25/06/2011 06:40 GMT+7

Ác mộng của "dế mèn"

PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN
PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN

TT - Với nhiều yếu tố tác động của một xã hội đang phát triển, cộng vào cả một giấc mơ thực hiện chuyến “phiêu lưu”, thay đổi môi trường sống, đã khiến nhiều bạn trẻ mới chập chững vào đời rơi ngay vào những cạm bẫy xã hội.

Lời cảnh báo từ những câu chuyện có thật vừa xảy ra...

Đầu tháng 4, bốn học sinh ở Bình Định mất tích trước đó được tìm thấy sau khi bỏ trốn khỏi một rẫy cà phê ở Gia Lai. Giữa tháng 4, ba học sinh lớp 9 ở Phú Yên mất tích sáu tháng được tìm thấy ở một cơ sở may tại TP.HCM.

VAoo920u.jpgPhóng to
Tuổi 18, Khải nuôi những giấc mơ vượt thoát khỏi cánh đồng, lũy tre quê mình - Ảnh: Trường Đăng

Cuối tháng 4, sáu em học sinh lớp 6 ở Bà Rịa - Vũng Tàu tự động bỏ học đi tìm việc làm, được đưa về từ bến xe miền Đông TP.HCM. Cuối tháng 5, ba học sinh mất tích của Khánh Hòa được giải cứu ở một bãi đào thiếc tại Lâm Đồng... Những tin tức liên tục dội về báo hiệu một sự kiện, một hiện tượng nguy hiểm.

Bí mật của Khải

Chúng tôi gặp Võ Trọng Khải, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Quang Diệu (Hoài Ân, Bình Định), sau buổi ôn thi tại trường. Khải vừa trở lại lớp học sau một tuần lễ bỏ nhà, bỏ trường, được cha tìm thấy ở tận Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương. Vẻ mặt lầm lì, ít nói nhưng Khải lại không hề né tránh và còn khá cởi mở khi nghe hỏi về lý do bỏ học.

“Em muốn được tự lập”, Khải bắt đầu ngắn gọn, mắt nhìn mông lung ra cánh đồng trải dài ngay trước nhà. Nổi rõ phía bên kia những sóng lúa chính là ngôi trường cấp III mà em đang theo học.

Ước mơ đi xa khỏi cánh đồng trước mặt, bóng núi sau nhà đã nhen lên trong lòng Khải từ lâu lắm. Thế giới ngoài kia là gì? Những chiếc máy tính ở các tiệm net gần bên trường học đã mở ra bao nhiêu điều kỳ diệu trước sự háo hức của Khải, nhưng chiếc xe đạp, những con đường đất và sự kiểm soát của cha mẹ khiến cậu chỉ có thể đi đến thị trấn Tăng Bạt Hổ cách đó 5km.

“Là nơi xa nhất mà một đứa con trai 18 tuổi tự đi đến?!”, Khải đặt một câu hỏi đóng trong sự ấm ức, mắt đăm đăm nhìn xuyên qua những bông lúa. Là con trai út, chất chứa bao nhiêu yêu thương của gia đình, nhiệm vụ của Khải chỉ là học. Khải học khá, từ cấp I, cấp II rồi cấp III, những ngôi trường cũng chỉ loanh quanh cách nhà một cánh đồng.

Từ nhỏ đến lớn, Khải đếm được hai lần ba cho xuống Quy Nhơn chơi trong dịp hè. Có nhiều bạn của Khải đã thôi học, đã “lên Sài Gòn” làm công nhân trong nhiều thời điểm, nhiều lý do khác nhau. Tết, bạn về quê, rủng rỉnh tiền bạc, điện thoại, áo quần model, tóc nhuộm đỏ vàng, nói giọng Sài Gòn, kể những câu chuyện lạ tai, hấp dẫn về thành phố phồn hoa.

“Nhìn lại mình vẫn chỉ có sách vở và vài ngàn đồng mẹ cho làm gia tài, em thấy sốt ruột nên...”, đã qua trải nghiệm, hôm nay Khải bình thản lý giải rõ ràng về quyết định của mình.

Quyết định ấy cũng không phải dễ dàng bởi Khải vốn ham học. Hè lớp 11, Khải xin phép gia đình cho lên TP.HCM theo bạn một tháng. Suy đi nghĩ lại, sợ không thể giữ chân con, cha mẹ Khải bằng lòng. Tuần đầu tiên, bạn dẫn Khải đi chơi khắp nơi khiến Khải thấy rõ “so với quê lúa của mình là một trời một vực”.

Tuần thứ hai, bạn dẫn Khải đi làm. Ngày 10 tiếng trong xưởng may, tối về căn phòng trọ chật hẹp, Khải hiểu không như quê lúa, không có tiền không thể sống được ở thành phố. Chưa hết thời hạn một tháng, Khải đã quay về nhà trong sự vui mừng của cha mẹ.

Nhưng không phải những bức bối đã dịu. Khải kể tiếp về những buổi chiều tan học, đám bạn rủ nhau đi chơi, đạp xe ngả nào cũng là ruộng lúa, ra tận thị trấn cũng chỉ có hai quán cà phê với vài bộ bàn ghế, vài món nước đóng chai lèo tèo.

“Tụi em không có tiền, chứ nếu có tiền cũng chẳng có gì mà mua, mà chọn”, Khải nói với giọng điệu của người đã từng được lướt qua nơi đầy ắp hàng quán và sự lựa chọn như TP.HCM. Khải kể về những tối ngồi làm bài trong căn phòng nhỏ, nhìn ra cánh đồng đen mịt mùng trước mặt mà nhớ về những ánh đèn màu đầy hấp dẫn đã được nhìn thấy.

Khi đó, nhìn xuống bài toán hóc búa trước mặt, Khải đã nghĩ: nếu không vào được đại học thì mình cũng chỉ đi làm công nhân như mấy đứa bạn đã bỏ học thôi.

Vào một đêm như thế, Khải đã trốn khỏi nhà sau khi để lại cho cha mẹ một bức thư xin lỗi.

“Con muốn làm người lớn”

Không có nhiều kinh nghiệm và suy nghĩ như Khải, những cậu bé mà chúng tôi đã gặp, đã đưa được về nhà từ những cơ sở bóc lột sức lao động trẻ em hay từ cạm bẫy của những người xe ôm là môi giới cho những cơ sở đó, hồn nhiên giải thích: “Con muốn làm người lớn”.

Người lớn trong mắt của Hải - Nam - Minh - Quốc - Vũ - Tài, sáu cậu bé học sinh lớp 6 Trường THCS Chu Văn An, Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, là những người có tiền. Có tiền, có việc làm để nuôi con nên có quyền với con. Đi chơi game, cha cấm. Đi học về trễ, mẹ la. Muốn đi chơi với chúng bạn, mẹ không cho phép và cách ngăn cản hiệu quả nhất của mẹ là không cho tiền. Những cậu bé muốn được tự do và cách hay nhất các cậu đã nghĩ ra: đi tìm việc làm. Khi đó sẽ có tiền, khi đó sẽ được tự do làm điều mình thích. Trẻ thơ nghĩ sao là làm vậy, sáu cậu bé lớp 6 loắt choắt đã nhân kỳ nghỉ lễ, mỗi đứa một bộ quần áo dồn vào hai balô, vài chục ngàn tiết kiệm tiền ăn sáng, đón xe lên TP.HCM với quyết tâm tìm việc.

Được cấp báo kịp thời, chúng tôi đã đưa cả sáu em về tòa soạn báo Tuổi Trẻ ngay khi những chiếc mũ bảo hiểm của người xe ôm làm môi giới lao động đã chụp lên đầu. Đói lả và say xe sau chặng hành trình dài đầu tiên trong đời, sau bữa cơm, ly nước, sự hồn nhiên quay lại xua đi những e ngại, cả sáu đã nhất định nài nỉ: “Xin cho con việc làm. Ở nhà con biết quét nhà, lau nhà, rửa chén”.

PEXkJyMU.jpgPhóng to
Tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, sau một ngày “phiêu lưu”, khi được cho một nắm kẹo, phút hồn nhiên tuổi thơ của các em nhanh chóng quay về - Ảnh: Thuận Thắng

Hỏi tại sao muốn đi làm, đáp: “Để có tiền”. Có tiền thì sẽ làm gì? Đáp: “Muốn làm gì thì làm”. Đơn giản như vậy thôi. Khi đưa ra một nắm kẹo, cả sáu em cười tươi rói, xúm vào tranh nhau như tất cả mọi đứa trẻ khác, nhưng trong ngăn ngoài balô của các em, chúng tôi tìm thấy một bao thuốc lá đã bóc chỉ còn vài điếu. Khi được báo tin và mời lên nhận con, những bậc cha mẹ của các em đang bơ phờ sau một ngày nháo nhào tìm con khắp huyện Xuyên Mộc từ rừng đến biển đã bàng hoàng thốt lên: “Không ngờ nay nó đã bắt đầu thành người lớn”.

Câu chuyện về những khát khao của Khải, những giấc mơ của mấy cậu bé khiến chúng tôi nhớ đến hai chị em An và Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Những đứa trẻ đang lớn thời nào cũng thế. Nhưng khác với thời của Thạch Lam, những An, những Liên hôm nay không còn cam chịu nhốt giấc mơ của mình một cách lặng lẽ trong suy nghĩ.

Các em đã táo bạo hơn nhiều để thể hiện ra bằng hành động, như anh chàng Dế Mèn của Tô Hoài. Và những cạm bẫy, những bài học phải trả giá thì giăng mắc khắp nơi chờ những chú dế mèn cất bước phiêu lưu...

___________________

Bỏ một buổi học thêm vì mê một ván game dang dở, bị bà rầy, Hiểu đã lặng lẽ đạp xe rời khỏi ngôi nhà mình. Sau một đêm ngủ bụi, cậu trở thành nhân viên một quán cơm với nỗi hối hận tràn đầy...

Kỳ tới: Cái giá của phút “bất kham”

PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên