03/03/2022 15:40 GMT+7

Abramovich đã thay đổi làng bóng đá thế nào?

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Trong sử sách bóng đá, cái tên Abramovich chiếm một vị trí đặc biệt. Ông đặt ra cột mốc cho sự lạm phát về chuyển nhượng, lương bổng của cầu thủ, và mở đầu cho trào lưu đầu tư ồ ạt vào bóng đá của các tỉ phú.

Abramovich đã thay đổi làng bóng đá thế nào? - Ảnh 1.

Abramovich là ông chủ thành công nhất ở Premier League trong 2 thập niên qua - Ảnh: REUTERS

Trong 19 năm làm chủ CLB Chelsea, Abramovich đã vung tiền mua về cả trăm ngôi sao. Nhưng để hình dung rõ nét về những tác động mạnh mẽ của tỉ phú người Nga, chúng ta chỉ cần nhìn vào hai thương vụ mang tên Shaun Wright-Phillips và John Obi Mikel.

Mua chỉ để ngăn cản đối thủ

Trước khi vươn mình thành ngôi sao, Wright-Phillips nổi tiếng với tư cách là con nuôi của cựu danh thủ Ian Wright - người gắn bó một nửa sự nghiệp với Arsenal.

Vì vậy, khi Wright-Phillips bắt đầu tỏa sáng trong màu áo Man City (lúc đó chưa phải là một CLB giàu có), anh lập tức được Arsenal theo đuổi, theo lời giới thiệu của người cha nuôi nổi tiếng. Arsenal đã liên hệ với Wright-Phillips một thời gian dài, và gần như chốt được mức giá khoảng 20 triệu euro.

Nhưng đến tận phút cuối, HLV Arsene Wenger vẫn thận trọng phát biểu: "Chúng ta phải chờ cho đến khi Chelsea ra quyết định". Và rồi Chelsea nhảy vào thật, với lời đề nghị hơn gấp rưỡi (31,5 triệu euro). Tương lai của Wright-Phillips thay đổi hoàn toàn vào phút chót.

Ở thời điểm đó, Chelsea đã có những cầu thủ chạy cánh lừng danh như Arjen Robben, Damien Duff hay Joe Cole. Việc họ giật Wright-Phillips từ tay Arsenal hầu như chỉ nhằm triệt tiêu sức mạnh của đối thủ.

Chuyện lạ lùng của Mikel

Đến mùa hè năm 2006, trường hợp tương tự lặp lại với John Obi Mikel và nạn nhân lần này là M.U. "Quỷ đỏ" theo đuổi Obi Mikel (CLB Lyn) từ khi anh chưa được 18 tuổi, tạo ra một hậu trường chuyển nhượng khá phức tạp.

Abramovich đã thay đổi làng bóng đá thế nào? - Ảnh 2.

Câu chuyện lạ lùng của Mikel khi anh từng mặc áo ra mắt M.U rồi lại sang Chelsea - Ảnh: DAILY MAIL

Năm 2005, M.U thậm chí đã công bố chốt thành công thương vụ này, còn Obi Mikel… đã mặc áo đấu "Quỷ đỏ" ra mắt. Truyền thông cho biết M.U chỉ tốn 6 triệu euro cho thương vụ này. Nhưng ngay sau đó, Chelsea can thiệp và những rắc rối pháp lý nổ ra. Một năm sau, Chelsea trả cho M.U 15 triệu euro, Lyn 6 triệu euro để mang Obi Mikel về Stamford Bridge.

Chelsea có thực sự cần Obi Mikel?

Thật khó để nhận định về điều đó. Tiền vệ người Nigeria chơi cho Chelsea đến 11 mùa giải, ra sân 372 trận, nhưng phần lớn là từ băng ghế dự bị. Các đời HLV Chelsea thường sử dụng anh như một tiền vệ trung tâm vì thể hình cao to của Mikel, trong khi anh sở trường ở vị trí tiền vệ tấn công.

Và khi Chelsea mang Obi Mikel về, họ cũng đã có Lampard, Makelele, Essien và Ballack - những tiền vệ trung tâm giỏi bậc nhất thế giới thời điểm đó.

Cả Wright-Phillips cũng vậy. Chỉ 3 năm sau khi đến Stamford Bridge, anh khăn gói trở lại Etihad với mức giá chỉ bằng 1/3. Tiền vệ nhỏ con người Anh là một trong những "bom xịt" trong lịch sử Chelsea.

Nhưng Chelsea có hối tiếc vì đã ký hợp đồng với họ? Có lẽ không. Vì họ đã làm được điều họ muốn: phá rối Arsenal và M.U.

Tác động tiêu cực hay tích cực?

19 năm sau khi Abramovich xuất hiện, làng bóng đá châu Âu đã thay đổi đến chóng mặt. Hầu hết các đội bóng lớn của Premier League giờ đây được sở hữu bởi những tỉ phú người nước ngoài (15/20 CLB Premier League mùa này). Trong số đó, ngoài Chelsea còn có Man City và Newcastle cũng là những đội bóng "đổi đời sau một đêm".

Khi Abramovich chưa đến, cuộc đua vô địch Premier League nằm trong phạm vi của M.U, Arsenal và Liverpool. Tỉ phú người Nga đã tạo ra khái niệm "big 4", rồi từ đó tăng lên "big 6" khi Man City cũng trở nên giàu có.

Abramovich đã thay đổi làng bóng đá thế nào? - Ảnh 3.

Sự xuất hiện của Abramovich ảnh hưởng tích cực đến bóng đá? - Ảnh: REUTERS

Abramovich khiến làng bóng đá đỉnh cao rối loạn một thời gian, nhưng những tác động của ông lại không hẳn tiêu cực. Việc các đội bóng lớn như Liverpool hay Arsenal nhanh chóng đổi chủ giúp họ không bị tụt hậu quá nhiều so với Chelsea và Man City.

Đặc biệt, Liverpool là ví dụ cho thấy "tiền không phải là tất cả". Chủ tịch John Henry của Liverpool không đầu tư ồ ạt như Abramovich, nhưng vẫn giúp Liverpool giành cả Premier League lẫn Champions League trong vòng 10 năm kể từ khi ông sở hữu đội bóng.

Sự ra đời và thay đổi liên tục của Luật công bằng tài chính cũng giúp kìm hãm phần nào những đội bóng quá giàu có như Chelsea. Sự xuất hiện của Abramovich tạo ra một cú hích lớn, là động cơ để nhiều tỉ phú đầu tư vào bóng đá. Và kết quả hiện tại cho thấy, Premier League đang là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.

Abramovich đã thay đổi làng bóng đá thế nào? - Ảnh 4.

Abramovich và bộ sưu tập các danh hiệu lớn cùng Chelsea - Ảnh: TWITTER

Khi Abramovich thông báo quyết định bán Chelsea, toàn thể cộng đồng fan Chelsea đều thổn thức. Tỉ phú người Nga còn tuyên bố xóa khoản nợ khoảng 1,8 tỉ USD mà ông đầu tư cho Chelsea trong 19 năm qua.

Điều đó giúp người hâm mộ "the Blues" không phải lo lắng về tương lai của đội bóng. Ít nhất trong thời gian tới, họ vẫn là một CLB có nguồn lực tài chính hùng hậu và nền tảng vững chắc.

Quá khứ 19 năm đầy vinh quang, hiện tại và cả tương lai của Chelsea đều do Abramovich tạo ra, bằng tình yêu bóng đá của tỉ phú người Nga. Đó là điều không thể phủ nhận. Nếu thực sự gạt bỏ được các yếu tố chính trị khỏi bóng đá, có lẽ không chỉ mỗi mình Chelsea cần ngỏ lời cảm ơn đến Abramovich!

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên