* NHNN cam kết sẵn sàng hỗ trợ vốn cho ACB * Chứng khoán bớt giảm
Phóng to |
Một buồng ATM của Ngân hàng ACB - Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ |
Việc hỗ trợ này bảo đảm khả năng chi trả các khoản tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư tại Ngân hàng ACB. Do đó, quyền lợi của người gửi tiền hoàn toàn được đảm bảo.
NHNN cũng khuyến cáo các tổ chức và cá nhân có tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Á Châu nên thận trọng trước các tin đồn không có căn cứ để tránh những tổn thất không đáng có.
Như đã đưa tin trước đó, chiều 20-8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên về tội “kinh doanh trái phép” theo điều 159 - Bộ Luật hình sự và theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/C46 (P10) ngày 20-8-2012.
Ông Nguyễn Đức Kiên nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB).
Hiện nay ông Kiên không tham gia quản lý, điều hành ngân hàng ACB. Vì vậy, hoạt động của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an là bình thường, chỉ liên quan đến vi phạm của 3 công ty do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. là: Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Khách hàng rút 5000 tỷ, ACB khuyến khích khách hàng gửi lại
Chiều ngày 22-8, ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc thường trực Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), hiện thay thế điều hành trong thời gian ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc đang vắng mặt, đã trao đổi với phóng viên những thông tin liên quan đến ACB trong hai ngày biến động vừa qua.
Ông Toàn cho biết, hiện nay nhiều khách hàng vẫn tin tưởng và ủng hộ dù ACB đang xảy ra sự cố có liên quan. Từ tối ngày 20-8, ACB đã nhận ra tình hình sẽ có sự cố thanh khoản nên đã thống nhất kịch bản để chuẩn bị ứng phó vào ngày 21/8. Lượng tiền rút ra ngày hôm nay 22-8 quy ra tiền đồng là 5.000 tỷ đồng, tăng hơn so với ngày hôm qua 21-8, nhưng so với kịch bản của ACB thì vẫn thấp hơn.
ACB đánh giá về việc rút tiền trong hai ngày nay là ở mức độ trung bình và trong tầm kiểm soát. |
"Việc rút tiền tập trung ở TP.HCM, còn ở các tỉnh thì khách hàng vẫn bình tĩnh, có một vài người đến hỏi rồi về, cũng có người rút nhưng có nói rằng nếu ACB bình thường trở lại họ sẽ quay gửi lại," ông Toàn nói.
Theo ông Toàn, đa số khách hàng rút tiền là khách hàng nhỏ lẻ và người dân, còn doanh nghiệp thì không có động thái đáng kể.
Ông Toàn nhận định, trong khủng hoảng, có thời điểm khách hàng tiếp nhận thông tin nhanh quá, rút ra trước hạn nên lợi nhuận bị thiệt hại. “Tuy nhiên, ý đồ chính của chúng tôi vẫn là muốn khách hàng bình tâm, suy nghĩ kỹ hơn, bởi ACB cam kết chi trả toàn bộ số tiền khách hàng đang gửi tại ACB mà muốn rút,” ông Toàn khẳng định.
ACB đã quyết định từ ngày mai 23-8 sẽ đưa ra chính sách khuyến khích đối với những khách hàng đã rút ra và gửi lại, ACB sẽ trả lãi suất đúng như họ đã gửi cho đến ngày đáo hạn (nghĩa là khi rút trước hạn thì khách hàng chỉ được lãi suất không kỳ hạn, nhưng nếu gửi lại ACB sẽ trả đúng lãi suất tính đến ngày đáo hạn). |
Cũng theo vị lãnh đạo này, ACB đang thu dần nợ và tiền gửi liên ngân hàng với số tiền xấp xỉ 36.000 tỷ đồng (đây là những khoản đến hạn thu về).
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng nhận được sự hỗ trợ từ một số ngân hàng bạn, nhưng cũng có giới hạn, bởi bản thân họ cũng phải có dự phòng trong những trường hợp khó khăn.
Ông Toàn cho biết thêm, ngày 23-8, lượng tiền tồn còn đủ để phục vụ tiếp tục cho khách hàng. Hôm nay ACB đã chi trả 5.000 tỷ đồng, còn tồn 5.000 tỷ đồng.
"Như vậy, tính đến ngày 22/8, tồn quỹ tại ACB tính riêng bằng tiền đồng là 6.100 tỷ đồng tiền mặt, bằng USD tiền mặt là 9,3 triệu USD, cộng thêm 20 triệu USD đang trên đường về; lượng USD chuyển khoản đang tồn trên tài khoản là 165 triệu USD sẵn sàng chuyển đổi bằng tiền mặt," ông Toàn đưa ra các con số minh chứng cho năng lực tài chính bền vững của ngân hàng mình.
Theo dữ liệu của Reuters, trong phiên thứ 251, ngày 22-8, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra tới 13.025 tỷ đồng trên thị trường mở (OMO), kỳ hạn 7 ngày, với lãi suất 8%/năm. Như vậy, khối lượng bơm vốn phiên này đã tăng mạnh so với mức 5.000 tỷ đồng phiên trước đó, tuy nhiên, lãi suất cho vay giảm 0,8% xuống còn 8%/năm. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất được chào cho vay qua đêm đã tăng vọt lên 8-8,5%/năm, từ mức 4,5-4,7%/năm hôm qua; lãi suất kỳ hạn 1 tuần tăng lên 8-8,5%/năm, từ mức 4,8-5%/năm phiên trước đó. Nếu tính trong hai ngày 21-22-8, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra tổng cộng 18.025 tỷ đồng trên thị trường mở |
Sáng nay, trên website của ACB đã công bố thư gửi đối tác ACB do phó chủ tịch thường trực hội đồng quản trị Lê Vũ Kỳ ký, trong đó cập nhật thông tin liên quan đến các vấn đề người gửi tiền quan tâm.
Theo công bố của ACB, ông Nguyễn Đức Kiên hiện là cổ đông đang sở hữu dưới 5% cổ phần ACB.
Theo công bố này, ACB "không chịu sự chi phối của bất kỳ cá nhân riêng lẻ nào". Hiện ACB đã công bố số điện thoại của người phát ngôn chính thức Nguyễn Thanh Toại là 0903 838083 để cung cấp thông tin với bên ngoài.
Chứng khoán bớt giảm
* Kết thúc phiên giao dịch ngày 22-8, các chỉ số chứng khoán trong nước giảm chậm so với "phiên đen tối" của thị trường hôm "ông trùm tài chính Nguyễn Đức Kiên" bị bắt (ngày 21-8).
Theo đó, chỉ số VN-Index giảm 6,61 điểm (1,59%) về mức 410,23 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 2,30 điểm (3,44%) còn 64,65 điểm.
Phóng to |
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, hai chỉ số VN30 và HNX30 vẫn còn giảm sâu. Hầu hết mã cổ phiếu tài chính ngân hàng như BVH, EIB, OGC, PVF, STB... đều giảm kịch sàn. Cổ phiếu Ngân hàng Á Châu (ACB) tiếp tục giảm sàn 6,64%, còn 22.500 đồng/cổ phiếu.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, phiên giao dịch 22-8 có một số yếu tố tích cực hơn so với phiên trước: Thứ nhất, nếu như phiên giảm điểm 21-8 là mạnh nhất trong vòng gần bốn năm trở lại đây (đối với VN-Index) thì phiên giao dịch 22-8 VN-Index có mức độ giảm điểm 1,6%. Trái với dự đoán của một số nhà đầu tư về khả năng thị trường tiếp tục bị bán tháo mạnh, mức giảm này là vừa phải hơn.
Thứ hai, tỉ lệ cổ phiếu giảm/tăng trong phiên trước là 257/15 (sàn TP.HCM) thì trong phiên hôm nay đã bớt bi quan hơn ở mức 179/55. Nhiều mã vốn hóa lớn và được coi là vững về mặt cơ bản như VNM tăng 1,9%, DPM tăng 1,56% trấn an thị trường trở lại.
Hiện VN-Index đang giao dịch ở mức 410 điểm, quanh khu vực đáy trước (405-410 điểm). Mức này vẫn tạm thời đang đứng vững, tránh tạo ra một đáy thấp hơn vốn là đặc điểm của xu hướng giảm giá. Do đó, lực mua được coi là hiện diện tốt tại khu vực này.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Kim Eng VN, có thể coi VN-Index vẫn nằm trong một giai đoạn tích lũy rộng từ 405-410 tới khoảng 435 điểm. Chừng nào chỉ số này vẫn duy trì được khu vực hỗ trợ thì chưa có tín hiệu kỹ thuật xấu tiếp theo được tạo ra. Ngược lại, HNX-Index vẫn trong xu hướng giảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận