26/06/2011 09:11 GMT+7

Ác mộng của "dế mèn" - Kỳ 2: Cái giá của phút "bất kham"

PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN
PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN

TT - Những bài học dần rơi vãi, bàn tay học trò dần chai sạn, những luật lệ nghiêm ngặt của các ông bà chủ... Qua trải nghiệm, các chú dế mèn nhận ra: làm người lớn không dễ.

Kỳ 1: Vượt thoát lũy tre làng

Wnf4hEtq.jpgPhóng to

Sau một tháng phiêu lưu, Trương Phụng Hiểu đã quay lại trường học với những trải nghiệm mới - Ảnh: Trường Đăng

Bàn tay học trò

Trương Phụng Hiểu, học sinh lớp 8A2 Trường THCS Hoài Phú (Hoài Nhơn, Bình Định), có vẻ ngoài thư sinh với dáng dong dỏng cao, khuôn mặt trắng trẻo, thông minh, nụ cười hiền lành. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, hai bàn tay Hiểu vặn vào nhau với những ngón dài và lòng bàn tay dày, phồng rộp lên khác thường ở một cậu bé vốn chỉ biết sách vở. “Ba mẹ đi làm cà phê ở Đắk Lắk, em ở nhà với bà nội. Bà thương, không cho em làm gì, chỉ thúc học - Hiểu lúng túng bẻ ngón tay kêu rôm rốp khi nghe hỏi chuyện - Tay em thế này là vì có thời gian đi bưng cơm, phụ bếp...”.

Nung nấu trong lòng những ước mơ được đi khỏi khu làng từ lúc nào Hiểu cũng không rõ, chỉ biết không thể giãi bày với bà nội. Học giỏi, những tấm giấy khen, phần thưởng, những nhận xét tốt của thầy cô giáo làm vui lòng bà, làm yên tâm cha mẹ ở xa nhưng chưa phải là tất cả với cậu bé 14 tuổi. Thỉnh thoảng, cậu theo bạn bè đạp xe ra huyện, vào một vài tiệm Internet làm quen với game. Hôm ấy, bạn rủ Hiểu bỏ một buổi học thêm để chơi nốt màn game dang dở. Hiểu gật đầu. Chiều về muộn, bà nội la rầy, Hiểu một mực bảo vệ bạn. Bà nói chỉ có bạn xấu mới rủ nhau bỏ học, Hiểu ương bướng nghĩ thầm trong đầu: “Một buổi học thêm không quan trọng, con tự quyết định chứ không phải nghe lời bạn tốt, bạn xấu nào”.

Trưa hôm sau, bà nội dọn cơm chờ mãi mà không thấy cháu về sau giờ tan học. Bà lên trường tìm, rồi làng xóm, bạn bè, các thầy cô của Hiểu tá hỏa tỏa ra tìm khắp đường thôn ngõ xóm. Ba mẹ Hiểu nghe tin, tức tốc từ Đắk Lắk đón xe về. Biệt vô âm tín. Hiểu đã bỏ nhà đi trong sự bàng hoàng của tất cả mọi người.

“Trưa ấy tan học, em buồn không muốn về nhà, không muốn đối diện với bà nội, sợ lại phải nghe bà la mắng. Em đạp xe ra quốc lộ và rẽ ra hướng Bắc, đạp mãi...”. Bụng đói, Hiểu ghé ngang đường bán cái điện thoại di động mà ba mẹ cho để liên lạc được hai trăm ngàn, ăn đĩa cơm rồi lại đạp tiếp. Tối đến, chân tay mỏi nhừ, mệt lả, Hiểu tấp xe vào một ngôi nhà bên đường, len lén bước lên hàng hiên và cứ thế ngả tấm áo học trò xuống sàn mà ngủ. Đêm đầu tiên trôi qua trong nhọc mệt, sợ hãi, cô đơn.

Sáng hôm sau thức dậy, nhìn quanh, Hiểu mới biết mình đã đạp xe gần hết địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Không thể quay về với thói quen đến lớp mỗi sáng nữa, Hiểu lại lầm lũi lên xe. Đạp mãi đến tận chiều tối, khi không còn sức lực, Hiểu ghé vào một quán cơm và nhìn thấy bảng tuyển người phục vụ. Hiểu lập tức đến xin với ông chủ quán và được chấp nhận. Sáng hôm sau, Hiểu đã trở thành nhân viên quán cơm ở tận Quảng Nam, cách xa nhà hơn 200km.

Phụ bếp, dọn bàn, bưng cơm, rửa chén... những công việc chưa bao giờ làm đột nhiên ập đến khiến đôi bàn tay học trò của Hiểu lóng ngóng, rời rã. “Đến ngày thứ hai thì em bắt đầu hối hận, muốn quay về với bà, với lớp học”, Hiểu bẻ ngón tay thú nhận. Nhưng cậu đã không đủ can đảm để quay về mà lại đủ bướng bỉnh cắn răng tiếp tục làm quen với công việc. Ngày này qua ngày kia, lòng bàn tay sần lên cũng là lúc những bài toán Hiểu từng say mê bắt đầu mờ phai trong trí nhớ. Đủ tỉnh táo để nhận ra điều đó, Hiểu tự hứa với lòng: “Sẽ cố làm đủ một tháng rồi về xin đi học lại. Có lương, bà sẽ biết mình đã khôn lớn, sẽ không la rầy, cấm cản nữa”.

Ngày thứ 28 thì cha mẹ tìm ra Hiểu.

Mẹ ơi, con đã hiểu

Gần một tháng tìm kiếm, công an huyện Hoài Nhơn, Bình Định và thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam mới tìm ra tung tích của Hiểu. Được đưa về nhà ngay trong đêm, Hiểu thấy mẹ khóc, bà khóc, ba thì lặng lẽ không nói một lời. Nhưng không cần lời nào nữa, Hiểu bảo em đã biết cha mẹ phải đi làm vất vả ra sao, đồng tiền mỗi tháng gửi về để em ăn học thấm đẫm mồ hôi như thế nào. Ngay hôm sau, Hiểu trở lại trường với lời hứa không bao giờ bỏ học nữa. Lời hứa ấy Hiểu hứa với lòng mình, với cha mẹ và bà nội, với cả những vết sần chai mới xuất hiện trên lòng bàn tay em.

Võ Trọng Khải trong câu chuyện trước thì có nhiều kinh nghiệm hơn Hiểu. Theo bạn đi làm một mùa hè, Khải đã biết cảm giác rời rã cánh tay vì cầm kéo cắt chỉ trong xưởng may ngày 12 tiếng, đã biết cảnh làm việc tù túng trong góc nhà chật hẹp với những đống vải chất cao như núi, đã biết cảnh phòng trọ thiếu thốn, nóng nực, ẩm thấp, đã biết khoản lương ít ỏi sẽ “bốc hơi” mau chóng sau khi thanh toán tiền nhà, tiền điện, tiền cơm tháng. Ấy thế mà Khải vẫn bỏ nhà đi sau kỳ thi học kỳ 1 của lớp 12. Khát vọng tự lập không chờ được đến ngày tốt nghiệp.

Nghe một người bạn thông tin là Khải đi làm ở Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), anh Võ Trọng Công, cha Khải, lập tức lên đường. Khải cũng được thông tin là cha vào tìm, liền nghĩ cách bỏ đi lần nữa. Linh tính của tình cha con xui khiến anh Công vừa xuống xe ở bến xe miền Đông đã bắt xe ôm đến ngay bến xe buýt Sóng Thần. Tới nơi, anh nhìn thấy Khải đang đứng đón xe: cậu định chạy sang Khu công nghiệp Tân Tạo để trốn cha. Gặp nhau, hai cha con cùng bủn rủn tay chân.

Thế mà Khải vẫn lắc đầu. Bao nhiêu lời khuyên nhủ, bao nhiêu cuộc điện thoại tới tấp gọi tới của mẹ, của ông bà nội, của cô dì chú bác, của các thầy cô cũng không lay chuyển được quyết tâm bỏ học đi làm của Khải. “Mấy giờ đồng hồ ngồi với con lần đầu tiên trong một quán nước ấy với tôi như tra tấn vì thấy mình bất lực”, anh Công kể, giọng vẫn chưa hết bàng hoàng. Chỉ khi những giọt nước mắt nhọc nhằn rơi trên khuôn mặt sạm đen, mệt mỏi, bơ phờ sau một tuần bôn ba tìm kiếm con qua gần ngàn cây số của cha, Khải mới chịu gật đầu, quay về.

“Có lẽ tôi có lỗi vì không hiểu được con”, anh Công bối rối tâm sự, lòng chưa nguôi lo lắng rằng sẽ lại một lần nữa trở dậy không thấy con trai trong nhà, hay không thấy bóng con đạp xe về sau giờ tan học. Nhưng Khải thì thổ lộ rằng em đã hiểu được cha, rằng cha chỉ mong em sẽ có một tương lai khá hơn những ngày làm công nhân khu công nghiệp. “Nhiều bạn em cũng muốn bỏ học, bỏ thi vì nghĩ mình học kém, em đã nói với bạn là hãy cố gắng. Nghỉ học bây giờ đi làm công nhân cực lắm. Không vào được đại học thì có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông vẫn sẽ khá hơn, có tương lai hơn, có thể học tiếp sau này”, Khải nói bằng sự trải nghiệm của chính mình.

“Khải sẽ không bỏ đi nữa đâu, cậu ấy đã lớn lên sau chuyến bỏ nhà ấy”, chúng tôi đoan chắc với anh Công như vậy. Trên bước đường phiêu lưu của những chú dế mèn táo bạo, bất kham, cha con anh và cả cậu bé Hiểu nữa đã là người may mắn. Có những chú dế mèn khác đã không được may mắn trở về nguyên lành với sự trải nghiệm như thế...

__________

Ngơ ngác pha lẫn lầm lũi, hoảng hốt chen với háo hức... là dấu hiệu mà những người làm nghề chạy xe ôm ở các bến xe nhận diện ra. Và rất nhiều cái bẫy đã giăng sẵn...

Kỳ tới: Bẫy rập

PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên