Học sinh lớp 7/8 Trường THCS Kim Đồng Q.5 (TP.HCM) đi thăm và tặng quà cho học sinh Trường khuyết tật Tương Lai Q.5 trong buổi sinh hoạt ngoại khóa - Ảnh: Như Hùng |
Xin kể một câu chuyện thực tế về một cháu bé 8 tuổi con một gia đình nhà giáo. Một hôm, bà mẹ làm vệ sinh cặp sách của con thì phát hiện cháu cất hơn 300.000 đồng trong một cuốn vở.
Gặng hỏi làm cách nào mà con kiếm nổi chừng này tiền thì cuối cùng cháu mới khai ra là con làm lớp trưởng, cô giao cho con cuốn sổ để ghi tên các bạn vi phạm nội quy nhà trường; bạn nào vi phạm nội quy mà muốn không bị con ghi tên thì nộp cho con 10.000 đồng.
Vậy đó, nếu chúng ta gọi hiện tượng bằng đúng tên của nó thì đứa trẻ mới 8 tuổi ấy hẳn phải là đứa trẻ giỏi và ngoan nên được làm lớp trưởng, trong trường không hề được dạy làm điều xấu, ở nhà được giáo dục điều tốt, thế nhưng đứa trẻ ấy đã biết... lợi dụng chức quyền để tham nhũng, còn các bạn học 8 tuổi của cháu cũng đã biết đút lót để chạy tội!
Các cháu học điều này ở đâu? Ở xã hội. Khi môi trường xã hội bị ô nhiễm nặng nề thì đứa trẻ hằng ngày “hít thở” nó làm sao tránh bị lây?
Do vậy cuộc đổi mới giáo dục muốn có hiệu quả thì phải được tiến hành đồng bộ với những đổi mới căn bản và toàn diện ở các lĩnh vực khác rộng lớn hơn trong xã hội Việt Nam.
Có bốn câu hỏi lớn cần được trả lời rõ trước khi đưa ra các quyết sách.
Kiến thức thì lúc nào đó người ta có thể quên, năng lực, kỹ năng có thể bị mai một nhưng nhân phẩm mà thấp kém thì “không lớn nổi thành người”. Quốc gia nào mà người dân thấp kém về phẩm chất thì không tránh khỏi bị thiếu tôn trọng, đến ngay cả độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia ấy cũng trở thành mong manh |
Học thành tài hay thành người?
Mục tiêu giáo dục cũng đã được ghi vào Luật giáo dục, được nêu trong NQ 29 về đổi mới giáo dục.
Điều 2 Luật giáo dục xác định: Mục tiêu giáo dục là “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
NQ 29 thì nêu “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”.
Có thể thấy trong cả hai văn bản quan trọng hàng đầu này về giáo dục thì lúc nào mục tiêu đào tạo con người phát triển toàn diện cũng được đưa lên trước tiên, thành yêu cầu quan trọng nhất. Việc này khiến cho mục tiêu giáo dục quá cao xa, khó với tới trong điều kiện đầu tư cho giáo dục về nguồn lực con người và tài chính quá hạn hẹp.
41 năm nay trong phạm vi cả nước, nền giáo dục Việt Nam đã bám theo mục tiêu này nhưng không đạt được kết quả mong muốn, càng “kiên trì” bao nhiêu thì kết quả lại càng lệch xa bấy nhiêu.
Mục tiêu được xác định như trên còn khiến cho giáo viên các bộ môn trong hoạt động lên lớp hằng ngày hiểu đơn giản là học sinh phải học tốt tất cả các môn. Nhưng tệ hại nhất là nó khiến yêu cầu giáo dục nên con người có nhân cách tốt bị đẩy lùi xa ra sau yêu cầu truyền thụ kiến thức.
Trong khi đó giáo dục nên người mới là giá trị quan trọng nhất, mục tiêu hàng đầu của mọi nền giáo dục bởi trước tiên phải thành người rồi mới thành “người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo”.
TS.Hồ Thiệu Hùng - Ảnh: Thanh Đạm |
Mục tiêu nên người gồm những nội dung gì?
Tiếp tục coi nhẹ mục tiêu nên người trong đổi mới giáo dục lần này là tiếp tục phạm sai lầm của hơn 40 năm qua, là tiếp tục... không đổi mới căn bản.
Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ GD-ĐT công bố ngày 5-8-2015, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm giúp cho học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen.
Chương trình mới nhằm hình thành và phát triển ở học sinh ba phẩm chất và sáu năng lực.
Ở đây ta chưa bàn về năng lực mà chỉ bàn về ba phẩm chất được nêu trong dự thảo nói trên là: sống yêu thương, sống tự chủ và sống trách nhiệm.
Mỗi phẩm chất đều có những thành tố được dự thảo giải thích như sau:
- Phẩm chất sống yêu thương gồm yêu Tổ quốc, giữ gìn phát huy truyền thống, di sản quê hương đất nước, tôn trọng các nền văn hóa trên thế giới, nhân ái khoan dung, yêu thiên nhiên.
- Phẩm chất sống tự chủ gồm sống trung thực; tự trọng; tự lực; chăm chỉ, vượt khó; tự hoàn thiện.
- Phẩm chất sống trách nhiệm gồm tự nguyện; chấp hành kỷ luật; tuân thủ pháp luật; bảo vệ nội quy, pháp luật.
Các phẩm chất trên đúng là sẽ giúp định hình nên con người Việt Nam nhưng xin đề nghị bổ sung phẩm chất sống lương thiện và đưa phẩm chất này lên hàng đầu, khi đó không cần đưa từ trung thực vào phẩm chất sống tự chủ nữa.
Khái niệm lương thiện ở đây có nghĩa rộng hơn khái niệm trung thực vì không chỉ bao hàm nghĩa trung thực trong quan hệ người với người.
Lương thiện còn là trung thực với chính mình, là nói đi đôi với làm, là nói ít làm nhiều, là suy nghĩ, sống và hành động một cách tự giác, tốt đẹp, văn minh, phù hợp với luật pháp và các chuẩn mực đạo đức xã hội, là thái độ luôn bênh vực công lý, dám đứng về phía nhân dân và dân tộc...
Thật đau lòng phải nói lên điều sau đây: tính lương thiện chính là nội dung yếu nhất trong tính cách, phẩm chất của người lao động chưa đạt chuẩn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trong phẩm chất sống yêu thương, cần đưa thêm nội dung yêu gia đình và đưa nội dung này lên trước nội dung yêu Tổ quốc. Nội dung yêu gia đình gần gũi hơn, thiết thực hơn, dễ hiểu và làm hơn với học sinh nhỏ.
Phẩm chất sống có trách nhiệm cần được giải thích là có trách nhiệm với: bản thân, gia đình, cộng đồng, thiên nhiên, đất nước, nhân loại.
Ai là lực lượng chủ lực thực thi công cuộc đổi mới?
Dù Bộ GD-ĐT có đủ các ban, các bộ phận thiết kế nên đề án đổi mới giáo dục và xây dựng nên các dự thảo thì đó vẫn chỉ là lực lượng thiết kế chứ không phải thi công. Lực lượng thi công là đội ngũ đông đảo giáo viên các bậc và cấp học.
Chính họ chứ không ai khác sẽ là lực lượng chủ lực quyết định cuộc đổi mới giáo dục có đi vào cuộc sống đến mức nào. Bản thiết kế có tuyệt vời đến mấy mà người thi công không thực thi thì bản thiết kế vẫn chỉ là tờ giấy. Có thể thấy trước người thi công có thể sẽ gặp những trở ngại sau đây:
a- Không thấu hiểu ý đồ thiết kế
b- Hiểu nhưng không thể thực hiện ý đồ thiết kế vì:
b1- Không đủ trình độ cần thiết
b2- Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học
b3- Ngại đổi mới vì phải thay đổi nếp dạy lâu nay
b4- Không thể toàn tâm với hoạt động của nhà trường do phải tìm nguồn thu nhập ngoài nhà trường để nuôi gia đình.
Cả bốn nội dung từ b1 - b4 đều không thể khắc phục ngay được nhưng phải có kế hoạch khả thi cụ thể để khắc phục. Đặc biệt nội dung b4 sẽ là trở ngại lớn nhất đối với Bộ GD-ĐT vì vượt quá tầm tay của bộ trưởng từ suốt bao nhiệm kỳ trước đến nay.
Cho dù câu “GD-ĐT cùng với KHCN là quốc sách hàng đầu” đã được khẳng định từ nhiều năm nay thì nó vẫn còn là câu khẩu hiệu suông. Số đông giáo viên đến nay lãnh lương chưa cao hơn người giúp việc nhà và bảo vệ cơ quan.
Nút bấm của công cuộc đổi mới giáo dục nằm ở lòng an tâm và tận tụy của giáo viên với nghề, cái nút bấm ấy đang hỏng hóc. Không sửa nó thì làm sao đổi mới giáo dục đi vào cuộc sống được?
Kính chúc bộ trưởng khỏe, có quyết sách đúng để chỉ đạo công cuộc đổi mới giáo dục thành công.
Tiền đâu để đổi mới? Nếu chưa rõ câu trả lời không dễ này thì ai có đầu óc thực tế sẽ đều nhận ra là mong muốn đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện trong bối cảnh xã hội hiện nay rồi vẫn sẽ là ước nguyện tốt đẹp mà thôi. |
Nhiều giáo viên, giảng viên tham gia diễn đàn Diễn đàn “Đặt hàng với tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT” đã nhận được nhiều bài từ các thầy, cô giáo: thầy Lê Triều Sơn (phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, Huế), Nguyễn Minh Kỳ (phó chủ tịch Hội cựu giáo chức tỉnh Khánh Hòa), Lê Minh Tiến (ĐH Mở TP.HCM), Lê Hồng (giáo viên lịch sử, Trường THPT Hoằng Hóa 2, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Võ Văn Khởi (giáo viên Trường THCS Võ Văn Chỉnh, Gò Công Đông, Tiền Giang), Thái Hoàng (giáo viên Trường THPT Thành Nhân, Q.Tân Phú, TP.HCM), Trần Văn Tám (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM), Lê Đức Thoại (Trường THPT Chu Văn An, Krông Pa, Gia Lai), PGS.TS Trần Thanh Ái (nhà giáo ưu tú, ĐH Cần Thơ), ThS Đặng Chung Kiên (Trường ĐH Tài chính - marketing), Hoàng Xuân Thường (nguyên GVC Trường ĐH SPKT Vinh), ThS Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng), Đỗ Tấn Ngọc (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Những ý kiến, bài viết gửi về diễn đàn vui lòng gửi theo địa chỉ: tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), email: giaoduc@tuoitre.com.vn. Các ý kiến, bài viết sẽ được chúng tôi đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ra hằng ngày và trên tuoitre.vn. Xin vui lòng ghi rõ địa chỉ, tài khoản ngân hàng để Tuổi Trẻ chuyển nhuận bút khi bài được sử dụng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận