Năm gương mặt xuất sắc cuộc thi “Thực hiện ước mơ” năm học 2016-2017 (từ trái qua): Lê Thị Trúc Hà, Đặng Vũ Bảo (hàng sau), Nguyễn Đoàn Thanh Vân, Nguyễn Hoàng Quỳnh và Nguyễn Nhật Hoàng (hàng trước) - Ảnh: Q.L. |
Lê Thị Trúc Hà (lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) mong trở thành người dẫn chương trình vì “đam mê truyền thông và thích cảm giác làm chủ sân khấu”.
Chàng trai duy nhất góp mặt ở chung kết Đặng Vũ Bảo (lớp 11 Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng) đeo đuổi ước mơ thành kỹ sư sinh học.
Một đại diện khác của Lâm Đồng - Nguyễn Đoàn Thanh Vân (lớp 12 Trường THPT Lê Hồng Phong) - nỗ lực cho ước mơ làm giáo viên tiếng Anh, còn Nguyễn Nhật Hoàng (lớp 12 Trường THPT chuyên Quang Trung, Bình Phước) sẵn sàng trở thành chuyên viên marketing với mục tiêu “đưa hạt điều Bình Phước và VN đi xa hơn”.
Riêng nữ sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu) Nguyễn Hoàng Quỳnh lập kế hoạch mà bạn tự nhận “rất chi tiết, khoa học” để trở thành bác sĩ gây mê hồi sức trong tương lai.
Nhịp sống trẻ trao đổi nhanh với năm bạn.
* Đâu là dấu ấn cuộc thi để lại khi bạn vượt qua những thử thách để đến vòng cuối cùng này?
- Nguyễn Hoàng Quỳnh: Tôi đặc biệt biết ơn cuộc thi khi cho tôi cơ hội thực tập tại khoa gây mê hồi sức 1 của Bệnh viện Bình Dân.
Tôi được tham gia trực đêm với sự giúp đỡ tận tình của các bác sĩ và cán bộ y tế, tìm hiểu chuyên ngành gây mê hồi sức, quy trình y tế, kỹ năng thực hành lâm sàng, nội quy phòng mổ, nhất là y đức của bác sĩ gây mê hồi sức...
Tôi được tiếp xúc với những bạn trẻ mang hoài bão, đam mê cháy bỏng như tôi, được cùng các bạn phấn đấu, rèn luyện và thử lửa ước mơ, chứng kiến những hoài bão ấy ngày một cứng cáp và trưởng thành hơn.
- Lê Thị Trúc Hà: Tôi nhận được nhiều bài học quý, cảm nhận nghề trên nhiều phương diện, tận mắt chứng kiến êkip làm việc của chương trình dù nhỏ hay lớn, được nghe những chuyện vui buồn, cả kỷ niệm “nhớ suốt đời” của nghề khi kiến tập ở đài truyền hình. Tôi tin mình đã lựa chọn đúng.
- Đặng Vũ Bảo: Thật sự lần kiến tập cho tôi nhiều hiểu biết mới về ngành nghề, đến nỗi tôi khá “sốc” vì nó không giống những gì mình từng tưởng tượng. Đó là điều tôi nhớ nhất.
- Nguyễn Đoàn Thanh Vân: Ấy là trải nghiệm đi xe buýt lần đầu tiên ở TP.HCM, cảm giác đứng lớp và khó mà quên được câu nói của các anh chị sinh viên: “Cảm ơn em đã đến và truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho các anh chị tiếp tục theo đuổi đam mê của mình”.
- Nguyễn Nhật Hoàng: Sân chơi cho tôi trải nghiệm thực tế chứ không chỉ là lý thuyết. Tôi học cách xây dựng kế hoạch chi tiết cho tương lai và thấy mình trưởng thành, chín chắn, có mục tiêu rõ ràng hơn.
* Con đường bạn tự vạch ra cho mình trên hành trình hiện thực hóa ước mơ sẽ như thế nào?
- Đặng Vũ Bảo: Tôi chọn đường vòng, cố gắng trau dồi kiến thức và kỹ năng thực hành, nghiên cứu qua những cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia...
Khi có kiến thức nền tảng cùng một chút kinh nghiệm, tôi sẽ tìm học bổng du học. Dĩ nhiên mình đang nỗ lực tích lũy thành tích ngay từ bây giờ, cả việc trau dồi ngoại ngữ.
- Nguyễn Hoàng Quỳnh: Tôi tự làm sổ tay y khoa cho mình và tự học toán, hóa, sinh bằng tiếng Anh. Ngoài giờ nghiên cứu tôi thường đọc sách về chủ đề y dược.
Tôi ý thức ngoài chuyên môn vững, một bác sĩ giỏi cần vốn ngoại ngữ chuyên ngành tốt nên chú trọng rèn luyện khả năng giao tiếp và ngoại ngữ của mình qua nhiều hoạt động ngoại khóa.
Tôi chơi bóng rổ, bơi lội, bắn cung, cả đi bộ và leo núi như cách rèn thể lực để có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe về sức khỏe của một bác sĩ gây mê hồi sức khi làm việc hàng chục giờ liền trong phòng mổ. Tôi luôn tự đặt cho mình kế hoạch khoa học, chi tiết với từng mốc thời gian và nỗ lực từng ngày để hiện thực hóa nó.
- Lê Thị Trúc Hà: Tôi chỉ ghi lại những điều cần lưu ý vào sổ tay theo thói quen. Ngay hè này sẽ học thêm tiếng Đức, piano và học nhảy song song việc tham gia một vài cuộc thi tiếng Anh.
Tôi vẫn giữ đam mê với các hoạt động xã hội, cũng như cố gắng luyện giọng, chăm xem truyền hình để vừa học tập vừa giải trí. Cũng có dự định xa hơn nhưng muốn được giữ cho riêng mình.
- Nguyễn Đoàn Thanh Vân: Tôi sẽ làm thêm ở những nơi có nhiều người nước ngoài để luyện thêm kỹ năng ngoại ngữ cho mình khi đã là sinh viên chuyên ngành tiếng Anh.
Tôi muốn về quê sau khi học xong, đi dạy và lập một trung tâm ngoại ngữ của riêng mình, có thể miễn học phí cho học sinh khó khăn vùng cao quê tôi.
- Nguyễn Nhật Hoàng: Trước tiên phải là sinh viên kinh tế mà quá trình học là thời gian tích lũy cho mình những điều cần thiết, cơ hội trải nghiệm để thành chuyên viên marketing.
Sẽ nỗ lực cao nhất để có mặt ở một công ty xuất khẩu nông sản lớn của VN trước khi đủ kinh nghiệm, khả năng để khởi nghiệp vì tôi muốn trở thành nữ doanh nhân công ty xuất khẩu hạt điều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận