25/02/2025 08:32 GMT+7

50 năm tâm huyết giành lại sự sống cho bệnh nhi

Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam hiện đã 77 tuổi nhưng vẫn tiếp tục cống hiến giành lại sự sống cho những bệnh nhi nặng. Thầy còn đào tạo đội ngũ y, bác sĩ nhi khoa trên cả nước để những bệnh nhi ở các vùng xa không bị thiệt thòi trong điều trị.

50 năm tâm huyết giành lại sự sống cho bệnh nhi   - Ảnh 1.

Thầy Bạch Văn Cam (trái) và TS Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: THÙY DƯƠNG

"Nhiều người khuyên ở tuổi 77 tôi nên nghỉ ngơi nhưng tôi vẫn muốn góp sức mình "hội chẩn" những ca khó, muốn dành thời gian còn lại đào tạo các bác sĩ nhi khoa. Ngày nào còn hơi thở, tôi vẫn sẽ tiếp tục cống hiến...", Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam nở nụ cười hiền hậu chia sẻ.

Học trò ở khắp cả nước

Tuổi 77, thầy Cam vẫn đi lại nhanh nhẹn, làm việc với đầy đam mê mà theo nhận xét của ông Ngô Ngọc Quang Minh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM: "Nhiều bác sĩ trẻ khó theo kịp được thầy. Từ 3h sáng thầy Cam đã thức dậy cập nhật kiến thức mới nhất về y khoa trên thế giới. Các bác sĩ trong bệnh viện vẫn luôn phải học hỏi thầy, nhờ thầy tìm tài liệu giúp…".

Một bác sĩ gắn bó với khoa hồi sức, cấp cứu 5-10 năm đã hiếm, còn thầy Cam gắn bó với khoa cấp cứu hơn 50 năm, từ khi còn là một chàng trai trẻ, học bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Dược TP.HCM, thầy Cam đã vào làm việc ở khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1. Sau đó làm trưởng khối hồi sức, cấp cứu bệnh viện này. Hiện thầy Cam làm cố vấn cao cấp khoa hồi sức, cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, phó chủ tịch Hội Hồi sức, cấp cứu chống độc Việt Nam, chủ tịch Hội Hồi sức, cấp cứu TP.HCM.

Hiện thầy Cam vẫn đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khi bệnh viện cần hội chẩn những ca bệnh khó. Thầy vẫn đứng lớp trong suốt 18 năm qua để truyền cảm hứng và giảng dạy cho các bác sĩ cấp cứu, nhi khoa trên khắp các tỉnh thành cả nước. Đến nay đã có khoảng 500 bác sĩ được đào tạo theo chương trình này.

Thầy Cam tự hào rằng giờ thầy đến tỉnh thành nào cũng có học trò của mình ở đó. Tại TP.HCM, những bác sĩ có tiếng trong ngành nhi khoa như PGS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế, TS Ngô Ngọc Quang Minh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, TS Hà Mạnh Tuấn - nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, TS Cam Ngọc Phượng - Bệnh viện Tâm Anh… đều là học trò của thầy Cam.

Bác sĩ có thể "cải số" cho bệnh nhân

Hàng chục năm làm việc tại khoa cấp cứu, thầy Cam điều trị rất nhiều bệnh nhi nặng. Nhưng "ấn tượng" nhất phải kể đến những bệnh nhi bị viêm ruột hoại tử trong những năm 1980. Ngày đó rất nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng sốt, tiêu chảy, tiêu ra máu, da nổi bông, sốc… và dù các bác sĩ điều trị rất tích cực nhưng chỉ 1-2 ngày sau bệnh nhi đều không thể tránh được tử vong. Biết bệnh nhân sẽ tử vong mà bác sĩ không thể can thiệp là nỗi khổ tâm lớn của người bác sĩ. Câu chuyện của hai mẹ con một bệnh nhi tử vong làm thầy Cam trăn trở, không muốn chấp nhận thực tế này.

Phải có cách cứu sống những bệnh nhi này chứ? Và thầy Cam đã nghĩ ra rằng phải truyền dịch nhanh hơn, tăng gấp 3 lần khi trẻ bị tiêu chảy so với mức cũ. Đó là những thay đổi trong phác đồ điều trị viêm ruột hoại tử. Thay đổi phác đồ điều trị, có đến 40% số ca ra sốc nhưng sau đó lại tử vong. Thầy Cam lại phối hợp với bác sĩ ngoại khoa để ngay khi bệnh nhi ra sốc sẽ được đưa lên phòng mổ cắt bỏ đoạn ruột bị hoại tử. Và điều kỳ diệu đã xảy ra khi tỉ lệ cứu sống lên đến hơn 30%.

Một ca điều trị thất bại hay ngay cả ca thành công thầy Cam cũng luôn xem lại quá trình điều trị có thiếu sót gì hay không. Với ca thành công, thầy vẫn tiếp tục suy nghĩ xem có cách nào điều trị cho bệnh nhân hay hơn nữa không, có thể rút ngắn ngày nằm viện… Những năm 1980-1990 những bệnh lý nhiễm trùng như viêm phổi... tử vong nhiều. Nguyên nhân là do trẻ bị khó thở, suy hô hấp mà chỉ được hỗ trợ oxy để thở vì lúc đó Việt Nam chưa có máy thở.

Thầy Cam đọc tài liệu thấy các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch... có hệ thống thở áp lực dương liên tục điều trị cho những trẻ sơ sinh mắc bệnh màng trong do sinh thiếu tháng bị suy hô hấp. "Hệ thống này có thể cứu sống trẻ viêm phổi bị suy hô hấp không?", thầy Cam đặt vấn đề.

Sau đó, một tổ chức phi chính phủ của Đan Mạch đưa các bác sĩ đến làm việc với Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại buổi làm việc đó, thầy Cam đã nêu ra ý tưởng này để hai bên phối hợp tiến hành nghiên cứu. Bên Đan Mạch đưa thầy Cam và một bác sĩ nữa qua Đan Mạch học cách vận hành hệ thống máy trong vòng ba tháng. Khi học xong bên Đan Mạch chuyển bốn chiếc máy về Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị cho bệnh nhi. Hệ thống này đã cứu sống rất nhiều cháu bé viêm phổi bị suy hô hấp. Từ thành công đó, các tỉnh thành trên cả nước hiện đều sử dụng hệ thống này điều trị cho trẻ viêm phổi bị suy hô hấp.

Thầy Cam còn nhiều sáng kiến trong điều trị như đo áp lực tĩnh mạch trung ương ở vị trí khuỷu tay cho những bệnh nhân sốt xuất huyết để nhiều bệnh nhi được truyền dịch kịp thời. Thầy cũng là người viết chính những phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng... hiện đang được áp dụng trong cả nước.

Chọn nghề y để cứu những bệnh nhi như em trai mình

Thầy Cam sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Cần Giuộc, Long An. Ngày đó trong huyện trẻ em thường chỉ học đến lớp 5, sau đó nghỉ học ở nhà để giúp gia đình công việc nhà, đồng áng.

Nhà thầy Cam có sáu anh chị em. Dù ba mẹ là nông dân nhưng luôn muốn các anh chị em của thầy được học hành, có bao nhiêu tiền đều dồn hết cho các con học hành. Lúc thầy Cam 8 tuổi, người em trai út 4 tuổi bị bệnh viêm phổi và đã tử vong.

Thầy Cam không bao giờ quên được buổi chiều hôm đó khi bác sĩ nói không thể cứu em trai thầy. Mẹ thầy chết lặng khi mất đi người con. Cũng từ ngày đó thầy Cam quyết sẽ theo nghề y để cứu chữa cho những bệnh nhi như em trai thầy. Sau này khi đậu vào Trường đại học Y Dược TP.HCM, thầy Cam đã chọn chuyên khoa nhi và học bác sĩ nội trú nhi.

Từ nỗi đau mất người thân, thầy Cam luôn nhìn thấu thân phận của những bệnh nhi trong bóng dáng người em trai thuở nào. Thầy luôn cố gắng học hỏi, trăn trở, tìm mọi cách giành lại sự sống cho bệnh nhi. Thầy Cam cho rằng một bác sĩ giỏi có thể "cải số" được cho bệnh nhân.

Mới đây thầy Cam cùng gia đình đi du lịch sông nước ở Cái Bè, Tiền Giang. Đang đi bỗng một người phụ nữ chạy ra ôm chầm lấy thầy và nói: "Bác sĩ Cam - người đã cứu con tôi đây".

"Lúc gia đình tôi về, cả nhà bệnh nhân ngồi trên chiếc cầu khỉ vẫy tay mãi. Bệnh nhi tôi cứu ngày nào giờ đã là một chàng trai khỏe mạnh. Tôi thật sự xúc động trước tình cảm của gia đình bệnh nhi dành cho mình...", thầy Cam tự hào kể lại.

Thầy Bạch Văn Cam:

* Nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 1996.

* Nhận Huân chương Lao động hạng 3 năm 2008.

* Nhận danh hiệu Thầy thuốc nhân dân năm 2010.

Người thầy hết lòng vì bệnh nhi

50 năm tâm huyết giành lại sự sống cho bệnh nhi   - Ảnh 2.

Thầy Bạch Văn Cam báo cáo đề tài tại một hội nghị nhi khoa năm 2024 - Ảnh: H.MAI

PGS Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Thầy Bạch Văn Cam là tấm gương mẫu mực của một người bác sĩ. Thầy không chỉ hết lòng điều trị cho bệnh nhi mà còn hết sức, hết tâm đào tạo cho bác sĩ nhi khoa, đặc biệt là về cấp cứu.

Thầy mẫu mực chăm lo đào tạo thế hệ kế tiếp từ thời thầy còn đương nhiệm, sau khi về hưu thầy còn chủ động đề xuất các lớp để đào tạo cho các bác sĩ nhi khoa không chỉ ở TP.HCM mà còn cho các tỉnh.

Thầy là một trong những cố vấn hàng đầu nhi khoa hiện nay. Tuy đã lớn tuổi nhưng thầy vẫn cập nhật kiến thức, đề xuất một số giải pháp điều trị... Thầy cũng là người chủ lực tham gia xây dựng các phác đồ cấp cứu trong nhi khoa.

50 năm tâm huyết giành lại sự sống cho bệnh nhi   - Ảnh 3.13.000 trẻ mắc bệnh tim mạch được phẫu thuật, giấc mơ ấp ủ 20 năm

20 năm qua, dưới "bàn tay vàng" của các bác sĩ phẫu thuật tim mạch nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), hơn 13.000 trẻ em mắc dị tật tim bẩm sinh nặng, phức tạp được trả lại trái tim lành mạnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên