06/11/2013 10:02 GMT+7

9g sáng nay, đã di dời hơn 1.600 dân ở Cần Giờ

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Tính đến 9g sáng 6-11, đã có hơn 1.600 dân tại huyện Cần Giờ, TP.HCM được di dời về thị trấn Cần Thạnh. Những người di dời được tập kết về ba điểm là Nhà thiếu nhi huyện, Trung tâm Văn hóa huyện và Liên đoàn lao động huyện.

TP.HCM di dời 2.000 dân tránh bãoTiền Giang: Hơn 10.000 dân di dời tránh bão số 13

oLsFiCJ6.jpgPhóng to
Đến thời điểm này, chỉ còn phà Bình Khánh được phép chở hành khách xuất bến - Ảnh: N.Ẩn

Ngoài ra, huyện đã phát lệnh cấm tàu thuyền đánh bắt cũng như cấm các tàu, đò chở hành khách xuất bến, trừ phà Bình Khánh.

Theo kế hoạch dự kiến, sẽ có gần 4.000 người được di dời trong hôm nay, trong đó có hơn 1.600 người ở xã đảo Thạnh An, số còn lại ở các xã khác và thị trấn Cần Thạnh.

Ông Lê Văn Thơm - phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết công tác di dời tại xã đảo Thạnh An đã cơ bản hoàn tất, các nơi còn lại vẫn đang tiếp tục công tác di dời.

Cũng theo ông Thơm, kế hoạch di dời dân diễn ra sớm hơn so với dự kiến, lý do 7-8g sáng là thời điểm nước cạn, chảy xiết nên việc cho tàu thuyền cập bến để di dời khó khăn, do đó Ban phòng chống lụt bão huyện đã quyết định cho di dời từ 4g sáng. Tổng cộng có 27 chuyến tàu đưa người dân về khu vực an toàn.

Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, đến thời điểm này, thời tiết tại Cần Giờ nắng ráo, chưa có giông gió.

Ông Trần Thế Kỷ - phó giám đốc Sở GT-VT TP.HCM, cho biết cũng đã cấm các đò dọc đò ngang trên địa bàn TP xuất bến kể từ 9g sáng nay.

Phát biểu tại cuộc họp triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh thành bão diễn ra sáng 6-11 tại Cần Giờ, ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND TP, yêu cầu các đơn vị theo dõi sát bản tin dự báo về diễn biến ATNĐ.

Theo ông Liêm, mặc dù chưa thành bão nhưng ATNĐ được nhận định có nhiều diễn biến khó lường, do đó các đơn vị không được chủ quan.

Ông cũng yêu cầu các đơn vị ở Cần Giờ hạn chế người dân đi ra đường vào chiều tối nay - thời điểm ATNĐ được dự báo vào đất liền, để tránh những thiệt hại do giông gió, cây đổ… có thể xảy ra; đồng thời yêu cầu tổ chức chăm lo tốt chỗ ở, thức ăn, nước uống cho người dân di dời.

riTob2VK.jpg
Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tránh ATNĐ tại bến đò Long Hòa, Cần Giờ - Ảnh: Quang Khải
CUtNR2Ru.jpg
wTNOVcKL.jpg
Người dân Cần Giờ di dời tránh ATNĐ được bố trí ở tạm tại Nhà thiếu nhi huyện - Ảnh: Quang Khải
0zGSWe9y.jpg
Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm thăm hỏi người dân di dời tránh ATNĐ ở Cần Giờ - Ảnh: Quang Khải

Lúc 7g sáng nay 6-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 290km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km và có khả năng mạnh lên thành bão.

EjVfiNEF.jpg
Sơ đồ dự báo hướng đi áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Đến 19g ngày 6-11, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên ở các tỉnh Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Lượng mưa tính đến 7g sáng nay 6-11 phổ biến khoảng 30-80mm, một số nơi có lượng lớn hơn 100mm như Tuyên Hóa (Quảng Bình) 152mm, A Lưới (Huế) 123mm, Nam Đông (Huế) 182mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 122mm.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam mỗi giờ đi được khoảng 25-30km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.

Từ chiều nay 6-11, vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh Nam Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7.

Từ đêm nay, vùng biển Cà Mau Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5-4m.

Ngoài ra, lúc 7g sáng 7-11, bão Haiyan có vị trí ở vào khoảng 7,3 độ Vĩ Bắc; 139,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 25km/giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Như vậy, khoảng đêm 8-11, cơn bão này có khả năng đi vào biển Đông.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên