Ngày 22-11, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng, Long An) đã tổ chức lễ tổng kết phục hồi 17ha rừng tràm đặc dụng.
Dự án được tài trợ vốn từ Công ty cổ phần Tập đoàn PAN và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, do UBND tỉnh Long An phê duyệt từ tháng 4-2023.
17ha rừng tại tiểu khu 11 Khu bảo tồn đất ngập nước Lang Sen đã được trồng 340.000 cây tràm từ dự án. Song song đó là các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường đến các học sinh trong các trường học thuộc vùng đệm của khu bảo tồn.
Ông Trương Thanh Sơn - giám đốc khu bảo tồn - cho biết số rừng tràm được trồng lại này sẽ giúp ích rất lớn trong công tác bảo tồn, phục hồi cảnh quan thiên nhiên, tăng đa dạng sinh học cho toàn khu.
Được công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn) từ năm 2015, Láng Sen có diện tích tự nhiên hơn 5.000ha, trong đó có vùng lõi 1.971ha.
Đây được xem là "rốn" của vùng Đồng Tháp Mười, với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng từ rừng tràm, ruộng lúa ma, đồng cỏ ngập nước theo mùa, thảm thực vật thân gỗ, dây leo chịu ngập ven sông, bãi lầy ven sông, các lung, trấp ngập nước, lòng sông cổ...
Đây cũng là nơi trú ngụ của khoảng 156 loài thực vật hoang dã, nhiều nhất là các loài sen, súng, năng ngọt, lúa ma, cỏ ống, lục bình, rau dừa...
Cùng với 149 loài chim, cá mang "gene nguyên thủy" của Đồng Tháp Mười như già đẫy, diệc lửa, diệc xám, giang sen, le le, cò trắng chân xanh, vịt trời, điên điển, cá thát lát, cá lia thia, cá linh, cá ngựa, cá nàng hai, trê vàng, cá lóc bông...
Trong một thời gian, diện tích rừng đặc dụng tại Láng Sen bị suy giảm nhiều, chủ yếu do sự biến đổi khí hậu và nguồn nước.
UBND tỉnh Long An đã phê duyệt chương trình trồng mới 110ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ biên giới giai đoạn 2021-2023. Tính đến nay, chương trình này đã trồng lại được hơn 80ha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận