30/09/2018 09:45 GMT+7

Vụ văn phòng công chứng giả: Xử lý ra sao với 600 hồ sơ đã ký?

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TTO - Về việc phát hiện văn phòng công chứng giả mạo Sao Bắc Đẩu ở Q.9, TP.HCM, bà Phan Thị Bình Thuận - phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - cho biết đây là lần đầu tiên Sở Tư pháp phát hiện một địa điểm hành nghề công chứng giả như vậy.

Vụ văn phòng công chứng giả: Xử lý ra sao với 600 hồ sơ đã ký? - Ảnh 1.

Văn phòng công chứng giả mạo Sao Bắc Đẩu quảng bá đủ loại dịch vụ giấy tờ - Ảnh: UYÊN TRINH

"Về khoảng 600 hồ sơ, giao dịch đã được công chứng, chứng thực từ văn phòng theo quy định là vô hiệu vì bị giả mạo. Các giao dịch đã được công chứng nếu phát sinh tranh chấp thì cơ quan giải quyết căn cứ vào quy định Bộ luật dân sự để xử lý" - bà Bình Thuận giải thích.

Về hướng xử lý vụ việc, trao đổi với Tuổi Trẻ, công chứng viên Nguyễn Huy Giang (văn phòng công chứng Dương Thanh Tú ở Q.Bình Tân) cho biết tại TP.HCM giữa các tổ chức công chứng có liên thông thông tin với nhau. Khi Sở Tư pháp đã phát thông báo về trường hợp văn phòng Sao Bắc Đẩu thì thông tin sẽ lên mạng nội bộ chung, kể cả các cơ quan khác cũng biết. Vì vậy các giấy tờ, giao dịch ký ở đấy sẽ khó qua ải tại TP.HCM, nhưng nếu sử dụng ở các địa phương khác thì có thể họ sẽ không biết.

Theo công chứng viên Huy Giang, trường hợp người sử dụng giấy tờ trên biết rõ là giả mạo mà vẫn cố tình sử dụng chúng để thực hiện thủ tục pháp lý khác thì sẽ vi phạm pháp luật hình sự. Ví dụ với chứng thực cam kết tài sản riêng của vợ chồng, người chồng đem bán tài sản cho người khác nếu phát sinh tranh chấp thì người chồng phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài liệu giả mạo. "Vì vậy, với các giấy tờ chứng thực bị giả mạo, tốt nhất là người dân nên hủy bỏ, không sử dụng" - công chứng viên Huy Giang khuyến nghị.

Để giải quyết giao dịch đã được công chứng tại Sao Bắc Đẩu, các bên cũng có thể cùng thống nhất với nhau trình báo, tố cáo về trường hợp giao dịch của họ lên Sở Tư pháp và cho cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ việc. Tiếp nữa là các bên có quyền khởi kiện người đã tiến hành công chứng giao dịch đó ra tòa để hủy bỏ giao dịch, đòi lại quyền, lợi ích bị thiệt hại.

Về phía người đã tiến hành công chứng, chứng thực giả mạo sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ngoài ra, người đó còn phải chịu trách nhiệm dân sự, phải bồi thường thiệt hại. "Tất cả các trường hợp ngay tình bị thiệt hại có thể tố cáo đến cơ quan công an đang thụ lý để họ tổng hợp các thiệt hại làm cơ sở buộc người công chứng, chứng thực giả mạo phải bồi thường sau này" - công chứng viên Huy Giang gợi ý.

Sở Tư pháp đang cho dự thảo văn bản để thông tin đến người dân ở các khu phố của 322 phường, xã tại TP.HCM về danh sách các tổ chức hành nghề công chứng ở TP (đã được công khai trên website của sở), kèm theo tên trưởng văn phòng và số điện thoại. Theo bà Phan Thị Bình Thuận, hiện nay TP có 87 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 74 tổ chức đang hoạt động và 13 tổ chức vừa có quyết định thành lập đang đăng ký hoạt động.

Bắt công chứng viên ký hồ sơ sai tiếp tay cho lừa đảo Bắt công chứng viên ký hồ sơ sai tiếp tay cho lừa đảo

TTO - Theo lời khai của nhóm bị can trong đường dây lừa đảo đã bị bắt giữ, công chứng viên Trần Bình Trọng đã nhận 200 triệu đồng để ký các hồ sơ chuyển nhượng nhà đất sai quy trình.

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên