Khu di tích lịch sử văn hóa chợ Bến Thành - Ảnh: TỰ TRUNG
Ở các khu vực này, UBND các quận và TP Thủ Đức phải xác định ranh giới và vị trí, các công trình mới xây dựng nhằm bảo đảm hài hòa với các công trình, không gian di tích, danh lam thắng cảnh...
Khu vực chợ Bến Thành: giữ tối đa hình dáng nguyên thủy
Khu vực chợ Bến Thành đứng đầu danh sách 6 khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn của TP.HCM. Theo quy chế quản lý kiến trúc cấp 2 khu 930ha, khu vực chợ Bến Thành được xác định nằm trong các ô phố giữa các tuyến đường Trương Định - Lý Tự Trọng - Nguyễn Trung Trực - Lê Lợi - Lê Lai.
Quy chế cũng xác định một số công trình có giá trị bảo tồn, có đóng góp vào nguồn lực lịch sử của TP bao gồm toàn bộ khuôn viên chợ Bến Thành giới hạn trong ô phố đường Lê Thành Tôn, Phan Bội Châu - công trường Quách Thị Trang - Phan Chu Trinh, một dãy nhà trên đường Phan Chu Trinh đối diện chợ Bến Thành và dãy nhà trên đường Lê Thánh Tôn (hai bên đường Nguyễn Hữu Huân) đối diện khu chợ chính.
Các công trình này bị nghiêm cấm tháo dỡ; việc sửa chữa, phục hồi, xây dựng mới trong khu vực phải tuân thủ quy định. Bất kỳ sửa đổi nào liên quan mặt tiền của các công trình đều không được làm ảnh hưởng đến thiết kế và hình dáng nguyên thủy.
Màu sắc phải hài hòa với các công trình liên kế hoặc sử dụng màu nhạt và sắc độ nhẹ, không bố trí thêm tầng cao hoặc kết cấu mái. Nếu sửa chữa hoặc cải tạo lớn thì mặt tiền công trình đó phải được phục hồi trong trạng thái gần nhất với phần kiến trúc còn lại của dãy công trình...
Với những công trình xây dựng mới trong khu vực chợ Bến Thành cũng được yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe như: màu sắc mặt tiền của các công trình mới phải giống với màu mặt tiền các nhà phố xung quanh, các nhà xây dựng mới phải tôn trọng thiết kế, khối lượng, chiều cao, hình khối, hình thức kiến trúc chủ đạo của khu vực...
Quy định bảo tồn cảnh quan và kiến trúc đối với những công trình nằm cạnh chợ Bến Thành và tòa nhà văn phòng giao thông cũng được áp dụng như những công trình trong khu vực chợ Bến Thành nhằm bảo tồn tuyệt đối cảnh quan, không gian của khu vực này.
Giữ gìn hai không gian biệt thự
Ở khu biệt thự quận 3 được xác định trong các tuyến đường Võ Thị Sáu, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhiệm và Cách Mạng Tháng Tám (trừ phần diện tích 20m từ đường Cách Mạng Tháng Tám) là nơi tập trung nhiều công trình biệt thự có giá trị lịch sử từ thời Pháp và nhiều kiến trúc dân dụng khác hiện còn nguyên dạng.
Theo Sở Quy hoạch kiến trúc, các công trình kiến trúc lịch sử này phải được giữ lại như một tập hợp những minh chứng sáng giá cho cơ cấu phát triển đô thị đặc trưng của khu biệt thự.
Việc xây dựng mới, cải tạo và chuyển đổi công năng phải thực hiện đồng bộ và hài hòa. Các biệt thự có giá trị lịch sử, kiến trúc ở khu vực này phải được bảo tồn, không cho phép tháo dỡ hay di dời trừ khi có lý do chính đáng và hợp pháp. Trường hợp cải tạo hoặc sửa chữa phải được cơ quan chuyên trách xem xét, có ý kiến.
Những công trình không mang giá trị lịch sử kiến trúc trong khu biệt thự này có thể được tháo dỡ và xây dựng mới hoặc chuyển đổi chức năng, nhưng phải tuân thủ những quy định đặc biệt.
Cụ thể như không tổ chức thương mại hoặc văn phòng quy mô lớn hơn 3.000m2, không dựng tường kính cho các công trình mới, mái dốc phải là ngói đỏ hoặc cam, bảng hiệu không được phát sáng...
Trong khi đó, không gian biệt thự khác tại TP Thủ Đức cũng được đưa vào diện bảo tồn, đó là không gian biệt thự Làng Đại học Thủ Đức ở phường Bình Thọ.
Quy chế quản lý kiến trúc cũng yêu cầu không được phép cơi nới, xây chen phá vỡ cảnh quan kiến trúc khuôn viên. Mái ngói hoặc mái che cầu thang trên sân thượng không vượt quá góc giới hạn 45°...
Khu di tích lịch sử văn hóa hồ Con Rùa và khu biệt thự quận 3.- Ảnh: TỰ TRUNG
Còn thiếu nhiều khu vực
Trao đổi với Tuổi Trẻ, KTS Cao Thành Nghiệp cho rằng con số 6 khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn tại TP.HCM là... quá ít. Ở khu trung tâm lịch sử TP, nhiều khu vực gắn liền với lịch sử phát triển của TP, cần được giữ gìn bảo tồn nhưng chưa được nhắc đến.
Cụ thể là khu vực quanh hội trường Thống Nhất, không gian quanh công viên Tao Đàn hoặc một không gian có giá trị đặc biệt với người dân TP.HCM là Thảo cầm viên. Tất cả những khu vực này đều có những công trình lịch sử như hội trường Thống Nhất, đền thờ vua Hùng, Bảo tàng lịch sử...
Bên cạnh đó, khu trung tâm lịch sử của TP.HCM có nhiều không gian cần đưa vào quy định bảo tồn để bảo vệ trước làn sóng cao ốc hóa ở khu trung tâm hiện nay. Đó là các không gian khu trung tâm dọc các trục đường Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, hay như với không gian quanh bến Nhà Rồng (quận 4).
KTS Cao Thành Nghiệp cho rằng khu vực nút giao thông Lê Văn Duyệt - Nơ Trang Long (cạnh đền thờ tả quân Lê Văn Duyệt) là không gian đặc trưng mang tính lịch sử của khu vực Gia Định xưa rất cần được bảo tồn. Do đó, rất cần sớm đưa vào quy chế để có cơ sở cấp phép xây dựng và chỉ tiêu quy hoạch cho những công trình xung quanh.
Một chuyên gia lịch sử tại TP.HCM cũng cho rằng việc TP.HCM đưa quy định về 6 khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn là một động thái tích cực để bảo tồn những cảnh quan lịch sử của TP. Những giá trị kinh tế - văn hóa mà cả khu vực di sản mang lại lớn hơn nhiều giá trị của từng công trình đơn lẻ.
Sẽ bổ sung căn cứ vào thực tế
Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM vừa công bố quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM. Trong quy chế này có nêu về 6 khu vực bảo tồn cảnh quan.
Đó là các khu vực: đặc khu chợ Bến Thành (quận 1), hồ Con Rùa, khu biệt thự (quận 3), khu vực đường Nguyễn Trãi - Phù Đổng Thiên Vương - Lương Nhữ Học - Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), khu vực chợ Bình Tây (quận 6), khu vực Làng đại học (phường Bình Thọ, TP Thủ Đức).
Ngoài 6 khu vực trên, quy chế quản lý kiến trúc cũng quy định Sở Quy hoạch kiến trúc căn cứ vào thực tế quản lý và đề xuất của các cơ quan chuyên môn, hiệp hội nghề nghiệp và các cơ quan có liên quan, báo cáo với UBND TP để ban hành quyết định bổ sung...
Một khu chợ khác ở TP.HCM được đưa vào danh mục bảo tồn là chợ Bình Tây. Đây là ngôi chợ có tuổi đời gần 100 năm, là đầu mối bán sỉ hàng hóa lớn của cả nước và sang một số nước lân cận.
Khu di tích lịch sử văn hóa chợ Bình Tây (quận 6) - Ảnh: TỰ TRUNG
Về thiết kế, đây là ngôi chợ có mái ngói được thiết kế theo kiểu xếp tầng chồng lên nhau tạo không gian thoáng mát. Đây cũng là ngôi chợ có họa tiết rồng phượng đặc trưng của văn hóa phương Đông.
Giữa chợ có khoảng sân rộng rãi, có ghế đá như công viên để người đi chợ nghỉ chân. Chợ Bình Tây và không gian quanh chợ từ lâu đã là một điểm đến mang tính biểu tượng tại khu vực Chợ Lớn của TP.HCM.
Cuối năm 2018, ngôi chợ này đã hoạt động trở lại sau 2 năm nâng cấp, trùng tu, bảo tồn từ nguồn lực đóng góp của các tiểu thương tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận