Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa thay mặt Chính phủ ký dự thảo nghị quyết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Theo báo cáo mới nhất từ 63 tỉnh thành, trong giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến cả nước sẽ sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị hành chính cấp xã. Con số này chưa kể các huyện, xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.
Để giải quyết khó khăn của các địa phương trong quá trình thực hiệp sắp xếp đơn vị hành chính, Chính phủ đề xuất, ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các địa phương với mức 20 tỉ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện được giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã được giảm.
Số ngân sách này dùng để hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện xây dựng phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Tổ chức tuyên truyền, vận động; tổ chức lấy ý kiến cử tri; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính…
Trước đó, giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã sáp nhập 21 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 8 huyện; sáp nhập 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 563 xã.
Từ đó, tinh giản 361 cán bộ, công chức cấp huyện và 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách nhà nước hơn 2.008 tỉ đồng.
Tuy nhiên, số lượng đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định vẫn còn nhiều. Hiện chỉ có 18/63 đơn vị hành chính cấp tỉnh; 127/705 đơn vị hành chính cấp huyện; 2.438/10.599 đơn vị hành chính cấp xã đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Tổng lực triển khai sáp nhập huyện, xã
Trước đó, phát biểu kết luận hội nghị Bộ Nội vụ với các địa phương sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm vào sáng 7-7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu toàn ngành tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ sẽ tập trung tổng lực để quán triệt, triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo kết luận 48 của Bộ Chính trị và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó, yêu cầu phải thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đồng thuận, hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội.
Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính sau ngày 20-7 để địa phương triển khai từ tháng 8-2023 đến tháng 9-2024.
Dự kiến tại phiên họp 24 vào ngày 12 đến 14-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đây là vấn đề nóng bỏng và cấp thiết.
Tham mưu bảo đảm đến năm 2026 hoàn thành giảm 5% biên chế công chức, giảm 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, quan tâm tham mưu giải quyết tích cực, hiệu quả một số vấn đề tồn tại, phát sinh.
Với tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, cần lưu ý công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kỷ cương, kỷ luật, hoàn thiện thể chế, chính sách xử lý vi phạm.
Tình trạng cán bộ bỏ việc, thôi việc cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa; thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương; hoàn thiện thể chế, chính sách.
Đồng thời, nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức theo chỉ tiêu biên chế và chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận