Ông Trần Quốc Quang và tài liệu tố cáo sai phạm của những người liên quan - Ảnh: Quang Định |
Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo gửi Thủ tướng kết luận về việc giải quyết tố cáo của ông Trần Quốc Quang (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM). Tại kết luận này, nhiều lãnh đạo cơ quan ở Hà Nội có sai phạm bị đề nghị kiểm điểm, kỷ luật.
Đã kết luận nhưng không chịu giải quyết
Ông Trần Quốc Quang là 1 trong 6 người con của ông Trần Duy Cát và bà Khuất Thị Tính. Vợ chồng ông Cát có thửa đất rộng gần 800m2 ở xã Xuân Phương (huyện Từ Liêm, TP Hà Nội).
Cuối tháng 11-2010, trong thời gian ông Cát vào TP.HCM thăm con thì phát hiện mình bị ung thư phổi di căn giai đoạn cuối. Ông được đưa vào bệnh viện để điều trị. Ngày 16-4-2011, ông Cát qua đời.
Sau khi đưa cha về quê chôn cất, ông Quang và một số anh em mới phát hiện toàn bộ diện tích đất do cha để lại được chuyển nhượng cho ông Lê Văn Tuấn hơn 400m2, tặng cho con trai là Trần Duy Thắng 350m2.
Hai người này được UBND huyện Từ Liêm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều đáng nói là hai hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho được công chứng viên Đoàn Thị Lý (văn phòng công chứng A9, TP Hà Nội) lập ngay tại bệnh viện, trước khi ông Cát qua đời 9 ngày.
Cho rằng công chứng viên lập hai hợp đồng trái quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng gần 800m2 đất, các con của ông Cát làm đơn tố cáo.
Tháng 6-2011, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm có văn bản đề nghị chủ tịch UBND huyện Từ Liêm hủy hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Tuấn và ông Thắng.
Lý do: hai hợp đồng công chứng không đảm bảo giá trị pháp lý, sai cả về nội dung lẫn hình thức. Công an quận Hoàn Kiếm kết luận hợp đồng công chứng được thực hiện khi sức khỏe của ông Cát suy kiệt, không làm chủ được hành vi, không nói, không nghe, không viết, không đọc được.
Sở Tư pháp Hà Nội cũng có kết luận công chứng viên có sai phạm khi thực hiện hợp đồng công chứng. Tuy nhiên, việc hủy bỏ hai hợp đồng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn không được giải quyết.
Đến năm 2013, Thanh tra UBND TP Hà Nội tiếp tục có kết luận về vụ việc nêu trên, đồng thời kiến nghị giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, hủy bỏ hai hợp đồng công chứng và kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ để xảy ra sai trái.
Sở Tài nguyên - môi trường TP Hà Nội cũng có văn bản gửi chủ tịch UBND huyện Từ Liêm phải hủy hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp nhưng UBND huyện Từ Liêm vẫn không chịu thực hiện.
Trong 7 năm qua, ông Trần Quốc Quang và anh em ruột của mình đã gửi hàng loạt đơn tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền.
Bao che, đùn đẩy, né tránh
Tại kết luận vừa ban hành, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Trần Duy Cát là vi phạm pháp luật. Trình tự thủ tục hồ sơ mua bán tặng cho nhà đất, hợp đồng công chứng có dấu hiệu giả mạo, thiếu trung thực và vi phạm pháp luật.
Theo Thanh tra Chính phủ, những hành vi nêu trên đều không được UBND huyện Từ Liêm, Sở Tư pháp Hà Nội và UBND TP Hà Nội xử lý triệt để, xâm phạm đặc biệt đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Quan trọng hơn, khi vụ việc xảy ra, công dân có đơn tố cáo, UBND TP Hà Nội có chỉ đạo các cơ quan xem xét, kết luận và kiến nghị giải quyết nhưng UBND huyện Từ Liêm, Sở Tư pháp Hà Nội và các cơ quan quản lý nhà nước có biểu hiện né tránh, đùn đẩy.
Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý kỷ luật hàng loạt cá nhân có liên quan.
Cụ thể, ông Lê Văn Thư (nguyên chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, nay là bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) có hành vi bao che cho cấp dưới trong việc mua bán và tặng cho quyền sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Duy Thắng và ông Lê Văn Tuấn.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm có văn bản đề nghị UBND huyện Từ Liêm hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp nhưng UBND huyện Từ Liêm không có động thái xem xét những vi phạm của Văn phòng đăng ký nhà đất huyện Từ Liêm.
Đối với ông Phan Hồng Sơn - giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cho rằng có hành vi bao che cho công chứng viên Đoàn Thị Lý cố ý làm trái quy định của pháp luật. Sai phạm của công chứng viên chưa bị xử lý nghiêm túc là nguyên nhân của tố cáo phức tạp.
Ông Vũ Hồng Khanh (nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nay là chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ TP Hà Nội) thiếu thận trọng và chưa sâu sát trong việc giải quyết đơn tố cáo của công dân.
“Ông Vũ Hồng Khanh cần rút kinh nghiệm về xử lý đơn tố cáo phức tạp” - kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.
Từ những vi phạm nêu trên, tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lại trạng thái quyền sử dụng đất ban đầu (đứng tên ông Cát, bà Tính);
Kiểm điểm trách nhiệm, tập thể cá nhân có liên quan, xử lý kỷ luật theo quy định; đồng thời chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xem xét các hành vi vi phạm pháp luật.
Đẩy trách nhiệm cho tòa án Năm 2013, Thanh tra UBND TP Hà Nội và ông Trần Quốc Quang kiến nghị Sở Tư pháp Hà Nội phải hủy bỏ hai hợp đồng công chứng vi phạm. Tuy nhiên, Sở Tư pháp Hà Nội nhiều lần có văn bản trả lời công dân và cho rằng việc hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc trách nhiệm của tòa án, giám đốc Sở Tư pháp không có thẩm quyền. Dù có kết luận về việc hợp đồng công chứng có vi phạm, nhưng khi xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND TP Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội vẫn công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được ký kết. Tòa án cho rằng thanh tra Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền được yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Theo Thanh tra Chính phủ, dù có thẩm quyền hủy bỏ hai văn bản công chứng nhưng Sở Tư pháp Hà Nội không xử lý mà lại hướng dẫn công dân khởi kiện sang tòa. Việc làm này của Sở Tư pháp có biểu hiện né tránh dẫn đến việc tố cáo của công dân thêm phức tạp và kéo dài. Trách nhiệm thuộc về giám đốc Sở Tư pháp Phan Hồng Sơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận