ thương con mình.

Thật tình, bạn bè bé cũng không chê bai ghét bỏ nhưng vì tuổi còn nhỏ nên vẫn còn hồn nhiên, sự ăn hiếp đó vẫn còn nhẹ nhàng, nhưng giờ lên lớp 4, bạn bè đã lớn nhiều, đã biết kết bè kết phái, cô lập bé và bắt đầu biết đánh bé, ăn hiếp bé mức độ nặng nề hơn.

Nỗ lực của mẹ bé xem ra không còn tác dụng nữa: “Cô biết không, nhà tôi đâu giàu có gì, tôi đâu thể ngày nào cũng mua bánh trái, đồ chơi cho bọn trẻ hoài được, tôi cố gắng nói chuyện với bọn trẻ nhưng là con nít mà, nghe đó rồi quên đó. Tụi nó càng lớn càng khó dụ dỗ, qua hôm sau con mình lại bị đánh, bị tuột quần... Đứa này đánh được, các đứa khác thấy vậy bắt chước đánh theo. Bé T. sợ hãi lắm, ám ảnh cả trong giấc ngủ, tối nào cũng mớ, kêu la khóc lóc thảm thiết, sáng dậy không dám đi học. Tôi đau lòng quá nhưng chẳng biết làm thế nào...”.

Vậy vai trò của giáo viên và phụ huynh thế nào? “Đây là trường công mà cô, tôi có trao đổi với giáo viên nhưng vẫn vậy, phụ huynh thì cũng đủ kiểu người...”

Tôi nghe và nhìn ra ngay vấn đề, đó là một thực tế đáng buồn, công tác giáo dục trẻ hòa nhập hiện nay ở một số quận huyện, một số trường làm rất tốt, làm đúng phương châm “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” nhưng bên cạnh đó, nhiều nơi còn lơi lỏng, bỏ rơi mảng hòa nhập.

Nhà trị liệu, giáo viên khuyết tật, phụ huynh và ngay cả bản thân trẻ khuyết tật đã bỏ biết bao thời gian, công sức, nỗ lực hết mình để đạt mục đích giúp trẻ hòa nhập xã hội, vậy mà khi bản thân bé đủ sức hòa nhập được rồi thì lại bị môi trường bình thường cản trở, bé bị ăn hiếp, bắt nạt, đánh đập, chọc ghẹo... Nếu không được phát hiện và can thiệp rốt ráo tình trạng này, các bé sẽ bị tổn thương, bị rối loạn trở lại và sẽ quay về giai đoạn khuyết tật trước đây. Nếu mức độ trầm trọng thì nhà trị liệu không thể can thiệp và trị liệu được nữa, bé sẽ bị khuyết tật mãi mãi...

Ai sẽ là người giúp bọn trẻ? Bé T. chỉ chậm và khờ hơn các bạn một chút mà đã bị đánh, còn những học trò khác của tôi với những khiếm khuyết nặng hơn như khiếm thính, khiếm thị, khó khăn vận động... sẽ hòa nhập thế nào đây?

HẢI ÂU (haiautw3@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên