07/01/2018 10:53 GMT+7

39 năm giải phóng Campuchia: Nhắc nhớ để đừng lãng quên

PHẠM SỸ SÁU
PHẠM SỸ SÁU

TTO - Nhớ năm tháng làm quân tình nguyện là nhớ những hi sinh vô bờ bến của cán bộ chiến sĩ trực tiếp giáp mặt kẻ thù, của những chiến sĩ ngày đêm sống trong phum làng xa xôi.

39 năm giải phóng Campuchia: Nhắc nhớ để đừng lãng quên - Ảnh 1.

Thiếu nữ Campuchia tặng hoa tiễn các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam về nước - Ảnh: TLTT

"Những ngày đầu năm 2018, khi những tờ lịch trên cùng được lần lượt bóc xuống, tôi lại nhớ vô cùng những ngày này 39 năm về trước".

Nhớ những ăm tháng làm quân tình nguyện là nhớ đến những hi sinh vô bờ bến của cán bộ chiến sĩ trực tiếp giáp mặt kẻ thù, của những chiến sĩ dân vận ngày đêm sống trong phum làng xa xôi cách trở, nhớ những chiến sĩ quân y cứu bệnh, những chiến sĩ văn hóa diệt giặc dốt. Tất cả tạo nên một gương mặt thân thương của anh bộ đội tình nguyện Việt Nam

Nhà thơ PHẠM SỸ SÁU

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - người đã từng chiến đấu ở Campuchia - viết như vậy khi nhớ lại những khoảnh khắc lịch sử cách đây 39 năm trước, khi đất nước Campuchia vừa được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.

39 năm trước

Sau khi làm chủ thị xã Kratie cùng binh đoàn 3 quân cách mạng Campuchia được khoảng một tuần, trung đoàn tôi được lệnh phải tổ chức vượt qua bờ tây sông Mekong ở đoạn phía bắc thị xã Kratie để tiến về giải phóng thị xã Kampong Thum, chặn đứng đường rút quân của Pol Pot trên đường số 6.

Chúng tôi vượt sông trong nỗi lo và sợ. Lo vì phía bờ tây sông âm u, không biết hiểm nguy nào đang chực chờ và sợ vì những con thuyền vượt sông quá nhỏ so với cái rộng dài của dòng sông. 

Đơn vị chúng tôi vượt sông an toàn, triển khai đội hình hành tiến thì ngay buổi dừng chân đầu tiên đã nhận được tin Phnom Penh giải phóng qua làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Chúng tôi reo hò mừng vui trong sự nén nhịn. Nhưng niềm vui chưa tan thì được lệnh quay lại bờ đông, lên xe, theo đường 13 rồi đường 7 qua thị xã Kampong Cham đến ngã ba Scun tiến quân theo lộ 6.

Ngược đường hành quân của chúng tôi là những đoàn người áo đen không mũ nón, hay nói đúng hơn trên đầu họ chỉ có chiếc khăn rằn kroma hoặc mái tóc ngắn cứng đơ. 

Trước đó một tháng, trong những ngày lùng sục truy quét ở phía bắc sông Chhlong, chúng tôi gặp họ chạy trốn trong rừng với những đôi mắt thất thần và ngơ ngáo. 

Qua phiên dịch, chúng tôi phần nào hiểu được cuộc sống nơi công xã khắc nghiệt dưới sự giám sát chặt chẽ của Angkar. Một đất nước không có chợ búa, không có chùa chiền, chỉ có công xã và những ngày lao động khổ sai.

Trên đường hành tiến về phía tây bắc rồi tây nam Campuchia trong những tháng đầu năm 1979, qua thị xã Kampong Thum, Seam Riep, thị trấn Kralanh, Sisophon, Nimit, Lovia, Palin, thị xã Battambang rồi quay trở lại đường 6, vượt bến phà Neak Kdam qua cố đô Udon tiến vào Amleang rừng khô khan nước. 

Ở đâu chúng tôi cũng gặp những đoàn người đi ngược đường hành quân. Họ lếch thếch trở về quê cũ trên những chiếc xe bò cọc cạch may mắn thu được của công xã trong những ngày biến loạn hoặc lê bước trên đường trong cái nắng chói chang giữa mùa khô. 

Bay theo họ là những đoàn ruồi đen, có nơi đông đến hãi hùng, cứ bay vo vo như sẵn sàng chui vào miệng người để tìm nước.

Những ngày này, bên cạnh những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu hành tiến thì người vất vả nhất có lẽ là những chiến sĩ dân vận. Họ phải làm tất cả công việc của một người hiền trong thế trận chênh vênh. 

Đỡ đẻ, cứu đói, cứu đau, phân xử những tranh chấp giữa những người dân về một chỗ nằm, một nơi trú, trong khi đơn vị bảo vệ an ninh cho mình thì ngày càng xa và quanh mình là tàn quân bao la còn rình rập.

39 năm trôi qua. Đất nước Campuchia sau hơn mười năm chiến đấu chống lại ý đồ đen tối của nhiều kẻ thù với các phe cánh tay sai của ngoại bang, từ đầu những năm 1990 đã quy về một mối. Ngọn cờ 3 tháp Angkor lại tung bay trên khắp đất nước thay thế cho những lá cờ nhiều tháp, nhiều hoa văn.

39 năm giải phóng Campuchia: Nhắc nhớ để đừng lãng quên - Ảnh 3.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu khi còn là chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia - Ảnh: tác giả cung cấp

Đi lên từ đau thương

Giờ đây, sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, Campuchia trở thành quốc gia có nền kinh tế đang phát triển, các mặt y tế, giáo dục, xã hội được nâng cao, những ngôi chùa nguy nga tráng lệ xuất hiện nhiều hơn không những ở thành phố, thị trấn mà còn lan tận đến các phum xa. 

Người nông dân ở những vùng lúa rộng lớn như Battambang, Seam Riep, Bantea Meanchey có thể chạy xe máy, thậm chí xe hơi ra đồng để điều khiển những chiếc máy gặt đập liên hợp, máy cày máy cấy, máy rải phân tro trên những cánh đồng bạt ngàn khi vào vụ.

Trong những lần trở lại Campuchia, đi công tác hay về thăm chiến trường xưa, tôi đều bắt gặp những nét đổi thay của Campuchia. Những đổi thay đó dường như đã xóa tan đi những tháng năm đen tối của thời Pol Pot với 1.270 ngày khổ nạn, một thập niên 1980 thiếu ổn định với nhiều phe phái để đến với Vương quốc Campuchia bây giờ vững bước tiến lên.

Trong hơn 15 triệu người dân Campuchia hiện nay, số người trải qua thời kỳ khổ nạn chưa đến 1/3, đa số ở tuổi trên 50. Số còn lại khá trẻ. Cho nên chẳng bất ngờ khi thấy người trẻ nhìn hình ảnh anh bộ đội Việt Nam thông qua bộ phim Ngày họ giết cha tôi (tựa tiếng Anh First they killed my father, dựng theo tự truyện của nhà hoạt động nhân quyền Loung Ung do Angelina Jolie làm đạo diễn) có ít nhiều méo mó. 

Dẫu sao cũng là cái nhìn của cô bé năm 1979 mới vừa tròn 10 tuổi, đơn giản và chấp nhận được. Nhưng những gì mà bộ phim đề cập đã nói lên phần nào tội ác của bè lũ diệt chủng Pol Pot muốn hủy hoại nòi giống Khmer bằng lao động khổ sai và tù ngục, bằng niềm căm hờn dân tộc ngất trời và bằng cả những cuộc đời vượt qua đêm tối.

Nhắc nhớ để đừng lãng quên. Từ trong đau thương đi lên cần nên trân trọng những gì hôm nay mình đang có. Riêng với những người mẹ Việt Nam, hình ảnh những đứa con ra đi không trở lại trên đất nước xa xôi mà gần gụi vẫn đau đáu trong lòng một niềm thương tiếc khôn nguôi.                                                                                                       

Chúng tôi không tiếc máu xương

Trên đường hành tiến giải phóng lãnh thổ Campuchia, bao nhiêu người lính trẻ đã vĩnh viễn trút hơi thở cuối cùng, bao nhiêu người bị thương phải loại khỏi vòng chiến đấu và bao nhiêu người khác nữa phải âm thầm chuốc bệnh vào người do những ngày nhịn khát, những đêm luồn rừng. Chúng tôi không tiếc máu xương mình cho sự xóa sạch một chế độ phi nhân bản, biến nhân dân mình thành kẻ nô lệ cho ý đồ đen tối của giới lãnh đạo Angkar.

                                                                                                         Ngày 6 tháng một năm 2018

PHẠM SỸ SÁU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên