Điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn quan trọng, thí sinh không nên lơ là
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý như trên tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đang diễn ra tại Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Ước tính khoảng 20.000 phụ huynh, học sinh tham dự ngày hội.
Chia sẻ tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 đang diễn ra tại Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM (268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM), PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết vài ngày tới, bộ sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024.
Quy chế mới chủ yếu điều chỉnh về mặt kỹ thuật để có kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh. Đối với thí sinh, điều quan tâm nhất là phụ lục chứng chỉ ngoại ngữ sử dụng miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ.
Tháng 4-2024, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Sau khi thi xong, có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển đại học. Lúc đó thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp vừa biết kết quả xét tuyển sớm do các trường đại học công bố.
"Các em cần lưu ý dù đã trúng tuyển sớm nhưng vẫn chưa đỗ chính thức. Theo quy định, thí sinh phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thí sinh phải xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên ngành nào yêu thích nhất lên trên.
Việc đăng ký xét tuyển năm nay hầu như không có thay đổi gì so với năm ngoái, được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Trong thời hạn Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng. Nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, sau đó lại muốn trúng tuyển nguyện vọng 5 thì không thể thay đổi được nữa", bà Thủy nói.
Cũng theo bà Thủy, năm nay tuy có một số trường đại học có thể không xét tuyển bằng điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng gần như 100% các trường đại học vẫn dành số chỉ tiêu nhất định cho các phương thức xét tuyển này. Do vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn vô cùng quan trọng, kết quả này khẳng định năng lực học tập của các em trong quá trình học THPT.
Học tổ hợp, thi đánh giá năng lực ra sao?
Một phụ huynh thắc mắc: "Kỳ thi đánh giá năng lực năm sau sẽ thế nào khi học sinh học tổ hợp môn khác nhau, có tổ hợp học có tổ hợp không học. Vậy thi có khác năm nay? Năm ngoái thi đánh giá năng lực nhưng không đăng ký chọn nguyện vọng vào trường nào, năm nay có được phép sử dụng kết quả thi đó xét tuyển vào trường nào không?".
ThS Phùng Quán - Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết đối với kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2025 chắc chắn sẽ khác năm nay. Năm nay thí sinh sẽ thi 120 câu trong vòng 150 phút.
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM gồm 3 phần: sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic, phân tích số liệu; và giải quyết vấn đề, nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh.
"Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM từ năm 2025 vẫn gồm 3 phần: sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; và giải quyết vấn đề. Sự điều chỉnh so với bài thi hiện tại tập trung chủ yếu vào phần giải quyết vấn đề. Thí sinh sẽ được lựa chọn thực hiện 3 trong số 6 nhóm vấn đề trong quá trình làm bài", ông Quán cho hay.
Về việc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào các trường thành viên, Đại học Quốc gia TP.HCM quy định chỉ dùng kết quả thi năm tuyển sinh. Hiện có Trường đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt cho phép thí sinh sử dụng lại kết quả kỳ thi năm trước để xét tuyển.
Trong khi đó một phụ huynh khác thắc mắc tổng thời gian học của sinh viên y khoa để ra trường làm việc có lương là bao lâu.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho hay ở bậc đại học, tùy theo ngành mà có thời gian học khác nhau. Trong đó ngành y khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng học ra được cấp bằng bác sĩ có thời gian học dài hơn là 6 năm. Ngành dược học có thời gian học 5 năm, còn các ngành cử nhân (xét nghiệm, điều dưỡng, hộ sinh…) có thời gian học 4 năm.
Theo quy định, một số ngành lĩnh vực khoa học sức khỏe bắt buộc phải học thêm thực hành nghề nghiệp để lấy chứng chỉ hành nghề. Theo quy định hiện nay, bác sĩ mới tốt nghiệp phải học thêm 18 tháng thực hành.
Bắt đầu từ 1-1-2027, bác sĩ bắt buộc phải thi thêm một kỳ thi năng lực. Nếu không thi đạt kỳ thi này, dù có bằng bác sĩ vẫn không được hành nghề.
"Như vậy, thời gian học của sinh viên y khoa phải dài hơn nữa. Điều này cũng giúp học sinh cân nhắc, lựa chọn những trường đào tạo có chất lượng. Sau này sẽ có tình trạng dù có bằng bác sĩ, thực hành đủ nhưng không vượt qua được kỳ thi đánh giá năng lực cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia thì sẽ không làm việc được. Các em muốn học nhóm ngành khoa học sức khỏe có quá trình đầu tư tương đối dài so với các ngành khác", ông Khôi lưu ý.
Học ngành nghề nào có cơ hội việc làm nhiều nhất 5 năm tới?
Trả lời thắc mắc của một phụ huynh quan tâm tới nhóm ngành kinh tế về dự báo trong 5 năm tới ngành nào có cơ hội việc làm lớn nhất, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM - cho biết hầu hết học sinh, phụ huynh đều muốn chọn ngành phù hợp với nhu cầu của xã hội để có cơ hội việc làm rộng mở.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước và thế giới hiện nay rất khó để đưa ra dự báo chính xác cho một vài năm tới ngành nghề nào sẽ có cơ hội việc làm nhiều nhất. Đặc biệt, trong thời công nghệ bùng nổ hiện nay đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng và cơ quan quản lý rất nhiều.
Xu hướng đào tạo hiện nay có tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành và đa lĩnh vực. Cho nên những ngành nghề nào có kiến thức cộng hưởng về kỹ năng của nhiều lĩnh vực khác nhau thì sẽ tạo ra sự an toàn cho người sở hữu tấm bằng đại học tương lai.
Hiện nay, xu hướng kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán kinh tế truyền thống. Đừng xem học đại học như là học nghề. Ở trường đại học, cái mà sinh viên thụ hưởng đó là sự tự học, tự nghiên cứu để thay đổi, nâng cấp bản thân để tấm bằng đại học của mình không cũ kỹ, lạc hậu, dù nền kinh tế phát triển thế nào.
"Như vậy, chọn một ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội là quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là học như thế nào và học ở trường nào. Chúng ta cần phải lựa chọn ngành học phù hợp với tố chất của bản thân nữa. Nếu chọn học ngành thời thượng, nhưng chúng ta không phù hợp với nó thì cũng không thể khai thác hết tiềm năng để tạo ra sự phát triển.
Các bạn nên chọn những ngành nghề có tính cộng hưởng, kết hợp đón đầu xu hướng bùng nổ công nghệ, đổi mới sáng tạo", ông Bảo khuyên.
Con tự quyết chuyện chọn ngành, làm sao?
Tại buổi tư vấn, rất nhiều phụ huynh cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng trong việc định hướng chọn ngành, chọn trường cho con. Không ít phụ huynh cho hay đã có nhiều mâu thuẫn với con khi con tự đưa ra quyết định chọn ngành.
Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), phụ huynh nên lắng nghe các con để định hướng chọn ngành nghề.
Phụ huynh không nên áp đặt trong hướng nghiệp cho con. Một số phụ huynh thương con, mong muốn con học tập sau này có việc làm tốt, thu nhập cao, trong khi con lại muốn chọn ngành khác, cơ hội việc làm không nhiều, ít tiền nên phụ huynh không chấp nhận. Như vậy rất không ổn.
"Thực tế khi các em có hứng thú thì mới học và thành công được. Cho dù phụ huynh ép buộc các em cũng không học được. Chúng tôi từng chứng kiến rất nhiều em vào giảng đường đại học phải dừng lại sau thời gian học vì không đúng những gì các em nghĩ và không đúng đam mê.
Phụ huynh đừng quá lo lắng trong chuyện quyết định chọn ngành của con. Nếu các em có đam mê, học giỏi sẽ có việc làm tốt. Giỏi không chỉ về kiến thức mà còn giỏi về kỹ năng thì chắc chắn sẽ có cơ hội thăng tiến và có thu nhập tốt. Nếu các con đã tự định hướng được ngành nghề của mình thì phụ huynh nên đồng hành cùng con mình", ông Hạ nói.
Muốn lấy bằng kỹ sư mất bao lâu?
Một phụ huynh nghe nói hiện nay sinh viên Trường đại học Bách khoa muốn được cấp bằng kỹ sư phải học 4 năm lấy bằng cử nhân và sau đó phải học tiếp mới được lấy bằng kỹ sư. "Tôi không biết quy định này có đúng không và hiện nay có thay đổi gì không?", phụ huynh này hỏi.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - giải đáp: theo Luật Giáo dục đại học 2019, khi người học tốt nghiệp đại học sẽ được cấp bằng cử nhân. Một số ngành chuyên sâu đặc thù cấp bằng kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ…
"Hiện nay trường chúng tôi đào tạo 4 năm cấp bằng cử nhân cho một số ngành học. Nhưng tôi khẳng định rằng tất cả ngành kỹ thuật của Trường đại học Bách khoa đều đào tạo người làm kỹ sư.
Hiện nay có kỹ sư công nghệ, kỹ sư kỹ thuật. Nhà trường đặt mục tiêu đào tạo ra kỹ sư có khả năng sáng tạo sản phẩm mới, công trình mới và thực tế cho thấy sinh viên Bách khoa đã và đang làm được điều đó.
Chương trình đào tạo 4 năm cấp bằng cử nhân kỹ thuật để làm kỹ sư kỹ thuật. Chúng tôi đã sẵn sàng xây dựng chương trình đào tạo để cấp bằng kỹ sư, nhưng hiện chưa em nào được cấp bằng kỹ sư theo Luật Giáo dục đại học 2019", ông Thắng cho hay.
Nhiều trường đào tạo kế toán, tài chính, lựa chọn ra sao?
Một học sinh bày tỏ mình yêu thích ngành kế toán, tài chính nhưng hiện nay có nhiều trường đào tạo ngành này. Vậy sự khác biệt giữa các trường đào tạo ngành này là gì và nên lựa chọn dựa trên tiêu chí nào cho phù hợp?
ThS Nguyễn Thái Châu - giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính - Marketing, cho hay hiện nay có rất nhiều trường đại học (công lập và tư thục) đào tạo ngành tài chính, kế toán. Về chương trình đào tạo, các ngành này đều theo khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh đó tùy theo thế mạnh của mỗi trường sinh viên có thể trang bị thêm một số kiến thức, kỹ năng đặc thù riêng.
"Tại trường chúng tôi trực thuộc Bộ Tài chính thiết kế chương trình đào tạo có thêm mảng kiến thức tài chính công, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu… để đào tạo sinh viên ra trường có thể làm việc cho các doanh nghiệp công, các sở ban ngành trong lĩnh vực tài chính. Ngành kế toán có kế toán doanh nghiệp và kiểm toán.
Hiện nay các trường đại học đều có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên được sớm tiếp cận kiến thức thực tế ở các doanh nghiệp từ sớm. Các trường đều có chương trình thực tập ứng viên tiềm năng của các tập đoàn lớn, các ngày hội việc làm giúp sinh viên ngay từ năm thứ 2, 3 có thể biết được cách áp dụng kiến thức học được vào công việc để sau này tự tin bước vào thị trường lao động", ông Châu cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận