06/06/2014 04:40 GMT+7

31 ngày sống dưới đáy biển

FABIEN COUSTEAU
FABIEN COUSTEAU

TT - Đúng nửa thế kỷ sau khi ông nội mình thực hiện thử thách sống dưới biển 30 ngày, người cháu quyết phá kỷ lục đó với một ngày dài hơn.

Robot “đi dạo” dưới đại dươngChủ động ứng phó với biến đổi khí hậu Úc khánh thành Viện Hải dương học "thông minh" nhất thế giới

ztQsynSt.jpg
Fabien Cousteau bên trong Aquarius trước khi xuống biển - Ảnh: Reuters

“Liệu con người một ngày nào đó có thể sinh sống dưới đáy biển?” - Fabien Cousteau, cháu nội của nhà hải dương học huyền thoại người Pháp Jacques-Yves Cousteau, có thể cho chúng ta một phần câu trả lời sau khi dự án “Sứ mệnh 31” hoàn thành trong một tháng nữa.

Thế giới không mặt trời

"Chúng ta gần như chẳng biết gì về các đại dương. Chúng ta đã thám hiểm chưa đến 5% thế giới sâu thẳm cho đến lúc này. Còn rất nhiều điều cần khám phá"

Ông Fabien Cousteau và nhóm nghiên cứu của mình, gồm năm nhà khoa học, vừa bắt đầu thử thách hôm 1-6 ở độ sâu 19,2m dưới mặt nước ngoài khơi bờ biển Key Largo, bang Florida. Theo tạp chí The Atlantic, họ đang thực hiện một dự án hiếm hoi để tìm hiểu sức chịu đựng của con người khi sống dưới biển trong không gian nhỏ nhoi chỉ 25m2.

Trong 31 ngày, họ sẽ nghiên cứu những tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm lên đời sống dưới đáy đại dương, đồng thời kiểm tra những thay đổi về tâm lý và thể chất của con người khi phải sống trong môi trường áp suất cao, không có ánh sáng mặt trời.

Năm 1963, nhà hải dương học Jacques-Yves Cousteau lần đầu tiên chứng minh cho thấy con người có thể sống và làm việc dưới nước sau khi ông hoàn thành cuộc thực nghiệm kéo dài 30 ngày dưới lòng biển Đỏ, ngoài khơi Sudan. Bộ phim tài liệu khoa học Thế giới không mặt trời của ông ra mắt năm 1964 và đoạt giải Oscar năm sau đó cho phim tài liệu hay nhất.

Khi được trình chiếu lần đầu tiên cách đây 50 năm, nhiều người còn tỏ ra hoài nghi tính trung thực của những thước phim quá sức sinh động và đáng kinh ngạc đó. “Một mình giữa biển trong đêm, tôi vẫn cảm thấy sợ hãi. Ban đêm bạn bắt gặp những sinh vật có hình thù, màu sắc chuyển động kỳ lạ. Chúng đến từ những cơn ác mộng” - Andre Falco, nhà du hành hải dương tham gia thực nghiệm, chia sẻ trải nghiệm của mình.

Chuyến thám hiểm của huyền thoại Jacques-Yves Cousteau, về nhiều mặt, là bước đi tiên phong của con người vào một thế giới xa lạ, đặt tiền đề cho việc con người sinh sống dưới đại dương.

Cảm hứng cho giới trẻ

Những bí ẩn của cuộc sống dưới nước

Ngày nay, khoa học biết được một số điều xảy ra với con người nếu họ sống quá lâu dưới nước, ví dụ như chúng ta sẽ mất hoàn toàn vị giác sau 10 ngày, lông tóc sẽ mọc nhanh hơn bình thường hay giọng nói trở nên cao hơn do áp suất. Ngoài ra, bạn cũng sẽ không thể huýt sáo được!

Trong nửa thế kỷ qua, con người đã học thêm nhiều điều từ biển, các sinh vật cũng như hệ sinh thái của nó, tuy nhiên ông Fabien Cousteau cho rằng vẫn còn đó những bí mật chờ được khám phá. Ông bày tỏ hi vọng càng hiểu nhiều hơn, chúng ta sẽ học được cách gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên này vốn đang bị bàn tay con người tàn phá.

Với dự án “Sứ mệnh 31”, Fabien Cousteau muốn vinh danh những gì ông nội mình để lại và tiếp nối sứ mệnh nghiên cứu - bảo tồn biển, thêm vào đó truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học vốn còn nhiều điều chưa khám phá.

“Tôi hi vọng dự án này sẽ mở ra một hướng mới trong lĩnh vực khám phá đại dương, dù đó là định cư dưới nước hay hơn nữa” - Đài CNN dẫn lời ông Fabien Cousteau.

“Ngôi nhà” của họ là Aquarius, phòng thí nghiệm hải dương dưới nước duy nhất đang hoạt động trên thế giới. Đây cũng là nơi thường được Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng để huấn luyện các phi hành gia trước khi bay vào không gian.

Nhóm của ông Fabien Cousteau được hơn 30 người hỗ trợ bao gồm các nhà làm phim và nhà nghiên cứu của nhiều trường ĐH Mỹ. “Jacques-Yves Cousteau đã truyền cảm hứng cho tôi từ ngày tôi còn là một đứa nhóc lớn lên giữa những cánh đồng ngô ở Ohio. Fabien Cousteau giờ đây đang làm điều tương tự cho thế hệ trẻ” - Mike Heithaus, giám đốc điều hành khoa môi trường, nghệ thuật và xã hội thuộc ĐH quốc tế Florida, trả lời tờ báo địa phương KeysNet.

“Tôi muốn tạo cảm hứng cho các bạn trẻ mạnh dạn bước chân ra ngoài. Trò chơi điện tử cũng hay đấy nhưng bạn biết không, thế giới bên ngoài còn tuyệt hơn bất cứ trò chơi nào” - ông Fabien Cousteau hóm hỉnh.

Bạn có thể theo dõi trực tuyến cuộc sống của các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm Aquarius tại trang web mission-31.com được cập nhật thông tin thường xuyên.

FABIEN COUSTEAU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên