Thanh tra công tác quản lý nhà nước về dược của Bộ Y tế, TTCP xác định có sáu công ty dược vi phạm trong mua bán nguyên liệu, xuất khẩu, bán thuốc thành phẩm có chất gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc. Điển hình là Công ty dược phẩm Imexpharm bán ra hơn 4 triệu viên thuốc gây nghiện Nucofed trong giai đoạn từ 1-7-2010 đến 31-8-2011 không đúng đối tượng, từ năm 2008 đến tháng 10-2011 bán bảy loại thuốc có hoạt chất gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc sang Campuchia không có giấy phép của Bộ Y tế, không làm thủ tục hải quan.
Công ty TNHH liên doanh Stada - Việt Nam bán 210 chai thuốc Partamol xirô, 24.000 viên Partamol-Codein sang Papua New Guinea không có giấy phép của Bộ Y tế. Công ty cổ phần dược phẩm Minh Hải bán hơn nửa triệu viên thuốc Armicort không đúng đối tượng chỉ trong nửa đầu năm 2011 và có dấu hiệu xuất khống hóa đơn bán hàng hơn 5 triệu viên thuốc Artenfed cho Công ty CP Vật tư y tế dược 10 (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai).
Công ty CP dược phẩm Hà Tây bán gần 1,5 triệu viên Gardenal không đúng đối tượng, Công ty CP dược phẩm Tipharco bán hơn 400.000 viên thuốc hướng tâm thần không đúng đối tượng. TTCP cũng xác định Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM bán và Công ty CP dược phẩm Minh Hải mua 500kg nguyên liệu tiền chất khi chưa có giấy phép của Bộ Y tế.
Kết thúc thanh tra, TTCP kiến nghị một số điều chỉnh về cơ chế chính sách, kiến nghị Bộ Y tế xem xét, xử lý các công ty có sai phạm; làm rõ trách nhiệm các cá nhân vi phạm pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại và không tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng.
Riêng nội dung đơn phản ảnh việc Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang vay 2 tỉ đồng của Công ty BV Pharma, TTCP đã chuyển tài liệu xác minh liên quan đến Ủy ban Kiểm tra trung ương xem xét và ủy ban này đã đề nghị kỷ luật hình thức cảnh cáo đối với ông Quang. Đối với nội dung đơn bảy doanh nghiệp phản ảnh liên quan đến Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường, TTCP xác định các nội dung phản ảnh đều không có cơ sở và không đúng sự thật.
Đối với cuộc thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2004-2011, TTCP kiến nghị xử lý tài chính gần 280 tỉ đồng; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với cán bộ, công chức liên quan đến các vi phạm.
TTCP kết luận công tác quản lý hoạt động khoáng sản sau cấp phép tại Bình Định bị buông lỏng, để nhiều doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nhưng vẫn tiến hành khai thác. Nhiều doanh nghiệp khai thác không đúng thiết kế, quy trình, quy phạm, khai thác kém hiệu quả, lãng phí tài nguyên khoáng sản... Việc xử lý các vi phạm cũng không kiên quyết, không dứt điểm, còn biểu hiện cả nể và né tránh, dẫn đến sai phạm trong hoạt động khoáng sản phức tạp, kéo dài. TTCP xác định sai phạm về tài chính ở tỉnh Bình Định là gần 51 tỉ đồng, chủ yếu là tiền sử dụng đất. Ngoài ra, số tiền sử dụng đất và tiền thuê đất các doanh nghiệp còn nợ lên đến trên 210 tỉ đồng và gần 100.000 USD.
Yêu cầu báo cáo vụ cán bộ kê khai tài sản tăng hàng chục tỉ đồng TTCP đã yêu cầu Hà Nội báo cáo về việc kê khai tài sản tăng hàng chục tỉ đồng/năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả, Phó tổng TTCP Lê Tiến Hào cho biết tại cuộc họp báo. Trước đó, dư luận đã thông tin về việc bà Phạm Mỹ Hoa, giám đốc Trung tâm giao dịch công nghệ thông tin - truyền thông thuộc Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội, kê khai số tài sản tăng thêm trong năm 2012 lên tới hàng chục tỉ đồng. Theo thông tin từ Sở Thông tin - truyền thông và Sở KH-ĐT Hà Nội, do bà Hoa hiểu nhầm bản chất của việc kê khai tài sản nên đã khai chưa đúng với quy định. Cụ thể là số tài sản được bà Hoa kê khai tại Sở Thông tin - truyền thông là tổng tài sản của nhà bà Hoa đang sở hữu chứ không phải là số tài sản tăng thêm trong năm 2012. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận