28/12/2018 09:57 GMT+7

70 năm tây tiến - Kỳ 3: Trận đánh đầu tiên và người chỉ huy Tây Tiến

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - "Người dân Lào hiền lành, tình nghĩa, thương mến chiến sĩ Việt Nam như ruột thịt, có gì cũng giúp đỡ, cũng sẻ chia, dù chính cuộc sống của bà con thời ấy còn nghèo lắm" - cựu chiến sĩ Tây Tiến Nguyễn Văn Khuông nhiều năm sống ở Sầm Nứa nhớ lại.

70 năm tây tiến - Kỳ 3: Trận đánh đầu tiên và người chỉ huy Tây Tiến - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Khuông vẫn chưa quên các trận đánh của đội binh Tây Tiến trên đất Thượng Lào - Ảnh: QUỐC VIỆT

Trận Mường Láp đã để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng người dân Thượng Lào với đội quân Tây Tiến. Lính Pháp đông hơn, nhiều vũ khí hơn, nhưng cả hai lần đều bỏ chạy trước chiến sĩ Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Khuông

Trận Mường Láp

Chính vì ân tình đó của người dân Lào mà Quang Dũng đã viết thành đoạn kết bài thơ Tây Tiến đầy cảm xúc: "Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Đường lên thăm thẳm một chia phôi/ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi...".

Sau khi giải phóng Sầm Nứa, thủ phủ tỉnh Hủa Phăn, không tốn viên đạn nào, các chiến sĩ bất ngờ khi nhìn thấy người dân già trẻ ở Sầm Nứa đổ hết ra đường để đón đoàn quân. Chuyện rất hiếm hoi bởi người dân Lào hồi ấy không quen chiến tranh, cứ thấy bất cứ lính tráng nào mang súng đạn là sợ hãi, chạy trốn vào rừng. Đón quân Việt Minh, hầu như trên tay người dân nào cũng có chăn mền, củi và thức ăn.

Sau bữa cơm đầu tiên ở Sầm Nứa, các chiến sĩ Việt Nam của đội hình Tây Tiến lại tiếp tục hành quân đuổi theo lính Pháp vừa mới rút lui khỏi Sầm Nứa. Việt kiều Dương Công Cầu, người nhiều năm thông thạo vùng Thượng Lào, tình nguyện dẫn đường. Gần hai ngày sau, họ đuổi kịp quân địch ở Mường Láp. Lính Pháp lúc này đóng quân tại một bản nhỏ gần bên bờ suối dốc khá lớn. Nhờ tiếng nước chảy ầm ào khá mạnh của suối nước, những chiến sĩ chưa quen trận mạc áp sát vào nơi Pháp đang đóng quân mà không hề bị phát giác.

Đó là đêm 20-10-1945. Những vì sao trên trời ẩn mờ bởi làn sương mù bốc lên từ đại ngàn. Khoảng 200 lính Pháp lẫn một số lính Lào đang tiệc tùng sau khi được máy bay thả dù tiếp tế quân nhu. Không khí náo nhiệt, có cả một số cô gái Lào bản địa phục vụ múa xòe. Lính da đen canh gác vòng ngoài. Các chiến sĩ Tây Tiến ném một quả lựu đạn vào chốt bảo vệ của lính Pháp nhưng không nổ. Họ dùng tiểu liên bồi tiếp. Vài lính da đen canh gác gục xuống vì quá bất ngờ.

Lính Pháp còn sống, kể cả các chỉ huy đang uống rượu trên nhà sàn, hoảng hốt phóng chạy mà không bắn trả một viên đạn nào. Đó chính là đội quân đồn trú ở Sầm Nứa đã tự rút lui khi nghe "quân Việt Minh đông rợp rừng đang tràn sang". Nếu quân Pháp bình tĩnh bắn trả thì diễn biến trận đánh sẽ phức tạp hơn nhiều. Bởi quân số họ đông hơn đội binh Tây Tiến và được trang bị đầy đủ vũ khí hơn chiến sĩ ta, đặc biệt là trong đội binh Tây Tiến, rất nhiều chiến sĩ vẫn còn thiếu kinh nghiệm trận mạc...

Thế nhưng trận đánh đã kết thúc chóng vánh. Quân Pháp bỏ chạy để lại rất nhiều vũ khí, kể cả gần 200 con ngựa thồ vẫn còn lặc lè nguyên vẹn quân nhu vừa được máy bay tiếp tế. Đây là trận đánh mà đội Tây Tiến thu được nhiều chiến lợi phẩm nhất. Đặc biệt, nhiều người Lào đi theo Pháp làm phu khuân vác cũng chạy về hàng ngũ của quân Việt Minh. Sau đó, hầu hết vũ khí chiến lợi phẩm được đội Tây Tiến chuyển sang cho quân cách mạng Lào đang bước đầu được gầy dựng...

Trận Mường Láp đã để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng người dân Thượng Lào với đội quân Tây Tiến. Lính Pháp đông hơn, nhiều vũ khí hơn, nhưng cả hai lần đều bỏ chạy trước chiến sĩ Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Khuông nhớ lại: "Sau chiến thắng, đội Tây Tiến và Việt kiều họp mặt ở đền thờ Trần Hưng Đạo tại Sầm Nứa.

Người dân Lào đã gánh lợn, dê, gà, vịt, gạo tẻ, nếp, khoai, cá... tới tặng chiến sĩ Việt Nam. Tết năm 1946 ở Thượng Lào lạnh lẽo khác thường, nhưng những người lính Tây Tiến vẫn cảm thấy ấm áp trên đất Lào do tình cảm của người dân nơi đây".

Người chỉ huy Tây Tiến

Lần theo đường hành quân của trung đoàn Tây Tiến năm nào, chuyện về người chiến khu trưởng Hoàng Sâm gợi lại rất nhiều hình ảnh khó quên. Hoàng Sâm tức Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915, ở làng Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Từ quê hương, ông đã sang Thái Lan, rồi Trung Quốc để hoạt động cách mạng.

Ngày 22-12-1944, ở miền núi Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, và chính Hoàng Sâm được tin cử làm đội trưởng đầu tiên. Ông đã chỉ huy những trận đánh nổi tiếng đi vào quân sử như Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu... Đội tuyên truyền được nâng lên thành đại đội, rồi chi đội tương đương cấp tiểu đoàn, Hoàng Sâm vẫn tiếp tục làm người chỉ huy.

Mùa thu năm 1945, Hoàng Sâm được cử làm khu trưởng chiến khu 2 với tám tỉnh miền núi lẫn đồng bằng khi ấy gồm Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đây chính là mặt trận nóng bỏng mà trung đoàn Tây Tiến tham chiến ngay từ thời kỳ đầu dưới sự chỉ huy chung của khu trưởng Hoàng Sâm.

"Anh là người khí khái và hết sức gan lì, ngang tàng. Chuyện đánh trận của Hoàng Sâm thì khỏi bàn bởi anh là một trong những người cầm quân từ thời kỳ đầu vô vàn khó khăn, phải dùng ít đánh nhiều, lấy yếu chế mạnh. Khôn khéo, dũng mãnh với kẻ thù, nhưng Hoàng Sâm đối xử hết sức chân thành, nghĩa tình với đồng đội mình. 

Ai gần gũi với anh đều được anh xem như anh em một nhà. Trong cuộc hành quân Tây Tiến lên vùng rừng thiêng nước độc, Hoàng Sâm nhiều lần đã bớt cả phần ăn của mình cho cấp dưới. Thương cảm tình trạng thương bệnh binh thiếu thuốc, anh chia sẻ từng viên thuốc ký ninh hiếm hoi cho chiến sĩ" - ông Hoàng Tấn Anh, tức Hoàng Giáp, nhớ lại người chỉ huy của mình...

Tình bạn thời trận mạc

tây tiến

Chiến sĩ Tây Tiến hầu hết là học sinh, sinh viên Hà Nội - Ảnh tư liệu trung đoàn 52

Hoàng Sâm đặc biệt tâm giao với Tạ Đình Đề, một tay súng thiện xạ và cũng nổi tiếng kiêu bạt ở Tây Tiến. Sinh năm 1917, ông Đề kém Hoàng Sâm hai tuổi, và cả hai đều giống nhau ở cuộc đời bôn ba hoạt động cách mạng. Không là anh em ruột thịt, nhưng cả hai giống nhau đến kỳ lạ, giống từ cách sống trượng nghĩa thu phục được lòng người, đến tài cưỡi ngựa, bắn súng.

Tháng ngày tham gia Tây Tiến, Đề vừa là tay săn bắn kiếm thêm thức ăn cho anh em, vừa là tay thiện xạ mà cả lính dù Pháp đổ bộ xuống vùng này cũng ngán ngại. Ông Hoàng Tấn Anh cho biết mình từng chứng kiến cuộc so tài thiện xạ giữa Hoàng Sâm và Tạ Đình Đề. Cuối cùng, Hoàng Sâm là người chiến thắng.

__________________________

Kỳ tới: Quân xanh màu lá

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên