12/06/2013 09:25 GMT+7

5 điều cần hoàn thiện

VÕ VĂN THÀNH ghi
VÕ VĂN THÀNH ghi

TT - Sự kiện Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh lần này là một trong những sự kiện thu hút nhiều nhất sự quan tâm theo dõi của người dân. Qua sự kiện này, bước đầu có thể nhìn thấy sáu cái được nổi trội và năm điều cần nghiên cứu hoàn thiện thêm.

Cái được đầu tiên là việc lấy phiếu tín nhiệm đã thể hiện sự khiêm tốn, cầu thị của lãnh đạo các cấp. Thứ hai là kết quả lấy phiếu đã phản ánh tương đối khách quan dư luận xã hội hiện nay. Sở dĩ nói tương đối vì khó có sự hoàn thiện tuyệt đối ngay trong lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, nhưng cái tương đối đó cũng là những nét chấm phá rất quan trọng để chúng ta nhìn được bức tranh tổng quát về lòng dân.

Thứ ba là việc công bố công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Đây là một quá trình trao đi đổi lại, thậm chí có đấu tranh thuyết phục, vì khi đưa vấn đề ra cũng có ý kiến cho rằng là công việc nội bộ của Quốc hội, không nên công khai, nếu công khai thì dư luận sẽ đánh giá người này người kia, khó làm việc. Thực tế vừa qua một số địa phương cũng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nhưng cuối cùng không công khai, không cho người dân biết. Xu hướng công khai nêu trên cho thấy tư tưởng đổi mới đang đi tới.

Thứ tư là việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đã thể hiện sự đổi mới của Quốc hội, thông qua đó cũng thể hiện sự đổi mới của Đảng ta.

Hơn 10 năm qua chúng ta chưa thực hiện được việc bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định pháp luật hiện hành, lần này làm được lấy phiếu tín nhiệm là bước tiến đáng ghi nhận và đáng trân trọng cũng cần ghi nhận là cái được thứ năm.

Cuối cùng là kết quả này giúp cho mỗi người được lấy phiếu tín nhiệm tự đánh giá mình, nhất là tư lệnh trong các lĩnh vực nóng bỏng của đất nước hiện nay.

Bên cạnh những cái được trên, theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng nên nghiên cứu hoàn thiện thêm theo năm nhóm vấn đề sau.

Thứ nhất, nghị quyết của Quốc hội chỉ yêu cầu có một văn bản của đương sự phải gửi đến đại biểu Quốc hội, đó là báo cáo công tác trong năm. Nên chăng cần bổ sung một số văn bản để có thêm thông tin như nhận xét của cơ quan đương sự là thủ trưởng, nhận xét của thủ trưởng cấp trên (nếu là bộ trưởng thì nhận xét của Thủ tướng), nhận xét của cử tri nơi ứng cử nếu là đại biểu Quốc hội hoặc là cử tri nơi cư trú, bản kê khai tài sản có xác nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Nên dành thời gian cho đối thoại nhiều hơn, qua đó để cả hai đối tượng là người được lấy phiếu và người bỏ phiếu nắm chắc thực chất và thể hiện sự tôn trọng hơn với đương sự là điều cần hoàn thiện thứ hai. Các đại biểu Quốc hội được thảo luận ở đoàn mình về việc lấy phiếu tín nhiệm, nhưng nếu có thắc mắc nào đó thì người liên quan không có điều kiện để giải trình làm rõ. Vì vậy, ít nhiều ai đó cũng tâm tư vì không có cơ hội để đối thoại trước đó.

Thứ ba là tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, có mặt diễn biến phức tạp, tham nhũng chưa được đẩy lùi đáng kể... nhưng qua lấy phiếu thì tất cả các chức danh đều đảm bảo mức tín nhiệm tối thiểu cần thiết, không có ai quá 50% tín nhiệm thấp. Đây là vấn đề cần nghiên cứu làm rõ hơn.

Thứ tư, về trình tự và thủ tục cũng cần làm cho tốt hơn. Ví dụ đưa ra ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, hay là chỉ có hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Nhiều ý kiến cho rằng đưa ra hai mức thì sự đánh giá sẽ rõ ràng hơn.

Thứ năm, nhìn tổng thể việc lấy phiếu tín nhiệm còn có những khía cạnh chưa chặt chẽ về mặt pháp lý. Pháp luật hiện hành chỉ quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm, nếu chưa thực hiện được thì trước hết nên sửa các văn bản hiện hành rồi mới tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Đây là vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Vũ Mão (nguyên ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

VÕ VĂN THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên