12/03/2013 16:01 GMT+7

99,8% cư dân quần đảo Falklands chọn thuộc về Anh

ĐỨC TOÀN
ĐỨC TOÀN

TTO - Kết thúc hai ngày trưng cầu ý dân, đến 99,8% dân trên quần đảo Falklands (mà Argentina gọi là Malvinas) ủng hộ tiếp tục là lãnh thổ hải ngoại của nước Anh.

AsRcC0lC.jpgPhóng to
Người dân quần đảo Falklands vui mừng khi nghe thông báo kết quả trưng cầu ý dân - Ảnh: Reuters
Theo BBC, lượng người dân đi bỏ phiếu trưng cầu rất cao, gần 90% dân số quần đảo. Trong số 1.517 phiếu thì đến 1.513 phiếu ủng hộ danh nghĩa chính trị của quần đảo Falklands thuộc về nước Anh.

Argentina tuyên bố chủ quyền với quần đảo Falklands/Malvinas từ năm 1883. Cùng năm, quân đội Anh chiếm đóng quần đảo này. Đến năm 1982, Argentina tấn công quân đồn trú của Anh nhưng chỉ quản lý được quần đảo này trong hơn 70 ngày rồi bị đánh bại. Căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Argentina gia tăng sau khi Anh cho phép thăm dò dầu mỏ tại vùng biển quanh quần đảo này.

"Đây chính là thông điệp mạnh mẽ nhất của chúng ta với thế giới, rằng chúng ta muốn duy trì vị thế hiện tại và chúng ta có quyền quyết định tương lai của mình" - Reuters dẫn lời ông Roger Edwards, một trong tám thành viên hội đồng quần đảo Falklands.

Thủ tướng Anh David Cameron và Ngoại trưởng William Hague hoan nghênh kết quả trưng cầu, đồng thời thúc giục "tất cả các quốc gia" chấp nhận và tôn trọng ý nguyện của người dân trên đảo.

Trước khi cuộc trưng cầu diễn ra, Tổng thống Argentina Cristina Fernandez đã khẳng định ý kiến của người dân trên quần đảo Falklands không liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Phần lớn người dân Argentina xem quần đảo Falklands/Malvinas thuộc về Argentina và việc thu hồi lãnh thổ của mình đã được ghi nhận trong hiến pháp quốc gia. Nhiều quốc gia Mỹ Latin và một số nước phát triển ủng hộ Argentina trong vấn đề này. Nước Mỹ giữ vai trò trung lập. Tổng thống Fernandez nhiều lần đề nghị Anh cùng đàm phán về vấn đề chủ quyền của quần đảo Falklands, nhưng nước Anh luôn từ chối với lý do các cuộc hội đàm phải do chính người dân trên đảo đề xuất.

Đại sứ Argentina tại London, bà Alicia Castro, ngày 12-3 chất vấn về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu ý dân.

"Cuộc trưng cầu này không có giá trị pháp lý. Đàm phán là cách tốt nhất vì lợi ích của người dân trên đảo. Chúng muốn chối bỏ thân phận của họ. Họ là người Anh và chúng tôi tôn trọng cuộc sống của họ. Tuy nhiên vùng lãnh thổ mà dân đảo đang sinh sống không phải của nước Anh" - bà Alicia Castro phát biểu với Đài phát thanh La Red (tại Buenos Aires).

Theo AFP, nhiều nước gồm Canada, Chile, Mexico, New Zealand, Paraguay, Uruguay và Mỹ đã cử quan sát viên đến giám sát cuộc trưng cầu ý dân. Họ tuyên bố cuộc bỏ phiếu diễn ra "tự do và công bằng".

ĐỨC TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên