07/07/2017 11:59 GMT+7

5 phương pháp gián điệp của Trung Quốc

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Để thu thập tin tức tình báo, Trung Quốc đã kết hợp cách thức cổ điển là lôi kéo, cài người và phương tiện công nghệ hiện đại.

Trung Quốc đã nắm được thông tin về máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ - Ảnh: Không quân Mỹ
Trung Quốc đã nắm được thông tin về máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ - Ảnh: Không quân Mỹ

Nếu ai đó đề nghị đưa tiền cho bạn và bạn không cần làm gì hết mà vẫn có số tiền đó, chắc chắn đó là cái bẫy mà bạn không nhận ra

Glenn Duffie Shriver

Có năm phương pháp moi tin: 1) Xâm nhập mạng; 2) Cài cắm gián điệp, tuyển dụng người làm gián điệp; 3) Sử dụng sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài; 4) Sử dụng nhà báo; 5) Cài đặt phần mềm gián điệp vào máy móc phổ thông.

“Những người bạn Trung Quốc”

Ngoài các viên chức Chính phủ Mỹ có khả năng tiếp cận thông tin mật, tình báo Trung Quốc còn nhắm đến các du học sinh Mỹ tại Trung Quốc mà trường hợp tiêu biểu là sinh viên Mỹ Glenn Duffie Shriver.

Đây là trường hợp duy nhất liên quan đến một công dân Mỹ được Trung Quốc tuyển mộ làm gián điệp với ý đồ hoạt động thường xuyên ở Mỹ.

Shriver sinh năm 1981, đăng ký học Đại học Quốc gia Grand Valley ở Allendale (bang Michigan) đồng thời theo học tiếng Trung.

Xong năm thứ nhất năm 2001, Shriver sang học lớp hè ở trường đại học tại Thượng Hải. Năm sau đó, Shriver đăng ký chương trình học tiếng Trung ở nước ngoài của Trường Grand Valley rồi sang Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải học khoa quan hệ quốc tế.

Đến tháng 10-2004 sau khi tốt nghiệp Trường Grand Valley, Shriver quay trở lại Thượng Hải lần thứ ba.

Trong lúc cần việc làm, Shriver đọc được quảng cáo trên báo cần tìm người có kiến thức về châu Á để viết khảo luận về quan hệ Trung - Mỹ liên quan đến Đài Loan và CHDCND Triều Tiên.

Shriver viết xong khảo luận, một cô gái Trung Quốc xưng tên Amanda đến gặp và trả 120 USD. Vài tháng sau, Amanda đề nghị giới thiệu cho Shriver làm quen với một số mối quan hệ. Shriver đồng ý. Cô ta dẫn Shriver gặp một người họ Đường và một người họ Ngô.

Thật ra cả ba người đều là sĩ quan tình báo và chính Shriver cũng suy đoán được điều đó. Họ nói muốn kết bạn và gợi ý Shriver nên thi vào các vị trí quan trọng trong CIA hay cơ quan tình báo Mỹ.

Trong hai năm 2005 và 2006, Shriver đã thi hai lần làm nhân viên cơ quan ngoại giao Mỹ ở Thượng Hải nhưng không đậu, dù vậy vẫn được “những người bạn Trung Quốc” trả 30.000 USD.

Tháng 6-2007, Shriver và “những người bạn Trung Quốc” nhắm đến mục tiêu cao hơn, đó là thi vào Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ (trực thuộc CIA).

Thông thường cơ quan tình báo nước ngoài tuyển người đang làm việc trong cơ quan cần thu thập thông tin. Còn đối với Shriver, tình báo Trung Quốc muốn cài người ngay từ đầu vì khó bị phát hiện hơn.

Hai tháng sau khi xin việc ở CIA, Shriver đến Thượng Hải tiếp xúc với “những người bạn Trung Quốc” và được trả 40.000 USD vì đã xin vào CIA.

Tính ra từ năm 2004, Shriver đã gặp các nhân viên tình báo Trung Quốc khoảng 20 lần và gặp Amanda là người phụ trách chính hầu như mỗi tháng.

Tuy nhiên, trong đơn xin việc và trong lúc trả lời kiểm tra tuyển dụng lần chót của CIA vào tháng 6-2010, Shriver đều nói dối không tiếp xúc với chính phủ nước ngoài, không tiếp cận hay nhận tiền của cơ quan tình báo nước ngoài.

Thật ra cuộc kiểm tra tuyển dụng chỉ là màn kịch dàn dựng. Từ trước CIA và FBI đã biết Shriver có liên lạc với tình báo Trung Quốc.

Ngày 22-6-2010, tức một tuần sau khi dự buổi kiểm tra tuyển dụng của CIA, Shriver chuẩn bị lên máy bay ở sân bay Detroit để đi Hàn Quốc thì các nhân viên FBI xuất hiện giải đi.

Shriver nhận tội đã chuyển thông tin quốc phòng cho tình báo Trung Quốc. Tháng 1-2011, Shriver bị kết án 48 tháng tù.

Gián điệp mạng và cài người

Tháng 11 năm ngoái, Ủy ban Thẩm định kinh tế và an ninh Mỹ - Trung (trực thuộc Quốc hội Mỹ) đã trình quốc hội báo cáo thường niên về hoạt động tình báo của Trung Quốc.

Theo báo cáo, hoạt động tình báo của Trung Quốc đối với Mỹ đã gia tăng đáng kể trong 15 năm qua và do nhiều cơ quan tình báo Trung Quốc thực hiện, nguy cơ từ các chiến dịch thu thập tin tức tình báo ngày càng lớn và tăng dần.

Hai nguy cơ nguy hiểm nhất hiện nay từ Trung Quốc là âm mưu tấn công mạng và cài người vào các cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ.

Gián điệp Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập các cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ và đánh cắp tài liệu mật của Lầu Năm Góc về phương án chiến tranh của Mỹ nếu xảy ra xung đột trong tương lai với Trung Quốc.

Trong số cơ quan bị xâm nhập có FBI và Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM). Một trong những trường hợp gây thiệt hại nặng nề là trung tá về hưu Benjamin Pierce Bishop.

Bishop đã chuyển cho Trung Quốc thông tin về các kế hoạch tác chiến của Mỹ, vũ khí hạt nhân, máy bay không người lái MQ-9 Reaper và báo cáo mật “Chiến lược Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ”.

Ngoài ra, trong các chiến dịch tình báo con người, cơ quan quân báo Trung Quốc đã tuyển mộ trung tá không quân về hưu James Wilbur Fondren, phó giám đốc văn phòng liên lạc của PACOM tại Washington, và Gregg William Bergersen, chuyên viên phân tích vũ khí của Cục Hợp tác an ninh quốc phòng.

Ủy ban Thẩm định kinh tế và an ninh Mỹ - Trung khẳng định tình báo Trung Quốc đã thu thập được nhiều thông tin quốc phòng của Mỹ, trong đó có các kế hoạch và chiến dịch của quân đội Mỹ, các thiết kế vũ khí và hệ thống vũ khí Mỹ.

Các mục tiêu bị gián điệp mạng chú ý liên quan đến ngoại giao, kinh tế và công nghiệp quốc phòng.

Họ cũng nhắm đến các mục tiêu cơ sở hạ tầng then chốt của Mỹ như mạng lưới điện, mạng lưới tài chính và Trung Quốc đủ khả năng gây hỗn loạn hoặc gây thiệt hại đáng kể.

Đối với mục tiêu là tầng lớp quyết định chính sách Mỹ, tin tặc đã từng tấn công mạng của Cơ quan Quản lý nhân sự liên bang và đánh cắp hồ sơ 22 triệu viên chức.

Với thông tin thu thập được, Trung Quốc sẽ hiện đại hóa quân đội, nắm được cơ sở hạ tầng và kế hoạch tác chiến của quân đội Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ có khái niệm về viễn cảnh đối phó với Trung Quốc của Mỹ. Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc sẽ phác họa được mạng lưới quốc phòng, hậu cần và năng lực tác chiến của Mỹ để chuẩn bị đối phó.

Giữa tháng 4-2014, FBI đã phát hành trên YouTube đoạn băng video dài 30 phút về trường hợp của Glenn Duffie Shriver để cảnh báo nguy cơ bị dụ dỗ làm gián điệp.

Shriver nêu ra bốn yếu tố để các thanh niên Mỹ có đi Trung Quốc khỏi rơi vào bẫy.

Một là nhân viên tình báo Trung Quốc thường nhấn mạnh chỉ muốn làm bạn với luận điệu: “Bạn cần tiền hả? OK đừng lo. Chúng tôi chỉ muốn giao lưu với bạn thôi”.

Hai là nhân viên tình báo Trung Quốc đưa danh thiếp chỉ ghi tên và số điện thoại.

Ba là nhân viên tình báo Trung Quốc rất quan tâm đến tương lai của bạn.

Bốn là không ai đưa tiền cho bạn mà không đòi hỏi điều gì.

Xem các kỳ trước:

Kỳ 5: Từ giáo sư già đến cô sinh viên trẻ
Kỳ 4: Móc nối Hoa kiều hoạt động tình báo
Kỳ 3: Gián điệp ở PACOM
Kỳ 2: Nhân viên ngoại giao Mỹ sa bẫy
Kỳ 1: Cựu đặc vụ CIA bán tin

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên