08/11/2017 09:00 GMT+7

4 bước xây dựng kỹ năng thuyết trình “thu hút”

MỪNG MẪN
MỪNG MẪN

Bạn thầm thán phục những người có khả năng thuyết trình trước đám đông hoặc những ai có thể đứng nói hàng giờ mà người nghe vẫn say mê theo dõi.


Tất nhiên bạn cũng muốn mình có thể làm được điều này nhưng lại cảm thấy quá khó khăn vì không biết nên bắt đầu từ đâu? Hiểu được vấn đề này, Trưởng phòng tư vấn Nhân sự của CareerLink.vn, đơn vị hỗ trợ tìm kiếm việc làm và tuyển dụng nhân lực chất lượng hàng đầu Việt Nam, đã đưa ra 4 bước quan trọng giúp bạn xây dựng kỹ năng thuyết trình "hút hồn" như "thần tượng".

4 bước xây dựng kỹ năng thuyết trình “thu hút” - Ảnh 1.

Tham khảo thông tin tuyển dụng mới nhất tại careerlink.vn

1. Mở rộng vốn từ và các diễn đạt

Có thể nói đây là bước quan trọng nhất trong 4 bước. Nói cũng như viết, nếu ngôn ngữ của bạn đơn điệu, không phong phú và không có sự linh hoạt thì nội dung của bạn dù có mới lạ đến đâu, có tính đột phá thế nào thì cũng khó mà lôi cuốn được người nghe cũng như người đọc. Hãy thử tưởng tượng bạn muốn miêu tả một ngày đẹp trời, bạn sẽ nói gì? Sau đó hãy đọc thử một đoạn văn miêu tả trong các cuốn sách: bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt về cách vận dụng ngôn ngữ giữa mình và tác giả.

Để rèn luyện được khả năng này, yêu cầu cần thiết là bạn phải đọc sách, báo, truyện thật nhiều và thật thường xuyên. Hoạt động này giúp vốn từ vựng và cách diễn đạt, cách đặt câu hỏi trở nên phong phú hơn. Ngoài ra, nó còn cung cấp cho bạn kiến thức về các vấn đề xã hội để bạn có thể sử dụng như một dẫn chứng, một sự liên tưởng hay một ví dụ nhằm tăng tính thuyết phục cho bài thuyết trình của mình.

2. Luyện ngữ điệu

Bạn đã từng trải qua tình huống: Cùng một câu chuyện hài, bạn của bạn kể đến đâu thì mọi người cười theo đến đó; tới lượt bạn kể thì kết thúc rồi mọi người vẫn thờ ơ? Sở dĩ có sự khác biệt đó là vì bạn chưa điều chỉnh được ngữ điệu của mình khi nói.

4 bước xây dựng kỹ năng thuyết trình “thu hút” - Ảnh 2.

Một bài thuyết trình không bao giờ gói gọn trong vài câu nói hoặc trong một phút mà luôn dài hơn thế. Làm thế nào để mọi người sẽ nghe hết phần trình bày của bạn mà không bị các yếu tố bên ngoài gây nhiễu sự chú ý của họ? Hãy hình dung đối với một văn bản đầy chữ, bạn sẽ đọc chúng rất bàng quan, không mấy để tâm; nhưng nếu có những từ hoặc câu được nhấn mạnh bằng cách tô đậm, đóng khung, viết in thì bạn dễ chú ý đến hơn. Khi thuyết trình cũng vậy, bạn có gây chú ý cho người nghe bằng cách nhấn nhá, ngắt câu và lên xuống giọng tùy theo nội dung. Bạn có thể rèn luyện kỹ năng này bằng cách theo dõi các cuộc thi hùng biện và hoặc bài phát biểu của những người nổi tiếng trên thế giới.

3. Trình bày khoa học

Một câu chuyện hay một bài thuyết trình đều nên được chia ra làm các phần nhỏ như: đặt vấn đề, nội dung chính và cuối cùng là kết luận. Bạn không thể bắt đầu bài thuyết trình bằng cách giải thích và đưa ra hàng loạt các dẫn chứng, các số liệu mà quên giới thiệu chủ đề khiến người nghe không hiểu được là bạn đang nói về vấn đề gì; cũng không thể trình bày rất nhiều mà không kết luận để chốt lại vấn đề.

Trong một bài thuyết trình nếu có nhiều nội dung cần đề cập, bạn cũng nên chia nhỏ chúng ra và trình bày hoàn tất từng nội dung. Tránh tình trạng đang nói vấn đề này lại chuyển sang vấn đề khác khiến bài thuyết trình lan man, không tập trung và gây rối rắm cho người nghe.

4. Kiểm soát nét mặt

Nhiều người cho rằng, nội dung bài phát biểu mới là quan trọng; nhưng nét mặt của bạn cũng góp phần gây thu hút cho người nghe không kém. Nếu bạn trình bày một vấn đề hài hước mà gương mặt bạn mang vẻ buồn bã, hoặc bạn mời gọi khách hàng sử dụng sản phẩm của công ty với nét mặt nghiêm trọng thì bạn khó mà đạt được mục đích đã đề ra.

Với kỹ năng này, bạn có thể tự tập bằng cách đứng trước gương và thuyết trình một mình. Hãy kiểm soát nét mặt trong suốt bài nói, vì nhiều người chỉ chú ý lúc bắt đầu, sau đó thì tập trung hoàn toàn vào nội dung và bỏ quên phần này. Việc tập luyện hàng ngày sẽ biến kỹ năng này thành thói quen, bạn có thể tự điều chỉnh nét mặt theo nội dung đang trình bày một cách thoải mái và tự nhiên.

Đối với người quản lý, kỹ năng thuyết trình rất quan trọng vì bạn không chỉ nói chuyện với cấp dưới của mình mà còn dùng để giới thiệu, thuyết phục khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ của công ty mình. Một số người sinh ra đã có khả năng ăn nói, một số người khác thì cần phải luyện tập mới có được. Nếu bạn cố gắng rèn luyện theo 4 bước trên, kỹ năng thuyết trình của bạn sẽ được cải thiện đáng kể và cơ hội của bạn cũng sẽ rộng mở hơn.

MỪNG MẪN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên