13/04/2012 08:40 GMT+7

5 kiến nghị để TP.HCM bứt phá

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Tại hội nghị Thành ủy TP.HCM lần 9 khai mạc sáng 12-4, Thành ủy TP kiến nghị Bộ Chính trị xem xét năm nội dung cốt lõi về cơ chế, chính sách... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn mười năm tới (đến năm 2020) gồm:

Kiến nghị Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 trên cơ sở kế thừa những quan điểm, những nội dung lớn của nghị quyết 20 về TP (tháng 11-2002); kiến nghị Chính phủ tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho TP.HCM quyền tự chủ về tài chính, đất đai, nguồn nhân lực, hành chính..., đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội dung đã phân cấp của trung ương đối với chính quyền địa phương.

Cho phép TP.HCM nghiên cứu, đổi mới tổ chức các cơ quan trực thuộc UBND TP theo hướng các sở chuyên ngành được giao trách nhiệm toàn diện và xuyên suốt về lĩnh vực thuộc thẩm quyền ở TP, góp phần cải cách hành chính trong hoạt động của UBND TP.

Để phát huy lợi thế, tiềm năng và tạo sức mạnh liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng TP.HCM, TP kiến nghị Chính phủ khẩn trương triển khai nghiên cứu độc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của vùng.

TP kiến nghị Quốc hội và Chính phủ ưu tiên bố trí vốn ngân sách trung ương để đầu tư các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, cấp bách liên vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là các công trình: hệ thống đường vành đai 3 (khoảng 89km từ Nhơn Trạch, Đồng Nai đến Bến Lức, Long An), đường vành đai 4 TP.HCM (khoảng 180km từ Trảng Bom, Đồng Nai đến Cần Giuộc, Long An); nhóm đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, TP.HCM - Long Thành - Vũng Tàu, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Đà Lạt.

Đầu tư xây dựng cảng TP.HCM là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực; tập trung triển khai các dự án cải tạo, nạo vét sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu; phát triển các đô thị cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước.

Ngoài ra, TP cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép TP.HCM có cơ chế tạo vốn, hỗ trợ vốn để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, theo nhiều hình thức... để triển khai tốt sáu chương trình đột phá của TP.

Các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật cần tập trung theo quy hoạch được duyệt của Thủ tướng: vốn đầu tư xây dựng 9 tuyến đường hướng tâm, 4 tuyến đường trên cao, 6 tuyến tàu điện ngầm với khoảng 120km, 3 tuyến xe điện mặt đất với khoảng 35km; 19 chiếc cầu, 2 hầm vượt sông Sài Gòn gồm hầm đường bộ và hầm metro. Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 400.000 tỉ đồng (khoảng 20 tỉ USD). Vốn cho 197 dự án, công trình vệ sinh môi trường, cải thiện môi trường nước, tiêu thoát nước, hệ thống đê bao, cống kiểm soát triều, nhà máy xử lý nước thải... với tổng vốn khoảng 200.000 tỉ đồng (khoảng 10 tỉ USD).

Tại hội nghị, Ban thường vụ Thành ủy TP đề nghị hội nghị tập trung thảo luận để trình Bộ Chính trị các mục tiêu cho 10 năm tới, trong đó xác định phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 12%/năm, cao gấp 1,5 lần mức tăng bình quân cả nước; GDP bình quân đầu người vào năm 2020 đạt 8.500 USD.

Cùng ngày, hội nghị đã nghe, thảo luận tờ trình của Ban thường vụ về tổng kết công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và vận động nhân dân năm 2011; những trọng tâm của công tác này năm 2012. Hôm nay, hội nghị tiếp tục các thảo luận và bế mạc.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên