01/05/2017 11:05 GMT+7

80 triệu USD: càng công khai càng có lợi

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ thực hiện
NGỌC HÀ - VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Ông Phạm Tất Thắng - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - bày tỏ quan điểm như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa công bố.

Ông Phạm Tất Thắng - Ảnh: Vĩnh Hà
Ông Phạm Tất Thắng - Ảnh: Vĩnh Hà

“Rõ ràng, ban soạn thảo cần thuyết minh rõ hơn về những gì kế thừa, những gì cần đổi mới. Đi kèm với đó là những điều kiện cụ thể để đảm bảo chương trình được thực hiện đúng với mục tiêu đề ra

Ông PHẠM TẤT THẮNG

Đánh giá một cách tổng thể về dự thảo này, ông Phạm Tất Thắng cho rằng:

- So với các lần xây dựng chương trình trước đây, ban soạn thảo chương trình lần này đã đi theo một quy trình hợp lý hơn.

Cụ thể là việc thay đổi phương pháp tiếp cận: thứ nhất là tiếp cận bằng nguyên lý sơ đồ ngược, dựa vào yêu cầu “đầu ra” để xây dựng một chương trình tương thích chứ không phải áp một chương trình mang tính chủ quan; thứ hai là căn cứ vào báo cáo tác động để xây dựng chương trình phù hợp.

Cách làm này giống như việc xây dựng một dự án luật, có tính pháp lý chặt chẽ. Tuy vậy, cũng còn có những vấn đề tôi còn băn khoăn.

Không rõ tính kế thừa

* Nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo chương trình đã quá tham vọng nên khó hiện thực hóa được trong thực tế. Còn quan điểm của ông?

- Các chuyên gia đánh giá như vậy không phải là không có cơ sở. Nhìn tổng thể chương trình từ phương pháp tiếp cận, chương trình các cấp bậc học, đến việc tổ chức học tích hợp các môn... có vẻ rất hoàn hảo. Nhưng chính vì hoàn hảo quá nên khó khả thi vì chưa tính hết điều kiện thực tế khi triển khai.

Mặt khác, dù ban soạn thảo đưa ra một nguyên tắc là kế thừa, nhưng tôi có cảm giác dự thảo gần như xây dựng một chương trình mới hoàn toàn. Chương trình hiện hành dù có bất cập buộc phải đổi mới, nhưng không phải không có ưu điểm nên không thể phủ nhận mọi giá trị của nó.

Đặc biệt, khi tiếp cận trên tinh thần một chương trình hoàn toàn mới thì điều kiện thực hiện sẽ đáp ứng ra sao? Với chương trình hiện hành, đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng như mong đợi thì một chương trình đổi mới đòi hỏi cao như thế, nguồn lực hiện có liệu có đáp ứng được ngay không?

* Theo ông, những yếu tố nào quan trọng nhất để đảm bảo thành công của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này?

- Cốt lõi vẫn là vấn đề con người, cụ thể là cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên.

Đến thời điểm này, việc chuẩn bị cho đội ngũ để vận hành chương trình mới vẫn còn chưa nhìn thấy rõ. Cụ thể các trường sư phạm đã điều chỉnh nội dung, phương pháp đào tạo đến đâu.

Chương trình mới đòi hỏi có giáo viên dạy tích hợp liên môn, trải nghiệm sáng tạo, vậy các trường sư phạm đã tính đến việc này chưa? Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên hiện có như thế nào? Cách thức bồi dưỡng, kinh phí thực hiện, thời gian đào tạo, bồi dưỡng ra sao?

Tất cả những việc này phải làm trước chứ không phải chờ tới khi chương trình đưa vào thực hiện mới tiến hành.

Còn về cơ sở vật chất, các điều kiện khác cũng cần có sự rà soát, triển khai kế hoạch chuẩn bị. Chương trình áp dụng trên toàn quốc, nhưng mỗi nơi điều kiện thực hiện khác nhau. Ví dụ có nơi học được 2 buổi/ngày, có nơi chỉ học 1 buổi/ngày, có nơi sĩ số học sinh/lớp vừa phải, nhưng có nơi sĩ số rất đông.

Vì thế chương trình thiết kế như thế nào để đảm bảo được những nơi điều kiện khó khăn vẫn có thể đảm bảo yêu cầu tối thiểu được. Đây cũng là điểm chưa rõ ở dự thảo.

Học sinh ngành dược Trường trung cấp Tổng hợp TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng
Học sinh ngành dược Trường trung cấp Tổng hợp TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng

Kinh phí: xã hội cùng giám sát

* Bậc THPT có nhiều thay đổi nhất so với chương trình hiện hành, trong đó mục tiêu hướng nghiệp đã rõ hơn. Để có cơ cấu nguồn nhân lực tương lai cân đối hơn cho đất nước thì thiết kế định hướng nghề nghiệp sâu ở bậc THPT đã hợp lý?

- Chúng ta đã đặt ra mục tiêu 30% học sinh sau THCS học nghề, 70% tiếp tục học THPT để sau đó dự tuyển vào các trường ĐH. Nhưng ở chương trình mới, đến lớp 10 mới bắt đầu dự hướng, dự kiến để phân luồng. Còn chương trình THCS chưa thấy rõ bóng dáng của việc định hướng, phân luồng.

Như vậy, chương trình có vẻ chú trọng nhiều cho sự chuẩn bị của học sinh có nguyện vọng vào ĐH, mà chưa thấy rõ sự sẵn sàng của học sinh sau THCS chọn lối rẽ học nghề.

Đáng lẽ, từ bậc THCS, ngoài kiến thức, kỹ năng cơ bản cần trang bị, phải đưa vào nhiều hơn nội dung giáo dục để giúp học sinh có nhận thức đúng và năng lực cần thiết cho việc khởi nghiệp, những kỹ năng tối thiểu để có thể tham gia thị trường lao động sau khi học THCS, cung cấp thông tin mang tính định hướng nghề nghiệp để học sinh bắt đầu tìm hiểu, có lựa chọn cần thiết về con đường đi tiếp theo sau khi hoàn thành giai đoạn giáo dục cơ bản.

Ngoài ra, cũng phải tính đến giải pháp mang tính hành chính - giải pháp này chỉ riêng Bộ GD-ĐT không giải quyết được mà cần sự chung tay của cả xã hội, của các địa phương. Cần thiết phải xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh vào THPT dần tiệm cận tỉ lệ 70% học sinh tốt nghiệp THCS thì mới có thể hướng 30% còn lại các em đi học nghề.

* Bộ GD-ĐT cũng đã công bố mức kinh phí dành đổi mới giáo dục phổ thông lần này là 80 triệu USD. Mức kinh phí này liệu đã vừa vặn để thực hiện một cuộc canh tân có giá trị cho giáo dục, thưa ông?

- Ban đầu khi Bộ GD-ĐT trình dự thảo với kinh phí “khủng”, dư luận ồn ào cho rằng quá tốn kém trong khi hiệu quả thực hiện thì chưa chắc chắn. Sau đó, Bộ GD-ĐT điều chỉnh lại và công bố một con số khiêm tốn hơn rất nhiều. Giữa hai lần công bố, số kinh phí chênh lệch rất lớn.

Dĩ nhiên với mức kinh phí khiêm tốn thì việc thông qua dễ dàng hơn, nhưng lại khiến dư luận băn khoăn nhiều hơn về chất lượng khối công việc sẽ phải thực hiện với gói kinh phí này.

Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cần công bố cụ thể, việc sử dụng kinh phí cho các nội dung nào. Những công việc nào thì phân cấp cho địa phương, sử dụng nguồn ngân sách địa phương. Việc công khai, minh bạch này cũng là việc nên làm ngay để xã hội cùng giám sát.

* Nhiều ý kiến phản biện dự thảo đều lo ngại việc triển khai ngay vào năm 2018 là cập rập, nhưng việc này không trì hoãn được vì nghị quyết của Quốc hội đã thông qua. Vậy theo ông, nên dốc sức để đảm bảo tiến độ hay nên lùi thời gian?

- Nghị quyết thể hiện mong muốn, nhưng việc thực hiện luôn cần dựa vào điều kiện thực tế và sự chuẩn bị chín muồi. Nếu Bộ GD-ĐT chưa chuẩn bị kịp, chưa đảm bảo chương trình được thực hiện tốt, hoàn toàn có thể báo cáo Chính phủ để Chính phủ sớm chuẩn bị báo cáo trình ra Quốc hội, thì lùi thời gian là việc cần thiết.

Mốc thời gian nào thực hiện không phải là điều quan tâm số 1 mà là việc chuẩn bị kỹ lưỡng kèm theo các điều kiện khả thi. Bao giờ yên tâm về điều đó thì triển khai...

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên