23/09/2019 07:15 GMT+7

38 năm khiếu nại đất trưng thu: rắc rối từ tờ công chứng 'dỏm'

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Sau 38 năm đi khiếu nại đất bị thu hồi, hộ ông Nguyễn Văn Khôi được Nhà nước hỗ trợ 5 lô đất. Tuy nhiên, khi giao đất khiến chính quyền lẫn người trong cuộc loay hoay bởi một văn bản công chứng trái luật.

38 năm khiếu nại 7.428ha đất bị trưng thu, được hỗ trợ 5 lô giờ vẫn chưa nhận được - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai - chị bà Cúc - làm đơn đề nghị giám đốc thẩm - Ảnh: TUYẾT MAI

Trước đây, vợ chồng ông Khôi có 7,428ha đất tại thôn Tân An, xã Tân Phú Xuân, huyện Hàm Thuận, tỉnh Thuận Hải (nay là TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

Năm 1979, UBND tỉnh Thuận Hải trưng thu toàn bộ diện tích của gia đình ông, giao cho Ty xây dựng Thuận Hải để xây dựng Xí nghiệp gạch ngói Thuận Hải nhưng không bồi thường. Từ đó, gia đình ông Khôi liên tục khiếu nại.

Anh em kéo nhau ra tòa

Giữa năm 2010, ông Khôi ủy quyền cho con út là bà Nguyễn Thị Kim Cúc đòi đền bù đất bị Nhà nước thu hồi, thời hạn ủy quyền đến khi khiếu nại được chấp nhận thỏa đáng. Đến năm 2014 ông Khôi chết, 6 người con còn lại của ông Khôi ủy quyền cho bà Cúc tiếp tục thực hiện việc khiếu nại.

Giữa năm 2017, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, trong đó có nội dung UBND tỉnh Bình Thuận xem xét giao cho 5 người con của ông Khôi mỗi người một lô đất tại khu tái định cư Đông Xuân An thuộc TP Phan Thiết, không thu tiền sử dụng đất. Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định số 3184 về việc thu hồi và giao đất cho hộ gia đình ông Khôi.

Tuy nhiên, sau đó bà Cúc đã liên hệ với UBND TP Phan Thiết, cung cấp văn bản thỏa thuận ngày 25-10-2014 do Văn phòng công chứng An Phước lập, có nội dung 6 anh chị của bà đồng ý cho bà Cúc toàn quyền sử dụng quyền lợi và nghĩa vụ (nếu nhận được hỗ trợ) từ UBND tỉnh Bình Thuận sau khi vụ khiếu nại chấm dứt. Trên cơ sở này, UBND TP Phan Thiết đã ban hành 5 quyết định về việc giao đất cho bà Cúc.

Cho rằng quyết định trên xâm phạm đến quyền lợi của mình nên 4 người con của ông Khôi đã tố cáo bà Cúc giả mạo văn bản thỏa thuận để chiếm tài sản. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã tiến hành điều tra. Kết quả cho thấy văn bản thỏa thuận này được tạo và ký tên từ năm 2014 nhưng chưa được công chứng chứng thực. 

Sau 3 năm, bà Cúc một mình đến phòng công chứng yêu cầu công chứng nhưng không được chấp nhận do công chứng viên cho rằng sau 3 năm, ý chí của những người có tên trong văn bản có thể đã thay đổi. 

Hơn nữa vào năm 2016, 4 người chị của bà Cúc đã đề nghị công chứng văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền khiếu nại cho bà Cúc. Sau đó, bà Cúc đến một phòng công chứng khác để công chứng thỏa thuận này.

Cơ quan điều tra xác định văn bản này được công chứng không đúng thủ tục, không chứng kiến người thỏa thuận ký trước mặt, không có mặt người thỏa thuận, trùng với số công chứng của một văn bản công chứng khác. Đồng thời, hành vi của bà Cúc có dấu hiệu phạm tội hình sự. 

Tuy nhiên, do trong thời gian chờ nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bị phát hiện và đã được ngăn chặn nên chưa gây hậu quả. Từ đó, cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự nhưng kiến nghị UBND TP Phan Thiết thu hồi và hủy quyết định giao 5 lô đất cho bà Cúc, để giao đất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Sau đó, UBND TP Phan Thiết ra quyết định số 3783 về việc hủy bỏ 5 quyết định giao cho bà Cúc với lý do hồ sơ pháp lý để ban hành các quyết định này chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật. Bà Cúc khởi kiện yêu cầu hủy quyết định số 3783 của UBND TP Phan Thiết và yêu cầu UBND TP Phan Thiết bồi thường thiệt hại.

Tòa - viện "chỏi" nhau

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Thuận không chấp nhận yêu cầu của bà Cúc. Bà Cúc kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM chấp nhận kháng cáo của bà Cúc, hủy quyết định số 3783 của UBND TP Phan Thiết.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng do thủ tục cử người đại diện để nhận đất chưa đảm bảo, UBND TP Phan Thiết đã ra quyết định 3783 hủy 5 quyết định giao đất cho bà Cúc là phù hợp với quy định pháp luật. 

Khi các anh chị của bà Cúc thỏa thuận được với nhau về việc cử người đại diện nhận đất theo thông báo của UBND TP Phan Thiết thì 5 lô đất vẫn được Nhà nước giao cho những người thừa kế của ông Khôi. 

Bà Cúc kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ gì mới làm thay đổi nội dung vụ án nên viện kiểm sát đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bà Cúc, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tuy nhiên, HĐXX TAND cấp cao tại TP.HCM lại cho rằng việc yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thuộc thẩm quyền của tòa án, không thuộc thẩm quyền của Công an tỉnh Bình Thuận. 

Tại thời điểm UBND TP Phan Thiết ban hành quyết định để hủy bỏ 5 quyết định giao đất cho bà Cúc thì văn bản thỏa thuận trước đó vẫn đang có hiệu lực pháp luật, chưa bị tòa án tuyên bố văn bản công chứng đó vô hiệu. Hơn nữa, 4 người chị của bà Cúc cho rằng bà Cúc giả chữ ký của mình thì tại sao trong suốt thời gian từ năm 2014 đến 2018 mới làm đơn tố cáo hành vi của bà Cúc. 

Do đó, việc UBND TP Phan Thiết chỉ căn cứ vào công văn của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận để ra quyết định hủy bỏ 5 quyết định giao đất cho bà Cúc là không đúng quy định. Từ đó, tòa án tuyên hủy quyết định số 3783.

Sau khi có bản án phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Kim Mai - một trong bốn người chị của bà Cúc - làm đơn đề nghị giám đốc thẩm.

Chưa xem xét thấu đáo?

Theo một chuyên gia tố tụng tại TP.HCM, việc ban hành 5 quyết định giao đất cho bà Cúc có nhiều vi phạm, như quyết định giao đất cho bà Cúc nhưng không có bất cứ tài liệu nào thể hiện những người thừa kế của ông Khôi đồng ý chuyển nhượng phần thừa kế của mình cho bà Cúc, chỉ có văn bản thỏa thuận nhưng văn bản này không phải là văn bản về thừa kế. Bởi việc cho phép bà Cúc được toàn quyền sử dụng quyền và nghĩa vụ (nếu nhận được hỗ trợ) từ UBND tỉnh Bình Thuận không đồng nghĩa với việc bà Cúc được thừa kế toàn bộ 5 lô đất.

Hơn nữa, cơ quan điều tra đã xác định bà Cúc cố ý thực hiện hành vi gian dối, sử dụng văn bản cũ, đưa đi yêu cầu công chứng trái pháp luật và xác định văn bản thỏa thuận này là không hợp pháp, vi phạm Luật công chứng, không có giá trị sử dụng.

Do cơ sở pháp lý và nội dung các quyết định giao đất cho bà Cúc không bảo đảm và trên cơ sở kết quả xác minh, đề nghị của cơ quan điều tra, UBND TP Phan Thiết đã ban hành quyết định hủy bỏ 5 quyết định giao đất cho bà Cúc là có căn cứ, đúng pháp luật. Việc cấp phúc thẩm hủy quyết định này của UBND TP Phan Thiết làm ảnh hưởng quyền và lợi ích của các đương sự.

Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), tòa cấp phúc thẩm cho rằng văn bản công chứng chưa bị tuyên vô hiệu, nhưng trong hồ sơ vụ án đã rõ văn bản công chứng này được công chứng sai.

Cơ quan công an hay UBND không có thẩm quyền tuyên văn bản công chứng vô hiệu nên việc tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm là hợp lý, song việc chấp nhận yêu cầu của bà Cúc là sai.

Bởi theo quy định, HĐXX phúc thẩm nhận thấy việc thu thập chứng cứ chưa thực hiện đầy đủ mà không bổ sung được thì phải hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho tòa cấp sơ thẩm xử lại.

Và khi tòa cấp sơ thẩm thụ lý lại, các anh chị của bà Cúc phải bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu tuyên văn bản công chứng vô hiệu.

Vụ án này tuy là vụ án hành chính nhưng các anh chị của bà Cúc đều là người liên quan nên họ có quyền có yêu cầu độc lập, với điều kiện yêu cầu độc lập đó có liên quan đến vụ án.

Tòa án có thể nhập hoặc tách vụ án. Trong trường hợp tách vụ án thì vụ án hành chính này phải xử sau khi phán quyết tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu có hiệu lực pháp luật.

Vụ văn phòng công chứng giả: Xử lý ra sao với 600 hồ sơ đã ký? Vụ văn phòng công chứng giả: Xử lý ra sao với 600 hồ sơ đã ký?

TTO - Về việc phát hiện văn phòng công chứng giả mạo Sao Bắc Đẩu ở Q.9, TP.HCM, bà Phan Thị Bình Thuận - phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - cho biết đây là lần đầu tiên Sở Tư pháp phát hiện một địa điểm hành nghề công chứng giả như vậy.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Công chứng