21/11/2017 10:18 GMT+7

4 kịch bản cho sự mất tích bí ẩn của tàu ngầm Argentina

NHẬT ĐĂNG - TÚ ANH
NHẬT ĐĂNG - TÚ ANH

TTO - Chiếc tàu ngầm quân đội ARA San Juan dài đến 65m cùng 44 con người sao có thể biến mất trong thời buổi các thiết bị dò tìm hiện đại như ngày nay?

4 kịch bản cho sự mất tích bí ẩn của tàu ngầm Argentina - Ảnh 1.

Hình ảnh con tàu ARA San Juan của Argentina - Ảnh: Reuters

Tàu ARA San Juan đã mất tín hiệu từ ngày thứ tư (15-11) và lẽ ra tàu phải cập cảng căn cứ quân sự Mar del Plata ngày 19 hoặc 20-11. Theo Hãng tin AFP, người ta đặt ra 4 giả thiết về tình trạng của tàu hiện nay trong khi các phương án cứu nạn, cứu hộ được gấp rút tổ chức.

- Tàu có nổi lên mặt nước rồi chìm;

- Tàu đã nổ lên mặt nước, còn chạy được nhưng chỉ là mất khả năng liên lạc;

- Tàu còn đang lặn và mất khả năng liên lạc;

- Tàu đã chìm hẳn dưới biển sâu.  

Đã có lúc người ta hi vọng về khả năng tìm thấy con tàu khi nhận được các tín hiệu phát đi từ dưới biển. Trong dòng thông báo trên Twitter đêm 18-11, Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Osca Aguad lạc quan rằng có thể cứu được con tàu trên sau khi "nhận được 7 tín hiệu vệ tinh có thể đã xuất phát từ tàu ngầm San Juan".

Bộ Quốc phòng trong khi đó đang phối hợp với một công ty Mỹ để phân tích vị trí các cuộc gọi nêu trên. "Chúng tôi đang làm việc tích cực để xác định vị trí của tàu và chuyển hi vọng của mình đến thân nhân của 44 thành viên thủy thủ đoàn: họ sẽ sớm trở về nhà", Đài ABC ngày 19-11 dẫn lời ông Aguad.

Trong các tuyên bố sau đó trên Twitter, nhà chức trách cho biết các tín hiệu nghi của tàu ARA San Juan kéo dài từ "4 tới 36 giây" vào nhiều thời điểm, nhưng không may là chúng không thiết lập được mối liên lạc cần thiết.

Nhưng chỉ một ngày sau, những niềm hi vọng sớm vụt tắt. 

Ngày 20-11, người phát ngôn Lực lượng hải quân Argentina Enrique Balbi cho biết 7 tín hiệu điện thoại vệ tinh nhận được vào tối 18-11 không phát đi từ tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích.  

"Đó có thể chỉ là những tín hiệu sinh học", ông Balbi nêu ra giải thiết càng khó hiểu hơn.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Balbi khẳng định các chuyên gia đã phân tích 400 tín hiệu điện thoại vệ tinh trong khu vực tìm kiếm rộng hơn 482.000km2, có 7 tín hiệu không kết nối được nhưng không phải của tàu ngầm ARA San Juan.

Ông Balbi thông báo rõ rằng cho tới thời điểm hiện tại "không có dấu hiệu, tín hiệu khói, tín hiệu rađa hoặc đèn hiệu nào" cho phép phát hiện dấu vết con tàu bị mất liên lạc, bên cạnh đó biển động với tốc độ gió gần 100 km/h và sóng cao 5-7m khiến công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. 

Quân đội và chính quyền Argentina phải nhờ đến sự hỗ trợ từ Hải quân và Không quân Mỹ. Argentina đã điều động 6 tàu hộ tống, 2 tàu khu trục, 4 tàu hậu cần, 1 tàu phá băng và 10 máy bay trực thăng tham gia chiến dịch tìm kiếm trong khu vực có đường kính lên đến 300km. 

Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn Argentina cho biết thời tiết ngày 21-11 tại vùng biển Nam Đại Tây Dương sẽ thuận lợi hơn. Theo ông Balbi, đây là chiến dịch cứu nạn, cứu hộ lớn nhất mà Argentina triển khai trong vòng 30 năm trở lại đây. 

Hôm 18-11, Trung tâm giải cứu dưới biển URC đã đưa hai "phương tiện giải cứu độc lập" đi từ San Diego (Mỹ) đến vùng Nam Đại Tây Dương - vị trí mà Hải quân Argentina đã mất tín hiệu với chiếc tàu ngầm của họ. Ngoài ra, máy bay tuần thám hàng hải đa nhiệm P-8A Poseidon và máy bay tìm kiếm P-3 của Trung tâm Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng được điều đi hỗ trợ việc tìm kiếm.

4 kịch bản cho sự mất tích bí ẩn của tàu ngầm Argentina - Ảnh 2.

Tàu ngầm San Juan trong một lần hoạt động trên biển - Ảnh: ARGENTINA NAVY

ARA San Juan là loại tàu ngầm chạy động cơ điện - diesel lớp TR 1700 do Đức chế tạo trong thập niên 1980. Trước khi mất tích, con tàu này đang trong hành trình đi từ căn cứ ở Ushia đến cảng đóng quân tại Mar del Plata (Argentina) để thực thi nhiệm vụ tuần tra tại Vùng đặc quyền kinh tế của Argentina, gần cảng Madryn, thuộc Nam Đại Tây Dương, cách Buenos Aires hơn 1.300km về phía Nam.

Đây là một trong số những tàu ngầm lớn nhất do Đức sản xuất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đồng thời nằm trong nhóm những tàu ngầm diesel - điện có tốc độ nhanh nhất thế giới. Mỗi tàu được trang bị 4 động cơ diesel MTU, 4 máy phát, động cơ điện Siemens cùng 120 khối pin điện, cho phép đạt tốc độ tới 46km/h khi lặn.

Người phát ngôn Hải quân Argentina cũng lưu ý giả thiết ban đầu được đặt ra là tàu ngầm ARA San Juan đã có vấn đề về pin điện, bởi thuyền trưởng đã báo cáo đài chỉ huy về vấn đề này. Đây là lần đầu tiên kể từ khi tàu bị mất tích, các nhà chức trách đưa ra thông tin nói trên. 

Nói về lượng oxy và thực phẩm cũng như thời gian tối đa mà các thủy thủ có thể sống trên tàu, ông Balbi thận trọng cho biết trong điều kiện thông thường, dự trữ cho hành trình có thể lên tới 90 ngày mà không cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc sạc pin phải được tiến hành hằng ngày hoặc ít nhất cách 3 ngày. 

Trong trường hợp nổi lên được mặt nước thì tàu ngầm sẽ không có vấn đề về dưỡng khí, nhưng nếu tàu không nổi lên được sẽ không thể rõ điều kiện trong từng trường hợp cụ thể nếu xảy ra tai nạn. Các thủy thủ cũng được huấn luyện trong trường hợp tàu gặp rắc rối.  

Theo thông lệ, tàu ARA San Juan phải liên hệ với đài chỉ huy 2 lần mỗi ngày, tới thời điểm này 5 ngày đã trôi qua nhưng không có bất cứ tín hiệu nào từ tàu. 

NHẬT ĐĂNG - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên