Họa sĩ Đào Hải Phong đặc biệt thích thú với các bức biếm họa của họa sĩ Chóe - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Không ngạc nhiên khi triển lãm thu hút khá đông người xem, bởi nói như họa sĩ - kiến trúc sư Lý Trực Dũng, tranh biếm họa với chức năng đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn, thức tỉnh và giáo dục con người thì thời nào cũng rất cần thiết và được công chúng đón đợi.
Triển lãm như một "bữa tiệc" những nụ cười chua chát, những cái nhếch mép mỉa mai và cả những ngẫm ngợi khôn nguôi từ cả trăm bức biếm họa xuất sắc.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của biếm họa báo chí Việt Nam gần trăm năm từ triển lãm này, người xem giật mình nhận ra, thời nào biếm họa báo chí Việt Nam cũng làm tốt trách nhiệm xã hội của mình, thời nào các họa sĩ biếm họa cũng xắn tay, vắt óc và cả "xả thân" (như cách họa sĩ Lý Trực Dũng gọi) để đấu tranh với cái xấu.
Làm cho công chúng mếu thì dễ, chứ vẽ biếm họa để người ta phải bật cười chua chát là rất khó
Họa sĩ ĐÀO HẢI PHONG
Tiếng nói mạnh mẽ
Biếm họa lúc sôi nổi, khi trầm lắng đôi chút nhưng chưa bao giờ vắng bóng trong cuộc sống.
Đặc biệt, trong những thời khắc quan trọng của đất nước, biếm họa luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Họa sĩ Lý Trực Dũng nhớ lại những ngày cả nước rúng động bởi cuộc chiến tranh biên giới 1979, những bức biếm họa đấu tranh cho hòa bình đã tràn ngập trên những thân cây ven bờ hồ Hoàn Kiếm.
Hay 12 ngày đêm khói lửa của người Hà Nội năm 1972, những bức biếm họa cũng lập tức xây thành đắp lũy cùng Hà Nội và cả nước chiến đấu quật cường.
Cho tới những tháng năm nhọc nhằn của đất nước trước đổi mới, biếm họa báo chí lại tiếp tục cất tiếng nói mạnh mẽ của nhân dân đấu tranh trực diện với những trì trệ của xã hội.
Ông còn nhớ những năm 1979-1982, công chúng giành nhau mua tờ báo Văn Nghệ để được xem trang biếm họa của tờ báo này.
Biếm họa của Lý Trực Dũng trưng bày tại triển lãm
Ngóng đợi họa sĩ biếm tài năng
Gặp họa sĩ Đào Hải Phong khi anh đang xem triển lãm 96 năm biếm họa báo chí Việt Nam, thấy anh đặc biệt trầm trồ với hai bức biếm họa vẽ năm 1973 của họa sĩ Chóe - người được tuần báo New York Times bình chọn là một trong 8 họa sĩ biếm họa xuất sắc trên thế giới của thập niên 1970:
"Thế mới là biếm họa chứ. Vẽ biếm họa phải trí tuệ đến lịch lãm, khiến người xem phải bật cười chua chát mới xứng bậc thầy. Còn biếm họa theo lối thô lỗ kiểu "dìm hàng" thô thiển nhân vật mình muốn đả kích thì tôi rất sợ".
Từng có 3 năm vẽ biếm họa cho trang Nụ cười chiến sĩ trên báo Quân đội Nhân dân cuối tuần đầu những năm 1990, Đào Hải Phong tỏ rõ sự ngưỡng mộ với những họa sĩ biếm họa tài năng. Theo anh, phải thông minh lắm mới vẽ được biếm họa hay.
Chung quan điểm, họa sĩ Lý Trực Sơn cho rằng người vẽ được biếm họa tốt phải là người có khả năng phản biện xã hội.
Về băn khoăn dù xã hội ngày nay còn ngổn ngang xấu - tốt nhưng thiếu vắng những tên tuổi họa sĩ biếm họa lớn như chúng ta từng có, họa sĩ Lý Trực Dũng bảo: tự phê bình luôn luôn rất khó khăn, đòi hỏi sự dũng cảm dấn thân và khát vọng vươn tới điều tốt đẹp từ người nghệ sĩ và cả xã hội.
Ông tin xã hội hôm nay vẫn đang ngóng đợi những họa sĩ biếm tài năng tỏa sáng.
Tác phẩm Sự công bằng của thuế thân của Nguyễn Gia Trí in trên tờ Ngày Nay năm 1937
Bức Tái định cư của họa sĩ Đan - giải ba Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ nhất
Trăm năm biếm họa báo chí Việt
Có lẽ đây là dịp hiếm công chúng cùng lúc được chiêm ngưỡng đủ đầy những tác phẩm biếm họa tiêu biểu của Việt Nam suốt gần trăm năm phát triển.
Người xem được "nhảy" từ những bức biếm họa đen trắng của Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria năm 1922 tới những tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí như Sự công bằng của thuế thân trên báo Ngày Nay; dừng lại trước những bức biếm họa xuất sắc của họa sĩ biếm họa số 1 Việt Nam Chóe (Nguyễn Hải Chí); tới những tác phẩm của cây vẽ biếm họa "lão thành" Lý Trực Dũng; vắt sang những tác phẩm biếm họa đầy màu sắc mà ngổn ngang sự đời của những cây vẽ sung mãn nhất hiện nay như Lap, Nop, Cận, Đan...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận