Chiến lược 2030 của ADB, được phê duyệt trong tháng 7-2018, đã xác định phương hướng cho ADB về việc áp dụng những cách tiếp cận khác biệt đối với các nhóm quốc gia khác nhau - Ảnh: NB
Theo đó, các quốc gia nhận nguồn vốn của ADB được chia thành ba nhóm theo mức thu nhập bình quân đầu người và khả năng trả nợ.
Các quốc gia nhóm A được nhận viện trợ từ Quỹ Phát triển châu Á (ADF) và vốn vay ưu đãi, các quốc gia nhóm B được tiếp cận cả vốn vay ưu đãi và vốn vay dựa vào thị trường, còn các quốc gia nhóm C chỉ được tiếp cận các khoản vay dựa vào thị trường.
Những điều khoản tài trợ áp dụng cho các quốc gia nhóm A và nhóm B đã được đa dạng hóa với sự kết hợp giữa viện trợ, vốn vay ưu đãi và vốn vay dựa vào thị trường. Các quốc gia nhóm C có phạm vi thu nhập bình quân đầu người rộng hơn, nhưng tất cả đều áp dụng các điều khoản tài trợ giống nhau.
Trong khung định giá mới, các quốc gia nhóm C sẽ được chia thành một số tiểu nhóm tùy thuộc vào tổng thu nhập quốc dân (GNI) của họ - thu nhập trung bình thấp, thu nhập trung bình cao và thu nhập cao.
Các tiểu nhóm với thu nhập trung bình cao hơn sẽ trả phụ phí kỳ hạn cao hơn cho các khoản vay có kỳ hạn dài hơn. Ví dụ, các quốc gia thu nhập trung bình cao với GNI bình quân đầu người từ 6.976 USD tới 12.375 USD (theo giá năm 2018) sẽ trả phụ phí kỳ hạn cao hơn tới 30 điểm cơ sở, tùy thuộc thời hạn vay.
Khung định giá mới sẽ mang đến những điều khoản ưu đãi hơn cho các quốc gia dễ tổn thương hơn, ví dụ như các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia đang chuyển đổi từ nhóm B sang nhóm C.
Thu nhập gia tăng từ chính sách định giá mới sẽ bổ sung cho các quỹ đặc biệt hỗ trợ kỹ thuật hiện thời để hỗ trợ hoạt động tư vấn chính sách, xây dựng thể chế và chia sẻ tri thức trong các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB. Khung định giá này cũng sẽ giúp xây dựng nguồn vốn dự trữ để mở rộng năng lực cho vay của ADB trong dài hạn.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho rằng cơ cấu định giá cào bằng hiện đang áp dụng cho các quốc gia bên nhận chỉ vay những khoản vay dựa vào thị trường không phản ánh được mức độ đa dạng cao giữa các nước này xét về thu nhập, năng lực huy động nguồn lực trong nước và khả năng tiếp cận các thị trường vốn.
"Chúng tôi hi vọng với cơ cấu mới sẽ tiếp tục thu hút sự tham gia của các quốc gia ở giai đoạn phát triển cao hơn, với những điều khoản công bằng, có tính cạnh tranh so với các ngân hàng phát triển đa phương khác và góp phần vào sự bền vững trong dài hạn của ADB", ông Takehiko Nakao nói.
Chiến lược 2030 của ADB, được phê duyệt trong tháng 7-2018, đã xác định phương hướng cho ADB về việc áp dụng những cách tiếp cận khác biệt đối với các nhóm quốc gia khác nhau. ADB cũng đang triển khai những cải cách trong khung mua sắm đấu thầu, chuyển đổi số hóa và hiện đại hóa quản lý nguồn nhân lực, bên cạnh các nội dung khác.
Theo báo cáo của ADB, đến hết năm 2018 các khoản vay của Việt Nam với ADB (bao gồm cả vay ưu đãi, vay thương mại, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật) là khoảng 16,7 tỉ USD, với tổng cộng 544 dự án. Trong số này, chiếm phần lớn nhất là các dự án về giao thông, hơn 5,68 tỉ USD, 34% tổng số khoản vay. Riêng năm 2018, tổng số vốn cam kết, giải ngân và hỗ trợ kỹ thuật là 881,8 triệu USD.
Từ đầu năm 2019, Việt Nam không còn được tiếp cận nguồn tài trợ ưu đãi vốn vay của ADB và chuyển sang vay thương mại. Hiện nay, tỉ lệ các khoản vay thương mại vẫn thấp so với vay ưu đãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận