20/12/2014 07:31 GMT+7

82 giờ sinh tử của nạn nhân sập hầm thủy điện

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ

TT - Hoảng hốt, lo sợ, hi vọng rồi tuyệt vọng, buông xuôi để rồi vỡ òa mừng vui khi được cứu sống.

Chiến sĩ công binh vui mừng khi đưa công nhân cuối cùng ra khỏi đường hầm cứu hộ - Ảnh: Mai Vinh

Đó là những cảm xúc lẫn lộn của trong gần bốn ngày (từ hơn 7g sáng 16-12 đến khoảng 16g20 ngày 19-12) của 12 công nhân Công ty CP Sông Đà 505 bị nạn trong hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).

Đặng Thị Hồng Ngọc - nữ công nhân duy nhất được đưa ra khỏi đường hầm cứu hộ - Ảnh: M.Vinh

“Chạy thục mạng nhưng không kịp”

Không ngồi dậy nổi khi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, nằm trên giường bệnh, được trùm chăn kín người và làm ấm bởi quạt sưởi, đèn sưởi, nhưng anh Trương Tuấn Việt (30 tuổi, ở tỉnh Hà Nam) vẫn cố ngẩng đầu nhìn người vợ là chị Nguyễn Thị Hoa đang ngồi im lặng ở cuối giường với đôi mắt ngấn lệ.

“Hết chết rồi, sống rồi, đừng buồn nữa” - anh Việt động viên vợ, rồi quay sang chúng tôi: “Những ngày trong hầm tăm tối, lạnh lẽo, ngập nước và hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài, có lúc tôi tuyệt vọng và rớt nước mắt khi nghĩ về vợ và hai con thơ nghèo khó ở quê nhà”.

Anh Việt cho biết anh mới đến công trường làm việc được chừng một tháng.

“Sáng hôm đó, toàn ca 12 người chúng tôi vào hầm làm việc. Tôi đang khoan thì nghe phía sau lưng vài chục mét có mấy viên đá rơi, khoan tiếp một chút nữa thì đất đá đổ ầm ầm phía sau. Lúc đó ai cũng hãi hùng, quăng mọi dụng cụ, thiết bị mà chạy thục mạng nhưng vẫn không kịp. Trong nháy mắt, mọi thứ đều chìm trong bóng tối yên tĩnh đến kinh hãi” - anh Việt nhớ lại.

Còn công nhân Nguyễn Văn Quang (20 tuổi, ở tỉnh Hà Tĩnh) cho biết chính anh là người đầu tiên phát hiện dấu hiệu bất thường của những mảng hầm trước khi rơi xuống và báo hiệu cho mọi người tháo chạy. Nhưng tất cả diễn ra quá nhanh, từng khối bêtông ập xuống, anh Quang cùng mọi người lao về phía cửa hầm, nhưng chỉ được 20m thì ánh sáng tắt hẳn.

“Tôi bị choáng vì đá rơi trúng đầu, mất khá nhiều máu. Dù vậy, tôi vẫn hiểu rằng đang bị khóa chặt dưới lòng đất” - anh Quang kể.

Theo anh Quang, lúc mới xảy ra vụ tai nạn, may mắn là mọi người đều mang theo điện thoại nên có thể soi đường và cùng nhau bám quanh một chiếc máy xúc.

“Những giờ khắc đầu tiên quá kinh khủng, đói, lạnh, những người bị thương thì còn khổ sở hơn vì vết thương sưng tấy” - Quang nói.

Công nhân Hoàng Văn Sơn được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: Duy Thanh

 

Hi vọng rồi tuyệt vọng

Theo anh Quang, khi hầm mới sập, cả nhóm bị cô lập với bên ngoài, không ai trong số họ tuyệt vọng.

“Tất cả chúng tôi đều tin rằng ngoài kia mọi người không bỏ rơi mình và chắc là mình sẽ được cứu sớm thôi” - Quang nhớ lại.

Niềm hi vọng đó tưởng đã trở thành hiện thực khi chỉ 14 tiếng đồng hồ sau những tiếng rục rịch trong vách đá vang lên, rồi mũi khoan thông hơi đầu tiên khoan thủng. Mọi người mừng rơi nước mắt, ai cũng nghĩ đến sự sống và tin là sẽ sống.

“Nhưng, đó cũng là lúc khởi đầu cho sự thất vọng” - Quang tâm sự. Suốt hai ngày sau, thời gian dằng dặc trôi qua, sữa, nước uống, cháo được chuyền vào.

“Nhưng không ai trả lời cho chúng tôi bao giờ sẽ được cứu” - anh Quang kể. Những lời hứa theo ống sắt vọng vào: “Sắp rồi, gần đến rồi, cứ bình tĩnh”. Đến khi tất cả đều mất bình tĩnh, thậm chí tuyệt vọng mà cửa hầm vẫn không được mở. 

Ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba tiếp tục trôi qua trong cảnh “ngày cũng như đêm”, dù có thêm các mũi khoan khác đến nơi 12 nạn nhân. Nguy hiểm hơn cả là nước từ trên mái hầm chảy xuống ngày càng nhiều và dâng lên nhanh chóng trong hầm.

“Nước ngập phải đến ngực, đến cổ. Có người bật khóc, có người than van, người thì yên lặng nhưng tôi nghĩ ai cũng có cảm giác từ lo sợ đến tuyệt vọng. Cứ tình hình đó mà nước không thoát ra được thì chúng tôi chết đuối là chắc” - công nhân Hoàng Văn Sơn (25 tuổi, ở tỉnh Nam Định) kể lại.

12 con người cố đu bám trên chiếc xe xúc bị kẹt trong hầm khi bên dưới là nước đang dâng lên từng phút.

Hơn thế, nước còn rơi từ mái hầm xuống và cảm giác lạnh lại càng tăng thêm. Những ngày về sau, dù rất thèm được nói chuyện với bên ngoài nhưng anh em đều mệt mỏi, xuống tinh thần, cứ nghĩ mỗi lần muốn trò chuyện lại phải bơi đi cả chục mét trong nước lạnh, ai cũng oải.

Công nhân Nguyễn Anh Tuấn (33 tuổi, ở tỉnh Hà Tĩnh) rơm rớm nói: “Ai khỏe thì bơi đến nơi có “ống liên lạc” để trao đổi với bên ngoài.

Anh em thay phiên nhau để bơi đến đó, dùng mũ bảo hộ đón lấy cháo, nước, sữa... từ bên ngoài chuyển vào”.

Còn anh Hoàng Tiến Đoàn (quê Nam Định) kể: “Trên giàn giáo thì chỉ đủ chỗ cho 6-7 người nằm ngủ. Chúng tôi cũng phân công nhau để nằm, khi lạnh quá thì ôm nhau ngủ cho ấm. Thỉnh thoảng anh em cũng đem chuyện vui ra kể để động viên nhau, nhưng thật sự trong lòng thì rất sợ”.

Lực lượng cứu hộ đưa công nhân Hoàng Ánh Văn đến khu vực cấp cứu - Ảnh: Mai Vinh

“Sống rồi!”

Đến trưa 19-12, ngày thứ tư gặp nạn, nước trong hầm được hút ra phần nhiều, nhưng vẫn còn ngập đến đùi.

Có vui vì nước rút nhưng sự lo lắng không giảm đi chút nào, thậm chí còn tăng lên khi đống đất đá trước mặt mình không “nhúc nhích” gì thêm.

“Vậy rồi bất ngờ, khi tôi đang lò dò trong nước đi nhận sữa để chuyển cho anh em thì bất ngờ thấy bóng đèn pin loáng qua. Tôi vất luôn chiếc mũ bảo hộ đựng sữa, cùng lúc mọi người la lên “Sống rồi!”. Lúc đó, các anh bộ đội cũng vào tới. Ai cũng mừng đến bật khóc. Ai cũng muốn chạy thật nhanh ra khỏi đường hầm chết chóc đó. Có người muốn ngất xỉu vì sung sướng, hạnh phúc” - công nhân Phạm Viết Nam thuật lại trong xúc động.

Anh Nam tâm sự các công nhân khác thoát chết mừng một thì anh mừng đến mười, bởi lẽ trong đường hầm tăm tối đó anh còn có hai người em bà con là Phạm Viết Lành và Đặng Thị Hồng Ngọc!

Chiều tối 19-12, công nhân Nhỡ Văn Trường ngồi dậy và đòi ăn cơm vì “mấy ngày qua thèm cơm không chịu nổi”.

Vừa thoát khỏi tai nạn, còn đang nằm viện, nhưng công nhân 28 tuổi này tâm sự: “Ra viện là em lại đi làm công nhân thôi, nếu công trường thủy điện này tiếp tục làm việc thì em lại vào làm”.

Lúc 23g ngày 19-12, bác sĩ Nguyễn Bá Hy - giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng - cho biết: “Tất cả 12 nạn nhân đều trong tình trạng sức khỏe ổn định, một số người đã ăn được cơm. Người nặng nhất là nữ công nhân Đặng Thị Hồng Ngọc ban đầu hạ huyết áp, tím tái, cơ thể có dấu hiệu suy kiệt nhưng bây giờ cười nói được rồi”.

Diễn biến vụ việc

7g15 ngày 16-12
Đường hầm xuyên núi đang thi công thuộc công trình Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) sập một đoạn hàng chục mét làm 12 người đang làm việc trong hầm bị kẹt. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ, tìm cách cứu sống 12 công nhân. 21g, lực lượng cứu hộ đã khoan một lỗ đưa ống có đường kính 6cm để bơm sữa và cháo tiếp tế cho công nhân trong hầm.

Ngày 17-12
Nước dâng cao đến ngực nhưng phương án khoan, đào để cứu công nhân vẫn chưa có lối ra. Cùng ngày, ba bộ trưởng Bộ Công thương, Xây dựng, Y tế cùng vào hiện trường. Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị ngoài phương án đào cần tính đến khoan xuyên, khoan nhồi để tránh tình trạng đụng đá sẽ mất thời gian tiếp cận với công nhân bị kẹt, đồng thời buộc nhà thầu ngừng thi công, tập trung cứu nạn.

Ngày 18-12Việc đào hầm tiến sâu vào vị trí công nhân mắc kẹt được thực hiện nhanh hơn. Các mũi khoan lỗ trên đỉnh núi và các lỗ khoan xuyên để thông hơi, hút nước ngập có lúc gặp đá phải dừng lại. Trong ngày, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát tình hình, đồng ý cho lực lượng công binh đào ngách hầm bên trái để đề phòng khi đào ngách hầm bên phải không đến đích.

* Ngày 19-12: hai đường hầm cứu nạn được đào nhanh hơn, nhiều tín hiệu cứu sống khả quan hơn. 14g, cuộc diễn tập cứu người được triển khai. Khoảng 16g25, đường hầm cứu nạn của công binh đã tiếp cận được nơi các công nhân gặp nạn và 12 người đều được cứu sống.

 

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên