14/07/2020 20:13 GMT+7

58 container tiêu kẹt tại Nepal: Phải thuyết phục đối tác ký đơn xin tái xuất

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Vài nhà nhập khẩu Nepal đồng ý ký đơn xin tái xuất và cung cấp chứng từ tái xuất. Tuy vậy, để có thể đưa tất cả hàng tiêu bị kẹt tại Nepal về nước, các doanh nghiệp cần chủ động thuyết phục đối tác đồng ý ký vào đơn này.

58 container tiêu kẹt tại Nepal: Phải thuyết phục đối tác ký đơn xin tái xuất - Ảnh 1.

Thu hoạch tiêu - Ảnh: N.Trí

Đó là thông tin được Bộ Công thương phát đi ngày 14-7. Theo Bộ Công thương, Việt Nam đang làm việc tích cực với Nepal để đảm bảo nếu không thể nhập khẩu thì tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam được tái xuất các lô hàng về.

"Đến đầu tháng 7, một vài nhà nhập khẩu Nepal đồng ý ký đơn xin tái xuất và cung cấp chứng từ tái xuất. Tuy nhiên, để có thể đưa tất cả các công hàng về, các doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phải chủ động thuyết phục đối tác của mình đồng ý ký đơn xin tái xuất", Bộ Công thương Việt Nam thông tin.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, ngày 25-3-2020, Bộ Công thương và vật tư Nepal ban hành quyết định tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu (Mã HS: 09041100). Tuy có hiệu lực vào ngày 6-4-2020 nhưng quyết định của Bộ Công thương và vật tư Nepal chỉ cho phép thông quan các lô hàng hồ tiêu nhập khẩu vào Nepal đã được mở tờ khai L/C trước ngày 29-3-2020. 

Trên thực tế, các hợp đồng của 13 doanh nghiệp của Việt Nam phần lớn đều không mở L/C (tín dụng thư). Hơn nữa, trong hơn 2 tháng vừa qua, kể từ ngày Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu, các nhà nhập khẩu tại Nepal có biểu hiện không hợp tác, không trả chứng từ, không ký đơn để các doanh nghiệp Việt Nam làm thủ tục tái xuất. Điều này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tái xuất các lô hàng theo mong muốn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-7, đại diện một doanh nghiệp có hồ tiêu mắc kẹt tại Nepal cho biết nhiều doanh nghiệp không chọn hình thức thức xuất khẩu L/C trong chuyến hàng này, thay vào đó ký hợp đồng thương thảo với đối tác chủ yếu qua online (e-mail).

Tuy vậy, theo đơn vị này, có thể sử dụng vận đơn (thông tin, chứng từ khi hàng lên tàu) để  chứng minh lô hàng xuất trước ngày 29-3 nhằm thỏa yêu cầu của Chính phủ Nepal.

"Thuyền trưởng tàu chở hàng sẽ ký vào vận đơn có các thông tin liên quan đến lô hàng, như ngày giờ xuất, nơi đến, loại hàng...", vị này khẳng định.

Theo nhiều doanh nghiệp, hiện hồ tiêu nằm tại Nepal khiến doanh nghiệp phải trả các chi phí phát sinh lên đến 20.000 USD/container nếu căn cứ theo thông lệ bình thường. Do đó, nhiều doanh nghiệp có thể phải phá sản nếu không có sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước để kéo hàng về nhằm vớt vát lại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-7, ông Nguyễn Nam Hải - chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam - cho rằng với lô hàng 58 container (giá trị trên 3 triệu USD), chi phí lưu bãi, lưu container đến thời điểm này có thể chiếm 30-40% giá trị lô hàng.

"Cần sự chia sẻ, như không tính hoặc giảm mạnh phí lưu container, lưu bãi, vận chuyển hàng từ các công ty để hỗ trợ 13 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu này", ông Hải cho biết.

Trước đó, ngày 13-7, 13 doanh nghiệp đã có đơn kêu cứu lên Thủ tướng khi 58 container tiêu bị kẹt tại Nepal và Ấn Độ trong nhiều tháng qua. 

Cần có biện pháp tránh rủi ro

Từ vụ việc trên, Bộ Công thương khuyến cáo cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với khu vực Nam Á như các thị trường Ấn Độ, Nepal, cần có các biện pháp phòng tránh rủi ro.

"Khi ký kết hợp đồng, các doanh nghiệp cần thiết phải áp dụng các điều kiện thương mại quốc tế như mở L/C không hủy ngang, đặt cọc trước, tránh sử dụng các phương thức khác có nhiều rủi ro, sẽ rất khó xử lý trong các tình huống phát sinh như vụ việc Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu vừa qua", Bộ này chia sẻ.

13 doanh nghiệp kêu cứu Thủ tướng vì 58 container tiêu mắc kẹt tại Nepal, Ấn Độ 13 doanh nghiệp kêu cứu Thủ tướng vì 58 container tiêu mắc kẹt tại Nepal, Ấn Độ

TTO - Do đối tác nhập khẩu không nắm rõ quy định cấm nhập khẩu tiêu của Chính phủ khiến 58 container hồ tiêu Việt Nam "chịu chết" nhiều tháng nay tại Nepal và Ấn Độ vì nhập vào không được mà kéo về lại cũng không xong.

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên