Một học sinh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn tại Nghệ An sáng 27-2 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Chương trình do Báo Tuổi trẻ, phối hợp với Bộ GD-ĐT, sở GD-ĐT, Tỉnh Đoàn Nghệ An tổ chức.
Ngày 28-2, chương trình tư vấn sẽ tiếp tục diễn ra tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP. Thanh Hóa.
Đây là năm thứ 3 chương trình đến với thí sinh xứ Nghệ và năm thứ 2 đến với thí sinh Thanh Hóa.
Tại Nghệ An, chương trình hứa hẹn mang lại nhiều điều bổ ích thiết thực với thành phần ban tư vấn “nhiều màu sắc”, gồm các thầy, cô đến từ nhiều trường ĐH của Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An và Thanh Hóa. Đặc biệt là sự có mặt của lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD, Bộ GD-ĐT.
Những thông tin mới nhất, chính xác nhất về kì thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ sẽ được các thành viên ban tư vấn đề từ Bộ GD-ĐT cung cấp kịp thời cho thí sinh.
Bên cạnh đó các em sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi và lắng nghe tư vấn trực tiếp của các thầy cô về việc chọn ngành nghề, kinh nghiệm ôn thi, đăng kí xét tuyển, những thông tin quan trọng và đáng tin cậy về cơ hội việc làm, điều kiện học tập và làm việc của các ngành nghề khác nhau.
PGS-TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD, Bộ GD-ĐT trong phần thông tin những điểm mới nhất về kì thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ đã nhấn mạnh đến những thay đổi theo hướng có lợi hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn thí sinh trong việc dự thi và xét tuyển ĐH-CĐ.
Đặc biệt, ông Trinh khẳng định với quy định mỗi thí sinh có nguyện vọng vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành trong đợt 1. Và nguyện vọng vào 3 trường, mỗi trường 2 ngành vào đợt xét tuyển bổ sung đảm bảo cho thí sinh có nhiều sự lựa chọn. Ngoài ra, các điều chỉnh về công bố điểm thi, chấm thi sẽ đảm bảo công bằng, chính xác hơn trong kết quả thi của mỗi thí sinh.
Ông Lê Thế Chữ - Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu khai mạc chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2016 tại Nghệ An - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Hàng ngàn học sinh lớp 12 đến từ các Trường THPT tại Nghệ An đã có mặt rất sớm tại sân trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) để tham dự chương trình tư vấn - Ảnh: Nguyễn Khánh |
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT chia sẻ những điểm mới tại kỳ thi năm 2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
TS Vũ Viết Bình, Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội trả lời các câu hỏi của các bạn học sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Nhiều câu trả lời thú vị của Ban tư vấn khiến cho các bạn học sinh phải bật cười - Ảnh: Nguyễn Khánh |
PGS.TS Lê Hiếu Giang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM trả lời các câu hỏi của các bạn học sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Trung tá Trần Văn Đồng, phó giám đốc Trung tâm thông tin khoa học tư liệu, Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy giải đáp thắc mắc của học sinh Nghệ An - Ảnh: Doãn Hòa |
Học sinh Nghệ An dự chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp sáng 27-2 tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu - Ảnh: Doãn Hòa |
Băn khoăn tiêu cực trong thi cử
Trong 60 phút tư vấn chung, rất nhiều học sinh thẳng thắn đặt những câu hỏi khá hóc búa và cũng khá nhạy cảm đối với các thầy cô trong ban tư vấn.
“Em nghe các anh chị thi năm trước cho biết việc coi thi ở một số phòng thi còn lỏng lẻo. Như vậy thì có khách quan công bằng không khi sử dụng kết quả thi để xét tuyển?”, câu hỏi này của một học sinh đã được nhiều học sinh khác hưởng ứng.
PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD, Bộ GD-ĐT khẳng định với việc giao cho các trường ĐH chủ trì cụm thi và tăng cường lực lượng cán bộ, giảng viên ĐH tham gia coi thi, thanh tra coi thi, chấm thi sẽ hạn chế tình trạng tiêu cực thi cử.
Bên cạnh đó việc tiếp tục đổi mới việc ra đề thi theo hướng khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức, giảm câu hỏi thuộc lòng, máy móc cũng giúp cho tình trạng quay cóp, sử dụng “phao” thi giảm bớt.
TS Nguyễn Thanh Mỹ, Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Vinh, nơi tổ chức cụm thi tại Nghệ An cũng cho rằng, với việc chuẩn bị năm nay, các em học sinh nghiêm túc hoàn toàn có thể tin tưởng vào kỉ cương của kì thi.
Rất nhiều lo lắng của thí sinh liên quan tới các điểm mới chứng tỏ đây vẫn là vấn đề các em chưa hiểu kĩ, còn lúng túng. Nhiều băn khoăn nhất tập trung vào việc xét tuyển theo các nguyện vọng như thế nào. Nhiều học sinh bày tỏ nỗi lo tăng” ảo” khi Bộ GD-ĐT chưa đưa ra được phương án chống “ảo” khi năm nay thí sinh không dùng chứng nhận kết qua thi để đăng kí xét tuyển.
"Liệu có xảy ra tắc nghẽn khi xem công bố điểm thi và tắc nghẽn khi xếp hàng nộp hồ sơ như năm trước không? Đăng kí xét tuyển trực tuyến có an toàn không? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu việc đăng kí theo hình thức trực tuyến không thành công?", nhiều học sinh thắc mắc.
PGS-TS Mai Văn Trinh cho biết các trường ĐH-CĐ sẽ có giải pháp kĩ thuật đảm bảo việc “chống ảo”. Năm nay Bộ GD-ĐT giao cho các đơn vị chủ trì cụm thi công bố điểm thi nên sẽ không có tình trạng tắc nghẽn như năm trước.
Việc quy định đăng kí xét tuyển với các mã số (thay cho việc quy định dùng giấy chứng nhận kết quả xét tuyển) cũng sẽ giúp thí sinh yên tâm với việc đăng kí trực tuyến, không cần phải đến tận trường xếp hàng đăng kí như trước.
Vào Nam hay ra Bắc?
Với đặc thù của dải đất miền Trung khiến nhiều học sinh xứ Nghệ thêm nhiều băn khoăn cho sự lựa chọn hướng đi của mình, vào Nam hay ra Bắc?
“Có phải các trường ĐH ngoài Bắc chỉ thiên vào đào tạo lý thuyết còn các trường phía Nam thì thiên về đào tạo thực hành không?", một học sinh nêu thắc mắc.
TS Vũ Viết Bình, Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN cho rằng “suy nghĩ trên hoàn toàn không chính xác trong thời điểm hiện nay. Vì rất nhiều trường ĐH cả trong Nam và ngoài Bắc hiện nay muốn xây dựng danh tiếng, uy tín đều phải chú trọng thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với đòi hỏi của xã hội về nguồn nhân lực cho các ngành nghề. Vì đào tạo đúng nhu cầu, cơ hội việc làm sẽ tốt, đó cũng là tiêu chí để thu hút người học.
PGS- TS Lê Hiếu Giang, Phó hiệu trưởng trường ĐH sư phạm kĩ thuật TP.HCM giải thích thêm hiện nay việc phân tầng đại học cũng đang hình thành. Có những trường nghiêng về phía cung cấp nhân lực có kĩ năng thực hành thì sẽ chú trọng việc này hơn, bên cạnh đó có những trường ĐH đào tạo hàn lâm, thiên về nghiên cứu. Vì thế các em học sinh cần suy nghĩ, để chọn trường phù hợp với năng lực, đặc biệt là mong muốn, sở thích của mình.
PGS-TS Giang cũng cho rằng trong xu thế hội nhập, cơ hội việc làm, nhất là cơ hội cho những người giỏi, có năng lực chuyên ngành và kĩ năng làm việc rất cao. Vì thế ngành nào, cơ hội việc làm cũng tốt nếu sinh viên nỗ lực để có năng lực tốt, và các kĩ năng mềm cần thiết khác.
Vẫn quan tâm tới nghề sư phạm
Nhiều thí sinh vẫn bày tỏ quan tâm tới khối ngành Xã hội Nhân văn, đặc biệt là ngành Sư phạm. Băn khoăn của các em cũng thực tế, cụ thể như muốn dự thi vào sư phạm Mầm non thì cần năng khiếu, tố chất, kĩ năng gì? Hiện nay cơ chế đãi ngộ cho giáo viên Mầm non thế nào?
Ths Đinh Việt Hải, Phó trưởng phòng đào tạo, Trường Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội tư vấn: “Dù là nghề thì thì các em cũng cần biết đặc điểm của nghề mình định làm. Làm giáo viên mầm non, những áp lực mà các bạn phải chịu đựng là không hề nhỏ, mà muốn chịu được như thế, thì cần phải biết cách giải tỏa áp lực.
Nếu các em không thích trẻ con, thì nên cân nhắc trước khi chọn công việc liên quan đến giáo dục. Nếu không có khả năng giao tiếp, làm việc với con người, thì nên cân nhắc trước khi chọn các ngành liên quan đến khoa học xã hội”.
Thầy Đinh Việt Hải cũng nhấn mạnh rằng chọn nghề phải dựa trên sự hiểu biết, tìm tòi và đam mê. Hơn hết, những bạn đang muốn tìm hiểu và lựa chọn nghề làm thầy, cần phải biết rõ những khó khăn, áp lực sẽ phải vượt qua. Nhưng bên cạnh khó khăn, đó cũng là một trong những nghề được xã hội tôn vinh, coi trọng.
Nhiều học sinh nữ muốn chọn nghề “sắt đá”
Khối ngành Công an, Quân đội thu hút nhiều quan tâm của các học sinh xứ Nghệ. Đặc biệt, khá nhiều học sinh nữ quan tâm tới khối ngành này.
Mặc dù các thầy đại diện cho hai khối trường này cho biết chỉ tiêu dành cho nữ rất hạn chế, điều kiện sơ tuyển, xét tuyển và yêu cầu của môi trường học tập cũng khắt khe hơn so với khối dân sự nhưng vẫn có rất nhiều nữ sinh muốn được hỏi cặn kẽ về điều kiện ngoại hình, thị lực, lý lịch bản thân.
Khu tư vấn có các đại diện khối ngành công an quân đội kết thúc muộn nhất chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Nghệ An do còn quá nhiều điều các bạn học sinh muốn biết. “Em thích vì sự nghiêm túc của môi trường công an. Hơn nữa nhìn các bạn nữ mặc sắc phục công an, cũng hấp dẫn lắm”, một thí sinh bày tỏ.
Năng động sẽ không sợ thất nghiệp
Không chỉ băn khoăn về chọn ngành học nào, nhiều học sinh còn lo lăng về…viễn cảnh thất nghiệp.
Tại khu tư vấn chuyên sâu về nhóm ngành Kinh tế, Tài chính-Ngân hàng, Quản trị Kinh doanh, Ngoại giao và Ngoại ngữ, một học sinh băn khoăn về tỉ lệ thất nghiệp sau khi ra trường của ngành Quản trị kinh doanh của trường Đại học Kinh tế quốc dân: Tại sao có nhiều người nói học ngành đó sau này ra sẽ làm sai ngành hoặc không có việc làm?
TS. Lê Việt Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế quốc dân giải thích: "Khi các bạn ra làm về quản trị kinh doanh thì sẽ tập trung 4 lĩnh vực chính: quản trị nhân sự, quản trị marketing, quản trị vận hành sản xuất tác nghiệp, quản trị tài chính.
Thường thì với ngành này, các bạn có một phổ rất rộng để xin việc. Không chỉ ở các doanh nghiệp mà còn ở các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan quản lý về doanh nghiệp như Sở Kế hoạch Đầu tư, hay Sở Công thương. Đó là những địa chỉ cụ thể các bạn có thể nhìn thấy được.
Ngoài ra cũng có rất nhiều bạn sau khi ra trường 1, 2 năm thì về mở công ty. Đây cũng là một xu hướng lớn mà nhà trường và đất nước mong muốn chuyển đổi theo. Vì vậy, ngành QTKD thực sự phù hợp với bạn nào năng động một chút và có ý tưởng sáng tạo".
Cũng đầy lo lắng về thất nghiệp sau ra trường, một bạn học sinh đặt câu hỏi: "Em đọc trên Internet có thông tin SV Ngoại thương bằng giỏi vẫn thất nghiệp? Không biết thông tin này có đúng không ạ?”.
PGS-TS Lê Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại thương, giải đáp: "Tôi xin công bố kết quả khảo sát tốt nghiệp của trường ĐH Ngoại thương sau 1 năm ra trường: Tỉ lệ sinh viên có việc làm 6 tháng sau khi tốt nghiệp là trên 90%.
10% còn lại có thể là do các bạn đi du học, các bạn học tiếp Cao học và có những bạn thì chưa tìm được việc làm theo mong muốn của mình. Vấn đề là việc làm như thế nào, có phù hợp với mục tiêu và nguyện vọng của các bạn hay không?".
TS Lê Thị Thu Thuỷ, Trưởng phòng quản lý đào tạo trường ĐH Ngoại Thương trả lời các thắc mắc của học sinh về các thông tin tuyển sinh của nhà trường trong kỳ thi 2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông Lâm TP.HCM trả lời câu hỏi từ phía các bạn học sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Th.S Đinh Việt Hải, Phó phòng Đào tạo trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG HN trả lời các thắc mắc của các học sinh liên quan đến nhóm ngành Khoa học xã hội - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Một học sinh đặt câu hỏi liên quan đến việc tuyển sinh vào nhóm trường công an, quân đội - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Kết thúc chương trình tuyển sinh - hướng nghiệp tại Nghệ An, các học sinh đến sát bàn tư vấn để đặt câu hỏi trực tiếp đến đại diện của các trường Đại học - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận