26/06/2015 09:07 GMT+7

336.630 tỉ đồng đầu tư toàn bộ dự án sân bay Long Thành

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD, áp dụng đơn giá năm 2014). Giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ USD).

Các đại biểu biểu quyết nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án sân bay  Long Thành Ảnh: V.Dũng
Các đại biểu biểu quyết nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành - Ảnh: V.Dũng

Sáng 25-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với 428/461 đại biểu có mặt tại hội trường tán thành (đạt tỉ lệ 86,64%), 17 đại biểu không tán thành, 16 đại biểu không biểu quyết.

Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Về quy mô, sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014). Trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ USD).

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác.

Diện tích đất của dự án là 5.000ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750ha. Diện tích đất cho quốc phòng là 1.050ha. Diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200ha.

Quốc hội giao Chính phủ trong quá trình triển khai xây dựng sân bay Long Thành theo phân kỳ đầu tư được phê duyệt, cần tiếp tục đầu tư, khai thác có hiệu quả sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết nhiều ý kiến đại biểu yêu cầu phải tăng tính công khai, minh bạch, tính chịu trách nhiệm, phải có những giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quá trình đầu tư, ngăn chặn không để nhóm lợi ích chi phối quá trình triển khai thực hiện dự án.

Cùng với đó là bảo đảm suất đầu tư, chất lượng, công nghệ tương đương với các cảng hàng không hiện đại khác trong khu vực, đảm bảo nguồn nhân lực vận hành, năng lực cạnh tranh và yêu cầu phải đạt hiệu quả kinh tế - xã hội.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu, có ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng với mức tăng trưởng hành khách như hiện nay thì đến năm 2017 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, do vậy đề nghị làm rõ các giải pháp để khắc phục sự quá tải này khi sân bay Long Thành đến năm 2025 mới hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục tiến hành nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tuy nhiên, với lượng hành khách tăng trưởng như dự báo sẽ dẫn đến quá tải.

Để khắc phục vấn đề này khi sân bay Long Thành chưa đi vào hoạt động, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải triển khai ba giải pháp.

Một là, khắc phục quá tải về vùng trời tiếp cận, điều hành khai thác bay một cách khoa học, hiệu quả để tăng năng lực tiếp nhận các chuyến bay trên vùng trời tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất.

Hai là, nâng cao công tác quản lý, vận hành, khai thác: tối ưu thời gian cất, hạ cánh tại các khung giờ cao điểm nhằm mục đích giãn mật độ cất, hạ cánh của các chuyến bay, tránh ùn tắc cục bộ ở các khung giờ cao điểm nhất định. Đồng thời tiếp tục triển khai phương án bố trí hợp lý quy trình khai thác luồng hành khách đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất, cải tiến quy trình kiểm tra an ninh, soi chiếu hành lý, quy trình, thủ tục xuất, nhập cảnh nhanh chóng.

Ba là, khắc phục quá tải về hạ tầng, hiện nay Tổng công ty Cảng hàng không VN đã hoàn thành mở rộng nhà ga hành khách quốc nội và đang triển khai mở rộng nhà ga hành khách quốc tế. Đồng thời đang mở rộng sân đậu tàu bay từ 40 lên 63 vị trí trên phần diện tích mới nhận bàn giao từ Bộ Quốc phòng để đáp ứng yêu cầu cho công suất phục vụ tối đa 25 - 26 triệu hành khách/năm, dự kiến hoàn thành năm 2016.

Về tác động của dự án đối với nợ công, ông Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết với các kịch bản được tính toán, mức độ tác động đến nợ công tối đa 0,28% GDP.

Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng một đường cất, hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường cất, hạ cánh cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên