Thuộc top 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới
Tại hội thảo Quốc tế thích ứng với già hóa dân số, ông Nguyễn Văn Tân – Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh, già hóa dân số là đặc trưng của những nước thu nhập cao, không phải là các nước thu nhập thấp. Vì vậy, thực trạng già hóa dân số sẽ đặt ra nhiều thách thức lớn đối với những chính sách không chỉ liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mà còn cần đến sự phát triển tốc độ cao hơn của cả nền kinh tế, xã hội.
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%.
Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) như Australia: 73 năm, Hoa Kỳ: 69 năm, Canada: 65 năm… thì Việt Nam chỉ mất 22 năm.
Hơn 70% số người cao tuổi vẫn phải lao động kiếm sống
Việt Nam có một đặc điểm là trong phần lớn người cao tuổi chỉ có một số ít được hưởng trợ cấp xã hội, số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội chỉ chiếm gần 30%. Hơn 70% số người cao tuổi còn lại không nhận được trợ cấp. Chính vì vậy, rất người cao tuổi vẫn phải tự lao động và kiếm sống.
Bên cạnh đó, tình trạng sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam mặc dù đã được cải thiện rất nhiều so với trước, tuy nhiên còn nhiều vấn đề, tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh khá cao.
Theo dự đoán của các chuyên gia, giai đoạn vừa qua, mức sinh của Việt Nam giảm khá nhanh, nhưng cùng đó do điều kiện kinh tế khá hơn, việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên xu hướng gia tăng người cao tuổi của Việt Nam cũng đạt tốc độ nhanh chóng mặt. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.
Trong những năm tới, mức sinh được dự đoán chắc chắn không tăng lên, và với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện tại, sự chuyển đổi nhân khẩu học này sẽ tạo ra những tác động rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, lao động việc làm, tiết kiệm, đầu tư, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, sự chuyển dịch các dòng di cư, thiết kế hạ tầng... đặt kinh tế xã hội Việt Nam những thách thức mới không hề nhỏ.
Hội thảo quốc tế thích ứng với già hóa dân số là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, quản lý, đầu tư, cung cấp dịch vụ, các chuyên gia, các nhà khoa học… của các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác của APEC cùng nhau dựng lên bức tranh toàn cảnh về vấn đề già hóa dân số.
Hội thảo là dịp để các nền kinh tế thành viên APEC chia sẻ các mô hình, sáng kiến phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng, với các phiên thảo luận với các chủ đề như: Tổng quan; Già hóa dân số với Tăng trưởng kinh tế; Già hóa dân số với an sinh xã hội; Già hóa dân số với chăm sóc y tế; Các mô hình, sáng kiến phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng…
Những khuyến nghị chính sách từ hội thảo sẽ được nêu lên trong đối thoại chính sách y tế, trong các cuộc họp của Nhóm công tác y tế, cuộc họp cấp cao các Bộ trưởng Y tế APEC thuộc SOM 3 tại TP.HCM (Việt Nam) vào tháng 8/2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận