Quân Pháp trên cầu Long Biên, Hà Nội năm 1946
16 giờ ngày 9-10-1954, những người lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thủ đô.
Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hàng vạn người dân thủ đô với cờ hoa vẫy mừng đoàn quân tiến về.
Cùng với những con người lịch sử, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn Hà Nội, phố Hàng Đào, Cột cờ Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò... là những địa danh lịch sử gắn liền với những mốc son trong sự kiện Giải phóng thủ đô Hà Nội.
Dưới đây là một số hình ảnh Hà Nội xưa và nay gắn liền với sự kiện giải phóng thủ đô được Tuổi Trẻ Online gửi tới bạn đọc nhân Ngày giải phóng thủ đô 10-10:
Năm 1954, Hiệp định Geneve về đình chiến ở Đông Dương được ký kết ngày 20-7-1954. Theo các điều khoản hiệp định, quân Pháp có 80 ngày để rút quân khỏi Hà Nội. Ngày 9-10-1954, quân đội Việt Nam tiến lên cầu Long Biên chuẩn bị vào tiếp quản thủ đô.
Quân đội Việt Nam tiếp quản nhà tù Hỏa Lò. Ngày nay, nhà tù Hỏa Lò chỉ là nơi tham quan cho du khách và lưu giữ, tái hiện khá đầy đủ các góc tra tấn, giam giữ tù binh, các hiện vật lịch sử.
Học sinh tập hợp trên phố Hàng Đào đón chào đoàn quân tiến về giải phóng thủ đô ngày 10-10-1954. Ngày nay, Hàng Đào là một con phố sầm uất về du lịch, mua sắm cho du khách và được thay đổi hiện đại
Lễ chào cờ lịch sử 65 năm về trước tại sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long ngày 10-10-1954 ngay sau khi quân đội Việt Nam tiếp quản thủ đô. Ngày nay, Hoàng thành Thăng Long Hà Nội là địa điểm lịch sử du lịch nổi tiếng, nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa lớn của thủ đô.
Sự hoang tàn, đổ nát do quân Pháp gây ra ở phố Hàng Thiếc tháng 12-1946. Trải qua nhiều thập kỷ thay đổi, phố Hàng Thiếc vẫn giữ cho mình nhiều nét cổ kính, những nghề truyền thống như gia công kim loại và cũng không kém sự tấp nập của du lịch, kinh doanh khác.
Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi tổ chức kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa I, là kỳ họp đầu tiên trong hòa bình của thủ đô Hà Nội. Trải qua 65 năm, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn giữ được những nét nguyên vẹn, là một trong những biểu tượng lịch sử của thủ đô.
Chợ Đồng Xuân được Pháp xây dựng năm 1890. Từ sau ngày quân đội Việt Nam tiếp quản Hà Nội, chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất tại thủ đô. Ngày nay, chợ Đồng Xuân vẫn là nơi giao thương tấp nập của các thương lái không chỉ của Hà Nội mà của các nơi lân cận.
Nhà thờ Lớn Hà Nội cũng là một địa danh gắn với khá nhiều sự kiện lịch sử sau ngày giải phóng thủ đô.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội. Đến ngày giải phóng thủ đô 10-10-1954, một lần nữa lá quốc kỳ lại tung bay trên đỉnh kỳ đài lịch sử. Đây đã trở thành nơi diễn ra lễ chào cờ lịch sử của quân dân thủ đô trong ngày vui trọng đại cách đây 65 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận