30/06/2011 07:44 GMT+7

Ác mộng của "dế mèn" - Kỳ cuối: "Hiệp sĩ" xe ôm

PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN
PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN

TT - Cuộc mưu sinh ở các bến xe, ngã tư đường vốn nhuốm đầy bụi, khói, thấm đẫm mồ hôi, thế nhưng hôm nay có nhiều bác tài xe ôm còn trở nên “chuyên nghiệp” trong việc nhận diện và giúp đỡ những đứa trẻ vừa lầm lỡ bỏ nhà, những đứa trẻ vừa thoát ra khỏi các cơ sở bóc lột lao động. Danh sách “hiệp sĩ” xe ôm ngày càng dài ra trong sổ tay phóng viên của chúng tôi...

spd8oxUM.jpgPhóng to

Ngoài công việc điều tài ở bến xe miền Đông, ông Khanh còn kiêm “nghề” giúp đỡ trẻ vị thành niên bỏ quê lên thành phố - Ảnh: Đức Tuyên

Nhớ con cháu nhà mình...

“Thấy đứa nhỏ nào ngơ ngác xuống xe, đi lang thang vơ vẩn, dáo dác nhìn mấy bảng tuyển người là tôi nhận ra ngay. Nhớ mấy đứa con cháu nhà mình nếu cũng như vậy, biết bao nhiêu nguy hiểm chực chờ. Sao bỏ chúng được...”, vợ chồng ông Thạch Ngọc Khanh - bà Võ Thị Nguyệt cùng hành nghề xe ôm hơn 20 năm tại bến xe miền Đông, TP.HCM giải thích giản đơn. Bằng tấm lòng ấy của mình, chỉ trong hai tháng mới đây vợ chồng ông Khanh đã giúp đưa hơn chục đứa trẻ về lại với cha mẹ bên mâm cơm gia đình.

Gần đây nhất, ngày 11-5, Nguyễn Thùy Dung, 16 tuổi, rời vùng quê nghèo Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đến thành phố tìm việc làm. Dung đến bến xe miền Đông khi trời đã nhá nhem tối. Thấy cô bé lơ ngơ như nai xuống phố, lại khăng khăng đi tìm việc làm, ông Khanh đành “dụ” đưa về nhà nghỉ, mai đi tìm việc. Ông Khanh cùng vợ đang ở nhờ nhà người em. Nhà chật nhưng tấm lòng thì rộng. Tối đó, bà Nguyệt lo cơm nước và cho Dung ngủ cùng mình. “Chẳng nỡ để cháu lang thang giữa thành phố trong đêm tối. Dung lại là đứa xinh gái, hiền lành, chẳng may rơi vào tay kẻ xấu thì...” - bà Nguyệt nói và rồ ga cho xe vọt tới, chở theo câu nói còn dở dang cùng người khách mới về quận Gò Vấp.

Người phụ nữ 20 năm dạn dày sương gió với những cuốc xe ôm khắp hang cùng ngõ hẻm thành phố ấy không ngờ lại rơi nước mắt khi chia tay “cô bé đi bụi”. Khi mẹ của Dung đến đón con để đưa về nhà người thân, bà Nguyệt đã ôm chặt lấy cô bé, mắt đỏ hoe, thì thào dặn dò điều gì đó rồi kéo ống tay áo bạc nắng chấm hai khóe mắt, giả lả nói: “Gió thổi, bụi quá!”.

Cũng “sao bỏ chúng được”, chị Nguyễn Thị Thu Hà khi vừa dắt chiếc xe máy ra một góc đường Lạc Long Quân (Tân Bình, TP.HCM) cho công việc chạy xe ôm kiếm thêm mỗi tối của mình đã không thể làm ngơ khi gặp gương mặt hốt hoảng của Hằng và Phương (ngụ ở Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) khi vừa bỏ chạy khỏi một cơ sở may. Sau khi lo chỗ ăn ngủ qua đêm cho Hằng và Phương ngay tại nhà mình, sáng chị Hà lại lăng xăng đi mua đồ ăn sáng, dúi ít bánh ngọt và bọc quần áo mới xin được của chị em quanh xóm cho hai bé gái rồi bịn rịn chia tay các em về với cha mẹ.

“Ở hiền thì sẽ gặp lành”, những phụ nữ như chị Hà, bà Nguyệt cười xòa khi nhận lời cảm ơn tha thiết từ cha mẹ các cô cậu bé được giúp đỡ. Còn những người đàn ông như ông Khanh, anh Kim Ngọc (bến xe miền Đông), Tấn Dũng (bến xe miền Tây), Tân Lợi (ngã tư Bình Phước)... thì khẳng khái: “Thấy chuyện sai phải sửa, thấy bất bình chẳng tha” khi được hỏi về hành động của mình.

Giữa đường thấy chuyện bất bằng...

Đó là bộc bạch của anh Bùi Kim Ngọc, chạy xe ôm tại bến xe miền Đông. Anh vừa xong một cuốc xe, về đến bến thì thấy sáu đứa trẻ (Hải - Nam - Minh - Quốc - Vũ - Tài, ngụ Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mặt tái xanh vì say xe, dắt díu nhau lơ ngơ ra cổng. Ngay lúc đó, hai thanh niên khoảng 30 tuổi, mặc quần soóc, chạy xe máy rà tới hỏi, mấy đứa trẻ gật đầu và đã chuẩn bị lên xe. “Tôi và một đồng nghiệp nữa thấy khả nghi bèn chạy qua kéo sáu đứa trẻ khỏi tay hai người đó, đưa vào bến xe cho ngồi ở điểm hẹn của đội xe ôm và gọi cho báo Tuổi Trẻ nhờ giúp đỡ” - anh Ngọc kể.

Hành nghề xe ôm tại bến xe miền Đông gần 12 năm, anh Bùi Kim Ngọc bảo mình có thể nhận rõ ai là “xe ôm đểu”, ai chạy xe ôm thiệt, ai lương thiện, ai không, và bây giờ còn có thể nhìn lướt qua là biết đứa trẻ nào đang hoang mang, hốt hoảng vì bỏ nhà. Thuê nhà tận Biên Hòa, Đồng Nai, hằng ngày anh Ngọc vượt qua 40km đến bến xe miền Đông đón khách, rong ruổi với những cuốc xe ôm kiếm tiền nuôi con. “Anh có sợ cánh “xe ôm đểu” xử đẹp không?”, chúng tôi hỏi và anh Ngọc trả lời ngay: “Không sợ. Sống phải có trách nhiệm, thấy chuyện bất bình sao làm ngơ được!”.

Ngay trong đội xe ôm thường xuyên của bến xe miền Đông, một người có hành vi chở một bé gái đi xin việc làm tại một quán cà phê không lành mạnh vừa bị ban giám đốc ký quyết định trục xuất khỏi bến. Ông Đinh Thế Hùng, chịu trách nhiệm bảo vệ tại bến đỗ bến xe miền Đông, khẳng định: “Các tài xế xe ôm của bến không được lôi kéo, dụ dỗ chở các em chưa đến tuổi lao động đi xin hoặc tìm việc làm. Nếu phát hiện xe ôm nào làm sai chúng tôi trục xuất ngay. Phải làm nghiêm. Nếu không nghiêm khắc, từ nhu cầu tuyển lao động, hám lợi của các cơ sở may thêu, kẻ xấu sẽ lợi dụng gây hại cho các em vị thành niên từ quê lên phố...”.

“Việc này được nhân lên rồi đó”, ông Thạch Ngọc Khanh cười nói vui mỗi lần chúng tôi đến đón, đưa các “chú dế mèn“ phiêu lưu về nhà. Quả vậy, từ ông Khanh, bà Nguyệt, chị Hà, thông tin về những câu chuyện đẹp này đã lan xa và nhân lên, giảm bớt nguy cơ rình rập những đứa trẻ lơ ngơ trong phút sai lầm bồng bột, đem lại nhiều cái thở phào nhẹ nhõm cho các bậc cha mẹ trong tột cùng lo lắng.

Cùng là người cha, ông Khanh tỏ ra kinh nghiệm sau những lần giúp trẻ đi bụi hồi gia: “Việc của chúng tôi làm chẳng qua chỉ có thể giúp giải quyết tức thời khi các em bỏ nhà ra đi. Quan trọng nhất là việc giáo dục, quản lý của cha mẹ, làm thế nào để giữ con cái họ ở trong gia đình. Gia đình có ấm cúng thì các cháu chẳng bao giờ muốn rời xa”. Nói rồi ông cảnh báo: “Mấy năm trước còn thưa thớt, năm nay tình trạng này xảy ra ngày càng nhiều, rộ lên mấy tháng gần đây. Cùng với người lớn, trẻ con giờ cũng muốn bỏ nhà lên thành phố tìm việc làm. Cha mẹ cần quan tâm hơn nữa đến các em, nhất là khi vào hè...”.

Lời người tài xế xe ôm nói như một nhà xã hội học. Khi những bài viết này lên khuôn, chúng tôi nhận được tin từ chị Mai và chị Thư ở thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi báo vừa vào tận Cần Thơ để đón hai cô con gái lớp 7 và lớp 8 của các chị đã mất tích hơn một tháng. Tin vui, nhưng ở đâu đó vẫn có những người làm cha mẹ đang bôn ba tìm con, và bước chân của các “chú dế mèn” vẫn chưa dừng lại...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Vượt thoát lũy tre làng Kỳ 2: Cái giá của phút “bất kham” Kỳ 3: Bẫy rập Kỳ 4: Thử thách lòng cha mẹ Kỳ 5: Che chở đời con

Trong nhịp sống đô thị, giữa những hối hả, rộn ràng, thỉnh thoảng lại có những “lỗ đen” nhận chìm trong đó nhiều nỗi đau, nhiều thân phận và trở thành nỗi day dứt khôn nguôi của xã hội. Những “động matxa” là một trong những “lỗ đen” đó. Phóng viên Tuổi Trẻ đã cùng sống với người trong cuộc.

PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên