28/06/2011 09:17 GMT+7

Ác mộng của "dế mèn" - Kỳ 4: Thử thách lòng cha mẹ

PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN
PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN

TT - Đến hôm nay chị Nguyễn Thị Thấu, mẹ của Nam, vẫn còn chưa hết hãi hùng về 4 tháng 21 ngày Nam không có mặt ở nhà. “Những ngày ấy tôi chỉ có nước mắt”, chị rơm rớm kể. Cầm chén cơm lên nghĩ không biết bữa nay con ăn gì. Chén cơm buông xuống. Tối sập xuống nghĩ đêm nay con ngủ đâu. Mắt không nhắm được.

yHH3bgNe.jpgPhóng to
Nam đen đúa và hốc hác sau những tháng ngày quần quật giữa rẫy, trở về trong vòng tay gia đình, làng xóm - Ảnh: Trường Đăng

Héo mòn đời mẹ

Đất miền Trung nắng gắt như thiêu, mưa đổ như thác bao năm thân quen nay lại buốt lòng tưởng tượng con đang lang thang đâu đó giữa đất trời vần vũ. Rồi chị suy nghĩ lại từng lời nói, từng cử chỉ với con, có làm gì cho nó buồn giận bỏ đi, có khi nào than mệt mỏi, cực khổ khiến nó phải lo lắng mà nảy ra ý nghĩ bỏ học...

Nhà chị Thấu có 2 sào ruộng và hai con trâu cày thuê. Quanh năm chị và chồng luật quật với cái cày, cái cuốc, chưa bao giờ đi đâu xa khỏi xóm làng. “Có lẽ vì vậy mà chúng tôi không hiểu được lòng con” - chị Thấu day dứt. Hai đứa con trai, đứa học lớp 9, đứa lớp 12, là tất cả hi vọng của gia đình. Chị Thấu tự hào kể về hai con trai cứ đi học về là phụ giúp cha mẹ việc đồng áng: “Chúng ngoan lắm, mỗi lần thu hoạch tôi cho mỗi đứa 20.000 đồng nhưng chúng cũng không biết tiêu tiền, vài ngày sau lại trả cho mẹ”.

Vậy mà đùng một cái, Nam mất tích.

Ngôi làng ven sông Lại vốn yên tĩnh bỗng nhốn nhao. Một ngày. Hai ngày. Rồi ba ngày. Xóm giềng, bà con gần xa kéo đến cùng đi tìm. Người mẹ cứ mê mê tỉnh tỉnh. Báo chính quyền, báo công an, dò hỏi những mối quan hệ của gia đình, của riêng Nam. Rồi đi chùa, cúng giải hạn, bói toán. “Ai chỉ gì tôi làm nấy, chỗ nào tôi cũng đi” - chị Thấu rùng mình kể. Một tháng. Hai tháng. Rồi ba tháng... Hi vọng về đứa con còn sống quay trở về cạn kiệt dần, cơ thể người mẹ cũng gầy mòn theo từng ngày trông ngóng.

Đồng cảnh như chị Thấu là chị Kim Vương - mẹ của Trần Minh Hoàng, chị Ngô Thị Chín - mẹ của Hợp, hai học sinh lớp 9 ở Tây Hòa, Phú Yên đi biệt hơn sáu tháng trời; là mẹ của Khải, của Hiểu, của Quyên, cô gái cũng bỏ nhà đi hơn một tháng mới về. Bao nhiêu câu chuyện hãi hùng mà lòng người mẹ nghĩ ra trong thời gian ấy.

“Có lẽ đến khi nào có con thì chúng mới hiểu được lòng cha mẹ” - chị Thủy (Hoài Ân, Bình Định), ngồi bên cạnh cô con gái Xuân Trang xinh xắn của mình, nói giọng ấm ức. Trang là con gái đầu, cũng là tất cả ước vọng của mẹ khi em gái Trang bị nhiễm chất độc da cam, chịu số phận tàn tật.

Trang học lớp 10 ngoài thị trấn cách nhà 12km đường ruộng men theo dãy núi ngoằn ngoèo, chiều nào mẹ cũng đi bộ hơn 5km ra tận đường cái đón con gái cho yên tâm. Ấy vậy mà có một ngày Trang không về. Lòng mẹ như cào, như xé, tâm thần như điên như dại cho đến khi nhận được điện thoại của con báo đã vào nhà dì ruột, xin đi làm ở tận TP.HCM. Một tháng sau, cực quá và nhớ mẹ, nhớ em quá, Trang đón xe về nhà. Bây giờ thì ba mẹ con không rời nhau một bước, thậm chí chị Thủy nhất định không cho con gái tiếp tục đi học nữa vì sợ thêm một lần nữa con không về.

Cha làm thám tử

Những ông bố thì tỉnh táo hơn.

Trong số các ông bố mà chúng tôi gặp, có lẽ anh Võ Trọng Công, cha của Khải, là may mắn nhất khi chỉ mất một tuần nghỉ việc không lương, bôn ba khắp chốn đã tìm được con. Những ông bố khác thì rùng mình khi nhắc lại quãng thời gian khủng khiếp nhất đời ấy.

Anh Nguyễn Đình Điệu, cha của Nam, lần đầu tiên ra khỏi xóm làng mình, bỡ ngỡ đến Sài Gòn, lên Tây nguyên, những nơi mà anh nghe nói “ào ạt tuyển lao động”. “Đến những nơi đó, tôi cứ ngồi chung với mấy ông xe ôm dò hỏi, chờ đợi... Mò kim đáy biển, không biết làm thế nào nhưng còn đi là còn hi vọng” - anh tâm sự.

Đến một ngày có thông tin Nam làm ở Chư Păh (Gia Lai) anh mừng quýnh, vội lao xe máy mấy trăm cây số lên ngay, lần tìm rồi cũng đến được đúng khu rẫy ấy. Vào nhà, bà chủ rẫy xem ảnh, trả lời Nam có đến đây làm nhưng đã bỏ đi lâu rồi. Tin lời anh thất thểu quay về, không ngờ Nam đang bị nhốt ở phòng trong, hai người lớn đứng canh cửa. “Nhưng hôm ấy tôi vẫn nghe vui vì chắc con mình còn sống”, hôm nay nhắc lại cái ngày ấy, vẻ mặt anh Điệu vẫn còn hốt hoảng.

Bốn tháng, những đám ruộng bỏ bê, cây trái quanh nhà khô héo, tết đến rồi đi không một tiếng cười thì hai vợ chồng nhận được tin con. “Như là chết đi sống lại” - chị Thấu nói. Lại một lần nữa anh Điệu phóng xe lên Gia Lai trong đêm. Lần này thì anh gặp được con.

Trong chuyến phiêu lưu hơn sáu tháng của ba cậu bé lớp 9 Phạm Trường Hận, Trần Minh Hoàng, Phan Tấn Hợp ở xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, Phú Yên từ một ngày chán học, ba ông bố Phạm Văn Phước, Trần Minh Tùng, Phan Hưng đã thật sự có kinh nghiệm làm thám tử. Cả ba chia nhau đi khắp chốn: các khu công nghiệp ở TP.HCM, Biên Hòa, các nông trường cao su, cà phê Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, cả các bãi đào đãi vàng ở Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam...

“Là tài xế xe tải mấy chục năm, tưởng đã quen với việc bôn ba vậy mà thời gian đó tôi luôn trong trạng thái kiệt sức. Vừa lang thang tìm con, vừa lái xe cầm chừng để giữ việc làm và có kinh phí, ngồi đâu nghỉ một chút cũng không yên vì sợ sẽ vuột mất cơ hội thấy con ở đâu đó. Nản lòng nhất là khi không thấy tăm tích con đâu, nhưng trên đường dò tìm lại gặp nhiều ông bố khác cũng đang tìm con của họ” - anh Tùng rùng mình kể.

Rồi cơ hội đến vào ngay đêm giao thừa, điện thoại của anh nhận được tin nhắn từ một số lạ: “Chúc ba mẹ năm mới vui vẻ, an khang thịnh vượng”. Đúng Hoàng rồi. Niềm hi vọng bùng lên, nhưng sau đó số điện thoại lại không liên lạc được. Những ngày sau đó anh Tùng lại không dám gọi. Suy luận như một nhà điều tra chuyên nghiệp, anh Tùng nghĩ chắc đây là số của người đang cùng ở với Hoàng, nếu gọi lại Hoàng sẽ gặp nguy hiểm hay bị chuyển đi nơi khác.

Nhưng rồi vẫn có cách. Từ số điện thoại ấy, anh đã mất nhiều thời gian để xác định được một căn nhà luôn đóng kín cổng ở quận Bình Tân, TP.HCM. Lại như một cảnh sát điều tra chuyên nghiệp, anh nhờ người em vợ đến thuê một căn phòng trên gác ở khách sạn đối diện, đứng mãi sau tấm rèm cửa sổ ngóng sang bên kia. Theo dõi đến ngày thứ tư thì người cậu thấy bóng Hoàng thoáng qua hành lang.

“Đã xác định đúng con mình ở đó nhưng chứng cứ chưa có nên tụi tôi chưa dám báo công an. Và cũng không thể chờ đợi thêm một ngày nào nữa, tôi đã tìm đến báo Tuổi Trẻ. May quá là chọn đúng đường” - anh Tùng cười tâm đắc trên gương mặt chưa hết mệt mỏi.

Hoàng, Hận, Hợp đã được giải cứu khỏi cơ sở may mặc đang ngày đêm vắt kiệt sức các em, bằng chính nỗ lực không mệt mỏi của cha mẹ mình. Ngày về nhiều nước mắt, nhiều tiếng cười, nhưng cơn ác mộng kéo dài hơn sáu tháng cũng không dễ trôi qua.

----------------------------------------------------------

Sau biến cố, tái hợp bao giờ cũng là mừng vui. Nhưng vẫn có những đổ vỡ, những đứt gãy phải làm lại, phải nối lại, phải xây lại...

Kỳ tới: Che chở đời con

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Vượt thoát lũy tre làngKỳ 2: Cái giá của phút “bất kham” Kỳ 3: Bẫy rập

PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên